22/07/2020 20:32 GMT+7

Vụ cựu cán bộ Bộ Quốc phòng sản xuất 54 triệu lít xăng giả: chỉ giảm án 4 bị cáo

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Từng là các cán bộ cấp cao, lãnh đạo trong công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng chỉ vì hám lợi, các bị cáo tổ chức sản xuất, bán ra thị trường hàng triệu lit xăng giả, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng.

Vụ cựu cán bộ Bộ Quốc phòng sản xuất 54 triệu lít xăng giả: chỉ giảm án 4 bị cáo - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Văn Đồng ngồi xe lăn đến tòa- Ảnh Tâm Lụa

Chiều 22-7, sau 2 ngày xét xử, Tòa án Quân sự trung ương tuyên án đối với 14 bị cáo có kháng cáo trong vụ án sản xuất, buôn bán xăng giả xảy ra tại Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, Bộ Quốc phòng và một số cơ quan, đơn vị.

4 bị cáo được giảm án

Xét kháng cáo của 14 bị cáo trong vụ án, hội đồng xét xử cho rằng tại tòa, một số bị cáo không thừa nhận việc pha chế, buôn bán xăng giả nhưng lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Phương (nguyên giám đốc Công ty Năng Lượng Vạn Xuân) đã khai rất rõ về việc pha chế xăng, bán xăng giả ra thị trường.

Lời khai này phù hợp với lời khai của các bị cáo khác có trong hồ sơ vụ án. Thực tế, hành vi phạm tội đã diễn ra như lời khai của các bị cáo.

Theo đó, lợi dụng vai trò của mình tại các công ty do mình quản lý, các đối tượng đã bàn nhau pha chế xăng giả, tìm cách tuồn xăng vào kho VK102 thuộc Cục Hậu cần Quân khu 7 rồi bán ra thị trường.

Kết quả định giá cho thấy 54 triệu lít xăng giả có giá trị tương đương hơn 850 tỉ đồng nếu bán ra thị trường như xăng thật. Thực tế, các bị cáo đã trục lợi hàng trăm tỉ đồng từ việc sản xuất, buôn bán xăng giả.

Bị cáo Lê Minh Anh (tổng giám đốc công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương) thống nhất việc pha chế xăng giả, thông qua công ty Vạn Xuân bán ra thị trường, được ăn chia tiền 11 tỉ đồng từ việc bán xăng giả.

Theo hội đồng xét xử, một số bị cáo cho rằng mình chỉ là người làm công ăn lương, không có vai trò quyết định là chưa đúng. Các bị cáo không buộc phải làm theo chỉ đạo của người sử dụng lao động, hành vi của các bị cáo không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm theo quy định của Bộ luật hình sự.

Đối với 6 bị cáo có kháng cáo cho rằng mình không phạm tội, tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất, mức độ hành vi và nhân thân của các bị cáo khi xét xử. Vì vậy, kháng cáo của các bị cáo là không có cơ sở chấp nhận.

Hội đồng xét xử quyết định giảm án cho 4 bị cáo gồm: Nguyễn Văn Phương từ 11 năm tù xuống còn 10 năm tù do thành khẩn khai báo, đã nộp lại số tiền khắc phục hậu quả.

Bị cáo Trần Văn Đồng (đại tá, nguyên phó tổng giám đốc kiêm giám đốc chi nhánh đầu tư xây dựng miền Nam, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, Bộ Quốc phòng) được giảm từ 9 năm tù xuống còn 8 năm tù do bị cáo là thương binh, có nhiều thành tích trong công tác, có công với cách mạng, đã nộp lại tiền thu lợi bất chính.

Bị cáo Nguyễn Minh Nhân (nguyên chủ nhiệm kho VK102 Cục Hậu cần Quân khu 7) được giảm từ 6 xuống còn 5 năm tù.

Bị cáo bị cáo Huỳnh Ngọc Điệp (nhân viên Công ty Vạn Xuân) được giảm từ 5 năm 6 tháng xuống còn 4 năm 6 tháng tù.

Kháng cáo của 10 bị cáo còn lại trong vụ án gồm Lê Quang Hiếu Hùng, Lê Minh Anh, Phan Trường Sơn, Vũ Huỳnh Thái, Trần Anh Việt, Nguyễn Đăng Hưng, Phan Trung Hưng, Nguyễn Đức Tú, Thân Văn Tuyến và bị cáo Trần Phú trong vụ án là không có cơ sở chấp nhận. Tòa cũng tuyên tịch thu hơn 728 tỉ đồng tiền thu lợi bất chính từ việc bán xăng giả để sung công quỹ nhà nước.

Ăn năn hối lỗi

Phiên tòa phúc thẩm diễn ra vì có kháng cáo của cả 14 bị cáo, nhưng tại tòa không xuất hiện thêm tình tiết nào đặc biệt. Đa số các bị cáo và luật sư bào chữa đều đề nghị tòa cho các bị cáo được giảm án vì đã thành khẩn khai báo, nộp tiền bồi thường khắc phục hậu quả nhưng không được tòa sơ thẩm xem xét…

Khi bào chữa trước tòa, bị cáo Lê Quang Hiếu Hùng (cựu công nhân viên quốc phòng, chi nhánh đầu tư và xây dựng miền Nam - Tổng công ty xây dựng Lũng Lô) tự nhận mình là người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Tỏ ra ra ăn năn trước tòa, bị cáo Hùng không bào chữa gì về tội danh của mình mà chỉ xin tòa cho bị cáo được đổi qua tội trốn thuế.

“Việc bị cáo mất hết tất cả, phải hầu tòa ngày hôm nay là cái giá phải trả quá đắt cho hành vi của mình. Nếu được thì bị cáo xin nhận hết tội danh của các bị cáo khác trong vụ án. Mỗi lần nhìn thấy anh Đồng (bị cáo Trần Văn Đồng) phải ngồi xe lăn đến tòa, bị cáo thấy vô cùng đau xót…” - bị cáo Hùng nghẹn ngào nói ở tòa.

Bị cáo Hùng biện minh việc các công ty sản xuất, mua bán xăng đã đem lại số tiền thuế rất lớn, người tiêu dùng đã mua xăng, tiền lợi nhuận đã thu lại cho ngân sách….

Bản án sơ thẩm kết luận bị cáo Hùng đã được bị cáo Trần Văn Đồng (nguyên phó tổng giám đốc kiêm giám đốc chi nhánh đầu tư và xây dựng miền Nam - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Bộ Quốc phòng) lợi dụng chức vụ để nâng lương, nâng bậc, bổ nhiệm vào vị trí phụ trách lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Nhờ đó, Hùng có điều kiện thực hiện nhiều thủ đoạn pha chế xăng giả, làm giả hồ sơ hợp thức hóa số xăng giả để bán ra thị trường, thu lợi hàng trăm tỉ đồng để chia nhau.

Từng là người có chức vụ quyền hạn lớn trong công ty của Bộ Quốc phòng nhưng giờ bị cáo Trần Văn Đồng phải ngồi xe lăn, có người đẩy đến tòa. Luật sư của bị cáo Đồng cho biết sức khỏe của bị cáo quá yếu với hàng loạt bệnh như ung thư, vừa mới phẫu thuật, bị liệt và mọi sinh hoạt cá nhân ở trại giam đều phải nhờ người khác trợ giúp.

Luật sư cho rằng bị cáo Đồng không tham gia bàn bạc, không chỉ đạo việc sản xuất xăng giả, chỉ ký khống nâng chức vụ, nâng bậc cho bị cáo Hùng.

Cấp sơ thẩm thẩm tuyên buộc bị cáo Đồng phải nộp lại 13 tỉ đồng tiền hưởng lợi để khắc phục hậu quả, bị cáo đã nộp lại hơn 2 tỉ đồng nhưng tòa án sơ thẩm chưa áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Vì vậy, luật sư của bị cáo Đồng đã đề nghị tòa giảm mức bồi thường, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Một số luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, giảm hình phạt cho các bị cáo nhưng không đưa ra được căn cứ nào mới nên đại diện viện kiểm sát cho rằng các đề nghị này đều không có căn cứ.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên