Hình ảnh ông Lê Văn Tường, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đắk R’lấp, tại cơ quan vừa gác chân vừa hút thuốc trong giờ làm việc - Ảnh: N.V.
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông ngày hôm qua 15-11 cho biết sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Lê Văn Tường - hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk R'lấp - để xác minh thông tin phản ánh "Hạt trưởng có thói quen gác 2 chân lên bàn làm việc".
Gác chân lên bàn là do bệnh?
Trước đó, một đoạn clip và một ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng ghi lại hình ảnh một người đàn ông trung niên vừa hút thuốc, gác chân lên bàn làm việc vừa đọc văn bản. Ông Tường thừa nhận người trong hình ảnh và clip trên mạng xã hội là mình khi đang trong phòng làm việc tại cơ quan.
Lý giải về sự việc, ông Tường nói: "Cả cơ quan tôi đều biết tôi bị gút nặng, nếu ngồi bình thường, máu sẽ dồn xuống chân và gây khó khăn cho di chuyển. Tôi cũng chỉ gác chân khi ở trong phòng một mình chứ không hành động như thế khi gặp, trao đổi công việc với mọi người. Rõ ràng đây là hình ảnh chụp lén khi tôi ở một mình chứ không phải trong lúc tôi làm việc với người khác".
Cũng theo ông Tường, hình ảnh và clip trên được quay, chụp khoảng một tháng trước bởi một cán bộ của đơn vị.
Bình luận trên Tuổi Trẻ Online, một số bạn đọc cho rằng phòng làm việc nơi công sở, dù là phòng riêng thì cán bộ cũng không nên có những cử chỉ tùy tiện. "Đây là cơ quan nhà nước, hình ảnh đẹp cũng là hiệu quả, mệt thì có thể kê ghế dưới bàn mà, ở nhà tôi cũng không gác chân lên bàn chứ đừng nói là nơi làm việc" - bạn đọc tên Ninh nêu ý kiến.
Bạn đọc Nguyễn Vũ Đình Duy thì nhận xét: "Tay thì cầm thuốc lá, miệng phì phèo! Chân thì gác cao hơn bàn! Tác phong này không thể làm người gương mẫu được ông ạ!".
Một vài bạn đọc khác thì lo ngại rằng nếu thật sự ông Tường có vấn đề về sức khỏe (bệnh gút) như ông giải trình thì liệu có ảnh hưởng tới công việc chuyên môn của ông hay không. "Kiểm lâm mà đau chân thì làm sao đi tuần, thôi thì cho ông ấy về nghỉ luôn để người khác khỏe mạnh lên thay" - bạn đọc Hoàng Nguyễn đề xuất.
Bạn đọc Trần Lũy đồng tình: "Nếu ông ấy bị bệnh nặng vậy thì giải quyết cho "hưu non" là phù hợp chứ cán bộ lãnh đạo mà cứ cho 2 chân lên bàn và phì phèo thuốc lá thì thấy phản cảm quá".
Tạm đình chỉ là quá "nặng tay"
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng việc ông Tường ngồi gác chân lên bàn làm việc trong lúc chỉ có một mình, không họp hành, không tiếp khách thì không có gì đáng chê trách. Có bạn đọc còn nói vui rằng "ở phòng làm việc riêng, tôi nghĩ 90% các sếp đều đã từng gác chân lên bàn làm việc".
Bạn đọc Tuấn Minh tự nhận là một cán bộ về hưu "thừa nhận": Trước đây mình là "sếp nhỏ" thôi cũng có phòng riêng làm việc. Giờ nghỉ trưa khoái nhất là ngả lưng ghế, gác chân lên bàn thư giãn. Nếu chụp lại ảnh lúc đó và gán cho tội "gác chân lên bàn khi làm việc" chắc cũng kiểm điểm ghê đây.
Theo nhiều bạn đọc, việc cấp trên tạm đình chỉ công việc của ông Tường chỉ vì ngồi gác chân lên bàn trong phòng riêng là quá "nặng tay", trong khi đây chỉ là vấn đề tác phong, chỉ cần phê bình là được.
"Quan trọng hóa vấn đề, ngồi một mình thì có sao? Trong phòng có khi còn bố trí giường ngủ thì sao, cơ bản khi tiếp xúc với ai thì thái độ, phong cách chuẩn chỉnh là được" - bạn đọc Vũ Loan bình luận.
Thậm chí, theo bạn đọc Công Hoàng: "Nếu chỉ vì gác chân lên bàn khi không làm việc với ai mà lại bị.... chụp lén, thì đình chỉ công tác có vẻ hơi nặng. Một cái "tội" rất hy hữu và khôi hài".
"Nếu chỉ vì việc này mà tạm đình chỉ thì nực cười. Việc gác chân chỉ là tác phong, chẳng ảnh hưởng đến ai. Nếu họ tiếp dân, hay gì đó thể hiện sự hống hách đã đành" - bạn đọc Nguyễn Tiến Cương nói.
Phần lớn bạn đọc cho rằng cần để mọi người tự do trong khuôn khổ thì công việc mới hiệu quả hơn, đừng nên cứng nhắc và gò bó không đáng có. "Đây là phòng làm việc riêng của ông ấy, chứ có phải phòng họp đâu. Hãy xem kết quả công việc quản lý, điều hành thế nào, chứ mình thấy cái này bình thường mà. Nếu chỉ vì việc này mà kiểm điểm thì đúng là nặng quá!" - bạn đọc Kim Giang bình luận.
Thăm dò ý kiến
Ý kiến của bạn về việc tạm đình chỉ cán bộ gác chân lên bàn trong trường hợp này?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận