![]() |
Sản xuất vũ khí trong binh công xưởng ở Nam bộ -Ảnh: Ban liên lạc truyền thống quân giới Nam bộ |
Cuộc chiến giữ “nhà”
Quân Pháp luôn tập trung triệt phá các binh công xưởng non trẻ. Theo lời kể của ông Bùi Văn Dương (phó giám đốc binh công xưởng Chi đội 7), vào tháng 7-1945 binh công xưởng Chi đội 7 trên đường “chạy giặc” đã bị Pháp chặn bắt hai ghe chở đầy máy móc thiết bị. Tiếc của, anh em đeo bám dò la biết được chỗ lưu giữ hai ghe rồi xin thêm bộ đội đến đánh giải vây, nhưng chưa kịp hành động thì Pháp đã bốc lên ôtô chở về Sài Gòn. Trắng tay, anh em bí mật đột nhập các công sở, kho tàng đối phương lấy máy móc thiết bị gầy dựng lại xưởng.
Tư liệu truyền thống quân giới Nam bộ còn ghi chép chi tiết hai vụ khác. Vào tháng 5-1946, Xưởng quân giới Nam bộ ở Bưng Tre (chiến khu Đ) bị tấn công bọc hậu triệt phá tan hoang. Cùng năm đó, xưởng Mỹ Ca ở Cần Thơ cũng chung số phận. Trước thời điểm đó, khi Pháp đánh nống ra các tỉnh, xưởng Mỹ Ca phải dời về rừng U Minh. Trên đường đi do thiếu kinh nghiệm bảo vệ, ngụy trang không đầy đủ nên cơ xưởng đã bị máy bay Pháp phát hiện và tấn công. Giám đốc xưởng, nhạc sĩ yêu nước Nguyễn Mỹ Ca, đã hiên ngang điều khiển anh em chèo lái cơ xưởng vào bờ và hi sinh cùng hai đồng đội, số anh em còn lại thay nhau lặn mò thiết bị để khôi phục xưởng.
Từ những tổn thất đó, anh em rút ra bài học xương máu: khi bố trí xưởng phải “bí mật và phân tán”, “lấy chiến khu bưng biền làm nôi” và “lấy lòng dân làm căn cứ địa”. Một cán bộ binh công xưởng trung đoàn 306 cho biết đơn vị của ông đóng ở Bời Lời (Tây Ninh) rất gần nhiều đồn bót, nhưng do tuân thủ các nguyên tắc nói trên mà tồn tại an toàn từ năm 1948 cho đến khi giải thể.
Ở khu 9, các binh công xưởng đóng giữa rừng U Minh hiểm trở nên đối phương không thể tấn công bằng bộ binh mà dùng máy bay ném bom hoặc nhảy dù “chụp”. Xưởng hóa chất 139 từng bị ném bom nhưng không trúng do xưởng đặt trên ghe cơ động. Tư liệu truyền thống quân giới Nam bộ còn ghi chép vào năm 1951, đối phương nhảy dù “chụp” binh công xưởng Hà Tiên, bắt rồi hạ sát anh Thạch Cang (dân tộc Khơme) và hai đồng đội của anh.
Ngày 20-7-1951, liên xưởng Thủ Biên (chiến khu Đ) nhận được tin sáng hôm sau đối phương sẽ càn quét. Anh em tháo dỡ, phân tán máy móc vào các hầm bí mật. Quanh xưởng đã có vành đai lửa 4.000 quả mìn, anh em gài thêm nhiều mìn lõm ở vòng ngoài. Sáng hôm sau, 3.000 lính Tây hăm hở tiến vào, đụng phải trận địa mìn chết vô số kể. Theo lời kể của ông Võ Văn Xích (mới mất năm 2008), trong trận đó tổ trưởng chiến đấu tên là Giám trong lúc đi kiểm tra trận địa đã bị vướng mìn hi sinh.
![]() |
Nấu đổ thuốc nổ vào vỏ mìn ĐH -Ảnh: Ban liên lạc truyền thống quân giới Nam bộ |
Sự hi sinh âm thầm
Chiến sự lan tới đâu, các binh công xưởng lùi dần đến đó, vào tận rừng sâu. Đối phương càn quét, đánh phá, dân đói triền miên nên lính thợ cũng đói. Anh em quân giới ở chiến khu Đ thường xuyên ăn măng rừng và rau tàu bay, họa hoằn lắm mới được bữa ăn có mắm ruốc, cá khô hay đường tán. Thiếu muối, nhiều lính thợ ở binh công xưởng trung đoàn 312 và Chi đội 10 bị phù thũng nặng, anh em phải đốt cỏ tranh, gốc cây dền lấy tro dùng thay muối.
Ở rừng Sác, theo ông Bùi Văn Dương, anh em chèo ghe đến khu rừng Giồng xa cả chục cây số để lấy nước ngọt, có khi bị máy bay đối phương bắn trúng ghe. Họ phải căng màn hứng sương đêm vắt uống cho đỡ khát.
"Tự tạo vũ khí là một sự nghiệp lớn mà âm thầm, rất âm thầm, ít ai biết, ít ai hay, từa tựa như việc của những người đầu bếp trong một bữa tiệc lớn. Càng âm thầm thì càng sâu đậm tính anh hùng. Chính nhờ công lao của những anh hùng vô danh trong quân giới mà có những anh hùng hữu danh ở nơi trận tuyến" |
Cũng ở chiến khu Rừng Sác, hơn 1/3 lính thợ không đủ quần áo. Chỉ những ai có việc đi ra bên ngoài binh công xưởng mới mặc đủ quần áo, số còn lại cởi trần trong lúc sản xuất. Ở chiến khu Đồng Tháp Mười không lo thiếu tôm cá, nhưng do địa hình trống trải nên khi đối phương càn phải ngâm mình trong bùn nước chỉ chừa lỗ mũi để thở.
Theo lời kể của ông Xích và nhiều cựu binh quân giới khác, lính thợ ở rừng miền Đông hầu hết bị suy dinh dưỡng, sốt rét kinh niên do muỗi rừng và ăn uống quá kham khổ. Mùa mưa năm 1946, chỉ trong ba ngày mà binh công xưởng Chi đội 10 mất ba lính thợ do sốt rét ác tính không có thuốc điều trị. Ở những cánh rừng Tây Ninh nơi binh công xưởng trung đoàn 312 đứng chân thì “nổi tiếng” với những bệnh dịch như chấy rận, hắc lào, ghẻ lở, kiết lỵ. Mùa mưa, vắt và ve bám người hút máu gây sốt vàng da, kiến vàng kiến nhọt chích sưng chân, rắn chàm quạp cắn, thú dữ rình rập...
Đầu năm 1952, đối phương thường xuyên tổ chức đánh phá, các binh công xưởng chủ lực được lệnh hành quân di dời từ Bà Rịa về chiến khu Đ chủ yếu bằng đôi vai của người lính thợ. Theo một số cựu binh quân giới, chặng đường này theo quốc lộ chỉ khoảng 100km, nhưng do đi đường vòng để tránh đồn bót phải phát cây băng rừng, vượt suối băng đồi. Đến cuối năm, một trận bão lũ kinh hoàng đã cuốn phăng gần hết “gia tài” của anh em quân giới. Chớp thời cơ, quân Pháp tổ chức càn quét suốt 52 ngày đêm khiến hơn 2.000 công nhân quân giới phải lặn nhổ từng bụi mì non, ăn cả củ mì thối và vỏ củ mì.
Nhưng thiếu thốn tình cảm mới là sự hi sinh lặng thầm hơn cả. Thi thoảng họ mới được xem văn công biểu diễn, còn lại “ta hát ta nghe” để quên nỗi nhớ người thân. Được cái anh em rất được dân thương và bảo bọc. Có khi dân giúp họ vận chuyển cả một binh công xưởng từ nơi này sang nơi khác. Ông Nguyễn Tấn Hoài - trưởng ban liên lạc quân giới Nam bộ - cho biết người dân vùng kháng chiến còn hiến cả những vật dụng có giá trị như mâm thau, nồi đồng và cả những vật thờ cúng thiêng liêng như chân đèn, lư hương cho các binh công xưởng làm vũ khí.
Chính nhờ sự hi sinh âm thầm đó mà chiến trường mới kịp thời có được vũ khí làm nên chiến thắng.
_______________________
Số tới khởi đăng: Mắt bão ở CIA
“Nếu ở cương vị như của tôi, vào một thời điểm nào đó bạn cũng sẽ phải ra đi. Tôi đã cố gắng quá lâu rồi. Sức ép quá lớn” - nguyên giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) George Tenet viết trong cuốn hồi ký mới xuất bản của mình.
Sức ép đó là gì từ sự kiện 11-9? Phải chăng do thất bại tình báo lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ sau vụ Trân Châu Cảng, hay do rơi vào thế phải có gì đó làm chứng cứ dẫn đến những lời nói dối?
Mời bạn đón đọc số báo tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận