Đại diện Viện KSND TP.HCM luận tội 6 bị cáo trong vụ án - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bà Hứa Thị Phấn (72 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) và 5 bị cáo Bùi Thị Kim Loan, Lâm Kim Dũng, Huỳnh Thị Xuân Dung, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Phạm Hồng Hảo bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Viện KSND TP.HCM cho rằng trong thời gian gần đây, TAND TP.HCM liên tục đưa ra xét xử nhiều vụ án về tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng gây tác hại nghiêm trọng cho xã hội. Nhiều vụ án có hậu quả thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý điều tiết hoạt động tài chính, tín dụng...
Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng MTV TNHH Xây dựng Việt Nam - CB) hơn 12.000 tỉ đồng, đã được các cơ quan tố tụng điều tra xử lý về các tội cố ý làm trái, lạm dụng tín nhiệm..., thu hồi hơn 6.000 tỉ đồng.
Bà Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, chi phối điều hành mọi hoạt động của ngân hàng để thâu tóm và chỉ đạo toàn bộ hội đồng quản trị, ban điều hành và cán bộ nhân viên Ngân hàng Đại Tín.
Trong vụ án này, bà Phấn và đồng phạm bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong 2 hành vi: chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt 901 tỉ và hành vi nâng khống 4 bất động sản khác bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt 437 tỉ đồng.
Theo đại diện VKS, tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, nên có đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Đại Tín.
Bà Phấn đã lôi kéo, chỉ đạo các bị cáo là cấp dưới, người thân trong gia đình chiếm đoạt của Ngân hàng Đại Tín 1.338 tỉ đồng. Hành vi của bà Hứa Thị Phấn là nguy hiểm cho xã hội.
Bà Phấn là chủ mưu, các bị cáo khác trong vụ án là cấp dưới, quan hệ trong gia đình nên nể nang, giúp sức.
Hứa Thị Phấn đã sắp đặt cho người quen, người thân vào các vị trí, nhờ đứng tên giùm. Từ đó, rất nhiều người thân của Phấn đã bị truy tố, xét xử và nhận mức án nặng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, bà Phấn sử dụng cho cá nhân, các bị cáo không được hưởng lợi, chịu sự chỉ đạo của cấp trên, có vai trò giúp sức nhưng thụ động...
Các bị cáo, bị án tại phiên tòa xét xử vụ thất thoát 1.338 tỉ đồng tại Ngân hàng Đại Tín - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án:
Bị cáo Hứa Thị Phấn: 20 năm tù, tổng hợp hình phạt với các bản án khác là 30 năm tù.
Bị cáo Bùi Thị Kim Loan (Kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) từ 7-8 năm tù, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Bị cáo Huỳnh Thị Xuân Dung (nguyên giám đốc Công ty địa ốc Phúc Nguyễn) 6-7 năm tù.
Bị cáo Lâm Kim Dũng (nguyên giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang) từ 5-6 năm tù, tổng hợp hình phạt là 11-12 năm.
Bị cáo Lâm Hứa Quỳnh Trinh (nguyên thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam, nguyên phó phụ trách phòng ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín) từ 2-3 năm tù, tổng hợp hình phạt là 4-5 năm tù.
Bị cáo Phạm Hồng Hảo (nguyên nhân viên Ngân hàng Đại Tín) từ 2-3 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX buộc bà Hứa Thị Phấn phải nộp lại cho Ngân hàng Đại Tín, nay là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CB Bank) toàn bộ số tiền chiếm đoạt là 1.338 tỉ đồng.
Về xử lý tài sản kê biên trong vụ án, đối với phần lãi suất của 29 khoản vay theo hợp đồng chuyển quyền và nghĩa vụ giữa Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn, buộc Phạm Công Danh trả phần lãi còn lại của 29 khoản vay tính đến ngày Phạm Công Danh chuyển tiền tất toán nợ gốc của 29 khoản vay này. Đề nghị tiếp tục kê biên 114 bất động sản để đảm bảo nghĩa vụ của Phạm Công Danh với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam trong tất cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Đối với khoản tiền 902 tỉ và 135 tỉ theo hợp đồng chuyển quyền và nghĩa vụ giữa Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn. Đây là khoản đầu tư vào 3 dự án và đã bị bà Phấn chiếm đoạt nên buộc bà Phấn phải trả lại cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận