01/04/2006 17:05 GMT+7

Vụ án "thương binh giả"

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TTCN - Trong tháng 3-2006, sau chín tháng điều tra, phòng cảnh sát kinh tế công an Hà Tĩnh đã lật tẩy bốn đường dây làm hàng ngàn bộ hồ sơ thương binh (TB) giả.

oHNJm6ra.jpgPhóng to
Thiếu tá Trần Thanh Trì (bìa phải) và điều tra viên đang xử lý hồ sơ chuyên án
TTCN - Trong tháng 3-2006, sau chín tháng điều tra, phòng cảnh sát kinh tế công an Hà Tĩnh đã lật tẩy bốn đường dây làm hàng ngàn bộ hồ sơ thương binh (TB) giả.

Lúc đầu người ta ngạc nhiên với những người lính phục viên, xuất ngũ sau năm 1975 về làng đã hàng chục năm rồi nay bỗng dưng có tên trong danh sách lĩnh chế độ TB của huyện.

Nhưng “những đối tượng ấy cũng dễ lấp liếm vì ít ra cũng có thời gian đi lính, chứ đến lượt mấy cha đi công nhân lâm trường, đi xây dựng kinh tế, thậm chí đi xuất khẩu lao động hàng chục năm trời nay về làng cũng trở thành TB” (theo lời người dân). TB giả loạn lên như một loại dịch khó khống chế, đến nỗi chỉ cần một cú ngã trặc xương, một vết sẹo bẩm sinh đâu đó cũng có thể trở thành vết thương mang về bạc triệu!

Ai đổ xô đi làm TB giả?

HQigoAkZ.jpgPhóng to
Bị tạm giam tháng thứ chín nhưng “siêu cò” Phan Hữu Thuấn (trong trại tạm giam Cầu Đông) vẫn chưa khai nhận đầy đủ tội lỗi
Về những vùng quê nghèo Hà Tĩnh mới biết, đủ loại đối tượng “mê” được trở thành TB. Có tiền là được tất, vì chỉ cần bỏ ra 3-4 triệu đồng, sau vài tháng là có chế độ TB hẳn hoi. Còn tỉ lệ phần trăm thương tật là tùy “tiền trao cháo múc” giữa người “mê làm TB” với “cò” dẫn dắt.

Có khá nhiều người đi vay ngân hàng, hoặc vay “nóng” để chạy “cửa” TB bởi sau một năm họ đã có số tiền chế độ để trả nợ. Còn từ năm thứ hai trở đi đến hết đời là phần “lãi” ròng. Hai từ “TB” còn có lợi đối với những ai biết lo xa cho con mình muốn có thêm vài điểm ưu tiên khi thi vào các trường đại học, cao đẳng nên chẳng dại gì mà không làm TB giả.

Để làm được sổ TB, các đường dây đã lợi dụng kẽ hở trong qui định làm hồ sơ thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công theo thông tư số 27 ban hành năm 1999 và thông tư số 09 ban hành năm 2001 của Bộ LĐ-TB&XH: “Chỉ cần hai người chứng nhận đối tượng bị thương” là có thể tiến hành giám định y khoa để xác định thương tật, xếp loại TB.

Để có giấy chứng thương, lúc đầu người làm TB phải về tận đơn vị cũ, có khi cách xa hàng trăm kilômet. Sau thấy dễ, cò mồi có thể “bao sân” luôn công đoạn này, miễn là có tên tuổi, quê quán người chứng nhận, sau đó mới “chạy” chữ ký, con dấu của chính quyền địa phương là đủ thủ tục của một bộ hồ sơ làm TB giả.

Những năm 2003-2005 tỉnh Hà Tĩnh đã bổ sung một số lượng TB đáng kể, nâng tổng số TB, người có công... ở tỉnh này lên 17.000 người. Chính đây cũng là địa bàn “nóng” nhất trong mười tỉnh của cả nước về vấn nạn TB giả.

“Siêu cò”

Theo thiếu tá Trần Thanh Trì, đội trưởng đội điều tra, từ năm 2003 đến nay riêng 15 bị can này đã biến rất nhiều bộ hồ sơ ảo thành hồ sơ TB thật với số tiền liên quan gần 150 triệu đồng.

Vấn đề chưa phải dừng lại ở đó, bởi ngoài 15 bị can còn nhiều đối tượng liên quan rất phức tạp. Đây mới chỉ là mảng nổi của một tảng băng chìm làm giả, ăn chặn nhiều tỉ đồng của Nhà nước.

Từ vụ án này Công an Hà Tĩnh đã giúp các cơ quan chức năng loại bỏ hàng ngàn bộ hồ sơ giả trong tổng số gần một vạn bộ hồ sơ khác đã, đang kê khai.

Nhưng lại có hàng ngàn lá đơn mới của quần chúng nhân dân tiếp tục tố giác về nạn làm TB giả, liệt sĩ giả và huân - huy chương giả. Tình hình đang “nóng” lên, lực lượng công an lại sẽ “chọc” sâu vào chuyên án.

Đặng Thái Trường, 57 tuổi, trú tại xóm Lam Thủy, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân là dạng “cò” có thể đưa những vết sẹo “vàng” (vết sẹo bị lõm sâu nửa centimet trên đầu) vào danh sách “đối tượng chấn thương sọ não” để tăng hạng thương tật với tỉ lệ phần trăm cao. Với sở trường làm giả mau lẹ của Trường nên xóm quê Lam Thủy không ngớt tiếng xì xào khi thấy người lạ khắp nơi tìm đến nhờ Trường làm chế độ TB.

Với biệt tài thao túng cán bộ, Trường đã dựng thành công nhiều hồ sơ dân công hỏa tuyến, có tỉ lệ thương tật 21%, thu hàng chục triệu đồng. Trường cứ đưa danh sách “ma” (kèm theo phong bì lót giữa tập hồ sơ) là được những người có thẩm quyền địa phương OK ngay.

Ngày Trường bị công an bắt tạm giam, không ít cựu chiến binh, TB thật hoan hỉ vì “một trùm “cò” tăm tiếng nhất đất biển Nghi Xuân nay hết cửa lộng hành”, mặc dù người ta vẫn biết y vốn là người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Nam Lào, nguyên là phó công an xã Xuân Giang.

Chiều 29-3 tại trại tạm giam Cầu Đông, Công an Hà Tĩnh đã cho tôi tiếp xúc với “cò” Phan Hữu Thuấn - trùm đường dây vùng cao và phía bắc thị xã Hà Tĩnh. Hai năm học tại Trường trung học Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an); nguyên đại úy cảnh sát phụ trách mảng an ninh phong trào thuộc Công an thị xã Hà Tĩnh, sau khi nghỉ hưu Thuấn trở thành trùm đường dây lớn nhất khu vực Hương Khê và thị xã Hà Tĩnh với nhiều mưu mẹo “chui sâu, leo cao” nhằm “mua” cán bộ huyện, BS giám định y khoa, “giải” trót lọt 36 bộ hồ sơ giả với số tiền hơn 53 triệu đồng.

Sau bốn tháng tạm giam, cơ quan điều tra phải gia hạn tạm giam thêm hai lần đối với Thuấn, vì “chai lì, không thành khẩn khai báo sự thật”. Thuấn được xem là “siêu cò” làm hồ sơ giả trong chuyên án. Để hồ sơ giả có chữ ký thật, Thuấn cậy nhờ Lê Viết Hòa - giáo viên Trường tiểu học Phú Gia, thị trấn Hương Khê chạy chọt, xin ông Hoàng Hữu Diễn - phó chủ tịch huyện Hương Khê - ký khống vào tờ giấy chứng nhận bị thương, sau đó Thuấn photo nhiều bản, ghi tên tuổi “những người sẽ trở thành TB thật” để đóng dấu UBND huyện.

Hôm khám xét khẩn cấp nhà Thuấn, cơ quan công an thu được 26 chứng minh nhân dân, 102 bộ hồ sơ của 102 người ở nhiều huyện khác nhau trong tỉnh. Trong 102 người có 37 người khai “đã nhờ Thuấn làm chế độ TB, nâng hạng TB với tổng số tiền hơn 74 triệu đồng”.

Quay lại Phòng cảnh sát kinh tế công an tỉnh tôi gặp một số cò của đường dây khác ở huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đang ngồi đọc bản kết luận điều tra vừa được cơ quan công an tống đạt trước khi chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Trong số này có Nguyễn Xuân Mười, nhân viên lái xe taxi Mai Linh chi nhánh tại Hà Tĩnh (có vợ là Dương Thị Trâm - kế toán hội đồng giám định y khoa (HĐGĐYK) - một đối tượng dẫn dắt chính trong đường dây). Mười xù mái tóc xuống bàn, than: “Tôi chỉ đảm nhận khâu lo lót làm sao cho hồ sơ lọt vào các tuyến”.

Cạnh Mười là “cò” Trịnh Thị Phương được cơ quan điều tra xếp đầu danh sách “nhóm tội phạm đưa hối lộ” (Phương có chồng đang công tác ở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và con trai đang công tác tại công an huyện).

Tuy trú ở vùng biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân nhưng Phương đã bươn chải vào tận các xã Cẩm Thịnh, Cẩm Trung, Cẩm Vịnh, Cẩm Yên, huyện Cẩm Nhượng xa gần trăm kilômet để “săn” các đối tượng có nhu cầu làm TB giả. Chỉ trong hai tháng của năm 2004 Phương đã “giao nộp” lên phòng tổ chức LĐ-TB&XH huyện Cẩm Nhượng 48 bộ hồ sơ TB giả.

Hội đồng... tiền

Tất cả bốn đường dây làm giả từ phía huyện Hương Khê, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh đổ dồn hồ sơ về HĐGĐYK tỉnh để trông chờ lấy chế độ thật. Hội đồng này có thể “làm cho một người bị sứt môi bẩm sinh trở thành TB có tỉ lệ 45% thương tật như trường hợp Nguyễn Văn Thiêm ở xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh.

Các bác sĩ ở đây được lo lót, chia chác từ 2-3 triệu đồng/hồ sơ tùy mức độ TB nặng hay nhẹ. Có bộ hồ sơ bị thiếu 100.000 đồng tiền “tươi” liền bị loại vì “còn phải chi cho bác sĩ này, bác sĩ kia một tí” (lời của bị can Nguyễn Thị Hậu-nguyên phó trưởng phòng giám định Bệnh viện đa khoa, kiêm ủy viên HĐGĐYK tỉnh).

Có cả một tập thể cán bộ liên kết chặt chẽ nhau qua từng cung đoạn để cùng giám định, cho tỉ lệ hoặc nâng hạng TB như: Phan Sĩ Ân (cán bộ phòng tổ chức LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên) có nhiệm vụ thu gom hồ sơ như một dạng “cò” chuyên nghiệp, chuyển giao hồ sơ và tiền cho Dương Thị Trâm (kế toán HĐGĐYK). Trâm đút lót Lê Bá Dào (phó phòng TBLS - Sở LĐ-TB&XH) để Dào thẩm định và duyệt hồ sơ (đủ tiêu chuẩn) chuyển sang HĐGĐYK.

Trâm đút tiền cho ba bác sĩ Thái Thị Tuyết (trưởng phòng giám định Bệnh viện đa khoa, kiêm phó chủ tịch hội đồng y khoa tỉnh), Nguyễn Thị Hậu (phó trưởng phòng giám định Bệnh viên đa khoa, kiêm ủy viên HĐGĐYK), Lê Đức Hiền (nguyên giám đốc Bệnh viện huyện Đức Thọ, nguyên giám đốc Bệnh viện thị xã Hồng Lĩnh, trước khi bị bắt là giám định viên HĐGĐYK tỉnh) để bộ ba này khám và cho tỉ lệ thương tật tùy theo số tiền đã lót sẵn trong hồ sơ.

Trước dư luận bức xúc của người dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao lãnh đạo các huyện, ban ngành tự rà soát, phát hiện người làm sai tại đơn vị mình quản lý; vận động người làm sai khai báo; lập hộp thư giúp dân tố giác người làm sai; các cấp, ngành chức năng phải có biện pháp xử lý triệt để khi phát hiện người làm sai; giao cơ quan công an kiên quyết làm rõ vụ án.

Trong quá trình công an phá án, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện kỷ luật, đình chỉ công tác 17 cán bộ xã, trong đó có ba chủ tịch xã. Riêng Sở LĐ-TB&XH, sau khi vụ án được xét xử (dự kiến trong tháng 4-2006) tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm cụ thể từng vị trí để có hình thức kỷ luật thích đáng và kiện toàn lại bộ máy.

Ông Hà Văn Thạch (phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh)

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên