Phóng to | |
...sau vành móng ngựa trong phiên tòa sơ thẩm, tháng 8-2009 - Ảnh: Quang Vinh |
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai (phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh):
Tôi tin cái tâm của chị Ba Sương
Về vụ án “Lập quỹ trái phép tại Nông trường Sông Hậu”, theo tôi, trước hết phải đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác quản lý của một đơn vị nông nghiệp như Nông trường Sông Hậu thì cơ chế của chúng ta chưa đầy đủ. Tôi từng đến thăm Nông trường Sông Hậu ở thời điểm phong trào đang hừng hực khí thế. Tôi đã vào thăm nhà một số nông trường viên và họ thật sự hồ hởi vì được chăm lo tốt.
Tôi thấy cần phải có sự đánh giá, rút kinh nghiệm cái được và chưa được trong quá trình điều hành hoạt động của nông trường. Riêng về chị Ba Sương, nếu qua đánh giá thấy thật sự có tham ô, tham nhũng thì xử lý, còn trường hợp chuyện xảy ra là do cơ chế chưa thống nhất hoặc do cơ chế thay đổi phải xem xét lại.
Tôi thấy chị Ba Sương coi người dân nông trường của mình như một đại gia đình. Nông trường đã bỏ tiền từ nguồn thu nhập ra nuôi con em nông trường viên ăn học đến nơi đến chốn. Tôi nghĩ rằng những cái đó phải được xem xét một cách thận trọng để đánh giá đúng nguồn gốc của vấn đề.
Cơ chế quản lý của mình thay đổi liên tục theo quy luật phát triển. Nhưng lấy các quy định hiện nay để áp cho những gì tồn tại trước đó là không nên, không khách quan. Trong trường hợp chị Ba Sương, tôi cho đây là một bài học lớn về hành xử của cơ quan chức năng.
Tôi nghĩ có thể quá trình quản lý của chị Ba Sương có sơ sót nhưng tôi tin vào cái tâm của chị ấy. Cái mà có người gọi là “quỹ đen”, theo tôi biết là quỹ phúc lợi chăm lo cho cái chung của nông trường. Và đó cũng là lý do vì sao hàng trăm người dân ký đơn xin ở tù thay cho chị.
Theo quy trình tố tụng, hiện còn một cấp giám đốc thẩm nữa và tôi tin Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao sẽ không bàng quan trước dư luận. Ngoài ra, do đây là một vụ việc quan trọng và còn có nhiều ý kiến khác nhau, có tác động xã hội lớn như vậy thì sự quan tâm, theo dõi của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là cần thiết và nếu thật sự có khuất tất thì ủy ban phải có ý kiến.
N.Triều ghi
Bà Lê Thị Thu Ba (chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội):
Nếu có dấu hiệu sai sót, ủy ban sẽ giám sát
Ngày 21-11, trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Thu Ba - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho biết ủy ban đang chờ kết quả xem xét đơn kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN gửi viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và chánh án Tòa án nhân dân tối cao về vụ việc bà Trần Ngọc Sương (Ba Sương).
Bà Thu Ba khẳng định: “Chúng tôi quan tâm, theo dõi sát tiến trình giải quyết vụ án. Chúng tôi chờ xem tòa, viện trả lời vấn đề này có chính xác, chặt chẽ không và dư luận thấy việc trả lời đó thế nào. Nếu tòa, viện trả lời không kháng nghị mà dư luận vẫn bức xúc như hiện nay và chúng tôi thấy việc trả lời đó chưa chặt chẽ, chúng tôi sẽ xem hồ sơ vụ án. Từ đó, nếu thấy có dấu hiệu sai sót, chúng tôi có thể thành lập đoàn giám sát”.
Về quan điểm cá nhân, bà Thu Ba cho biết rất quan tâm đến vụ xét xử bà Ba Sương vì: “Chị ấy được bà con nông trường rất ủng hộ. Tôi thấy một người phụ nữ dám đương đầu với khó khăn để xây dựng nông trường và giúp đỡ cho bao nhiêu người thì rất đáng trân trọng”.
Tuy nhiên, bà Thu Ba cũng nhấn mạnh rằng pháp luật quy định việc làm đúng được khen thưởng nhưng nếu sai sót phải chịu trách nhiệm. “Còn nếu trước đó có những thành tích có thể xem là tình tiết giảm nhẹ thì pháp luật cũng nên xem xét” - bà Thu Ba nói.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Luật không phải là bẫy rậpVụ lập quỹ đen ở nông trường Sông Hậu: Bản án có “tâm phục, khẩu phục”?Sáng nay, xét xử vụ sai phạm tại Nông trường sông HậuĐình chỉ vụ án “lập quỹ trái phép” tại Ninh KiềuChuyện “quỹ đen”Bị cáo Trần Ngọc Sương lãnh 8 năm tùBà Trần Ngọc Sương kháng cáoY án 8 năm tù đối với bà Trần Ngọc SươngBa Sương, vinh quang và cay đắng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận