Phóng to |
Nhiều người cùng lấy bia do xe chở bia làm đổ ra đường - Ảnh cắt từ clip bạn đọc quay được |
"Thảm họa" hôi của: có xử lý được người cướp bia?Clip: Xe chở bia gặp nạn, nhiều người đổ xô hôi củaXe chở bia gặp nạn, hàng trăm người “hôi của”
Vụ việc nhiều người đi đường cùng nhào vào lấy bia khi xe chở bia gặp tai nạn xét về mặt đạo đức thì hành vi của những người "hôi bia" quả thật không còn gì để nói. Hành vi thấp kém của họ đã làm mất đi tinh thần truyền thống của dân tộc "tương thân, tương ái", tương trợ khi gặp hoạn nạn. Đây không phải là một vụ điển hình mà còn nhiều vụ khác như khi người bị tai nạn giao thông, thường bị hôi của (lục lấy ví tiền, tháo nữ trang, lấy túi xách, lấy cả xe...) chứ không được cứu giúp.
Hành vi đáng lên án này của một bộ phận ngươi dân thật đáng xấu hổ, là hình ảnh xấu trong giáo dục các em học sinh về tinh thần “tương thân tương ái”, giúp đỡ người trong cơ hoạn nạn. Làm sao giáo dục trẻ về tính thật thà, giúp đỡ người khác khi chứng kiến hình ảnh xấu xí của những người lớn trong đoạn clip quay lại cảnh "hôi bia" vừa xảy ra.
Tuy nhiên, để xử lý hành vi này thực sự là điều khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền bởi đám đông những người “hôi của” sau khi chiếm được tài sản của nạn nhân thường bỏ đi ngay. Cũng bởi quá nhiều người cùng thực hiện cho nên cũng khó cho nạn nhân hay cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý.
Dù vậy, cơ quan chức năng cũng nên lựa chọn những vụ nổi cộm, tài sản có số lượng lớn và gây phản cảm để xử lý nghiêm hành vi của người “hôi của” để hạn chế những hình ảnh xấu xí tương tự.
Căn cứ vào tình tiết trong đoạn clip ghi lại vụ việc xe chở bia bị lật tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, ngay sau khi bị lật người dân đã lao lấy tài sản là những thùng bia Tiger bị đổ ra đường mặc cho sự ngăn cản của tài xế, thì hành vi của những người “hôi của” trên đã có dấu hiệu của hành vi “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên để có thể xử lý hình sự đối với tội danh này thì người thực hiện hành vi hôi của phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Tài sản mà họ chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trong vụ việc này, tuy tổng số bia đã bị đám đông “hôi của” lấy mất rất lớn nhưng việc xác định từng người tham gia được bao nhiêu rất khó và khả năng là số bia mỗi người lấy được cũng có thể chưa đến mức 2 triệu đồng. Thế nên việc xác định tội phạm đối với những người đã thực hiện hành vi hôi của là khó.
Nhưng trong trường hợp không thể xử lý bằng chế tài hình sự thì cũng có thể xử phạt hành chính người vi phạm theo điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 73 ngày 12-7-2010 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội). Cụ thể, mức phạt hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác (mà trị giá tài sản chiếm đoạt chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) là từ 1-2 triệu đồng và người chiếm đoạt buộc phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
Thiết nghĩ, nếu cơ quan điều tra cần căn cứ vào clip quay lại vụ việc để điều tra làm rõ, xử phạt nghiêm ở mức cao nhất (2 triệu đồng) đối với người tham gia “hôi của”. Việc này cũng có tác dụng răn đe, giáo dục không để xảy ra những vụ “hôi của” tương tự khác.
Xét kỹ hơn, những người hôi của trong vụ việc nêu trên không chỉ có hành vi vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức. Đó là lối sống thiếu nhân văn cũng như làm mất đi truyền thống giúp người trong hoạn nạn của dân tộc trong một xã hội văn minh.
Không chỉ xử phạt nghiêm mà muốn giảm hiện tượng xấu xí này còn trông chờ vào sự dạy dỗ, giáo dục của từng bậc phụ huynh đối với con em mình và sự tự ý thức của mỗi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận