08/01/2012 08:32 GMT+7

VTC bị làm khó ở Lạch Tray

KHƯƠNG XUÂN - PHAN TUẤN
KHƯƠNG XUÂN - PHAN TUẤN

TT - Chiều 7-1, xe màu của Đài truyền hình VTC trực tiếp trận Vicem Hải Phòng - Navibank Sài Gòn đã bị ban tổ chức sân Lạch Tray đuổi khỏi sân.

Tuy nhiên, dưới sự đấu tranh của lãnh đạo VTC và sự ủng hộ của khán giả Hải Phòng, ban tổ chức sân phải cho VTC tác nghiệp.

K79gdNYD.jpgPhóng to
FgBpkUPH.jpg

Hai băngrôn của CĐV Hải Phòng ủng hộ VTC và đặt dấu hỏi với hợp đồng giữa VFF với AVG - Ảnh: Q.Minh

Theo ông Vũ Quang Huy - phó giám đốc VTC, trước khi trận đấu diễn ra, đại diện ban tổ chức sân Lạch Tray đã gặp VTC và cho biết đài này không được truyền hình trận này theo yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF). Sau đó, ông Phạm Văn Hùng, trưởng ban tổ chức sân Lạch Tray, tiếp tục gặp riêng ông Huy thông báo việc ban tổ chức sân không cho VTC vào ghi hình theo đề nghị của VFF trong công văn gửi các CLB chiều 6-1.

Sau một hồi đấu tranh, VTC đã đưa ra công văn của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) gửi VTC và các đài truyền hình, CLB ngày 5-1 với nội dung cho phép các đài được vào sân ghi hình miễn phí cho đến thời điểm bản quyền truyền hình Super League được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ cho ban tổ chức sân. Khi đó, rất đông CĐV Hải Phòng đã bao vây trụ sở CLB Vicem Hải Phòng để phản đối quyết định của ban tổ chức sân không cho VTC ghi hình.

Các CĐV Hải Phòng cũng đã chuẩn bị băngrôn lớn trên khán đài B với dòng chữ: “CĐV Hải Phòng ủng hộ VTC truyền hình trực tiếp tại chảo lửa Lạch Tray”. Trên khán đài A, một băngrôn với dòng chữ: “Có nhất thiết phải 20 năm không?” được các CĐV Hải Phòng căng ra với dụng ý mỉa mai VFF có nhất thiết phải ký hợp đồng 20 năm với AVG để phản đối hợp đồng này. Cuối cùng, ban tổ chức sân phải để VTC đưa máy vào sân tường thuật trận đấu. Tuy nhiên, do lỗi kỹ thuật đường truyền nên phải sang hiệp 2 kênh VTC3 mới có thể trực tiếp trận đấu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Hùng cho biết: “Sáng 7-1, ban tổ chức sân đã có cuộc họp với giám sát trận đấu Trương Hải Tùng... và ông Tùng cho biết không được cho VTC vào sân ghi hình theo yêu cầu của VFF. Vì là ban tổ chức địa phương nên chúng tôi phải tuân thủ chứ không thể làm khác được. Từ hôm qua đến hôm nay tôi liên tục điện thoại cho ông Nguyễn Trọng Hỷ, chủ tịch VFF, và lãnh đạo TP Hải Phòng xin ý kiến về việc này. Anh Phạm Ngọc Viễn, phó chủ tịch VFF và là tổng giám đốc VPF, không có ý kiến về việc có cho VTC vào sân hay không. Tôi nói với ông Hỷ là các anh ở trên không thống nhất được nên làm khó chúng tôi ở dưới. Tôi chỉ nhắc anh Huy (VTC) về việc VFF không cho vào. Nhưng khi VTC vào quay chúng tôi cũng không cản. Quan trọng là phục vụ người hâm mộ chứ chúng tôi làm sao phải cấm VTC”.

Ông Vũ Quang Huy cho biết thêm trước khi trận đấu diễn ra, dù đã cố gắng liên hệ với ông Trương Hải Tùng để thông báo VTC đến sân ghi hình nhưng không thể liên lạc được. Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Viễn nhiều ngày qua không có ý kiến gì về bản quyền truyền hình và việc liên lạc với ông Viễn cũng rất khó khăn.

Sự cố trên sân Lạch Tray chiều 7-1 nhiều khả năng còn tái diễn tại những vòng đấu tới của Super League khi vấn đề bản quyền truyền hình vẫn là cuộc tranh chấp gay gắt giữa VPF với AVG và VFF.

Cuộc đại chiến giữa VPF với AVG và VFF quanh bản quyền truyền hình bóng đá tính đến hôm nay đã kéo dài đúng mười ngày. Trong mười ngày qua, văn bản của ba bên đã liên tục tung ra để bảo vệ quan điểm của mình. Và cuộc đại chiến bắt đầu lan ra đến khán đài. Hôm qua, băngrôn phản đối bản hợp đồng kéo dài 20 năm của VFF ký với AVG đã được các CĐV trương ra trên sân Lạch Tray (Hải Phòng).

Cuộc đại chiến này đến khi nào kết thúc? AVG và VFF sẽ bảo vệ được bản hợp đồng đã ký hay VPF sẽ thành công trong việc “lội dòng nước ngược”? Đặt hai câu hỏi này với nhiều người ít nhiều am hiểu về nội tình câu chuyện trên nhưng chẳng ai dám tự tin trả lời.

Thế không lẽ cuộc chiến này cứ lằng nhằng mãi như vậy? Nói thật, từ giới quan sát cho đến người hâm mộ, ai cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi các bên cứ đua nhau “chiến đấu” bằng văn bản.

Tổng cục Thể dục thể thao ở đâu? Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ở đâu? Hai cơ quan này không thể tránh né mãi như thế được. Nếu không trực tiếp phân xử được, ít ra hai nơi này phải đóng vai “người lớn” thu thập mọi văn bản, ý kiến, hợp đồng để chuyển đến nơi am hiểu luật pháp - như Bộ Tư pháp chẳng hạn để nhờ làm trọng tài.

Chính ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị VPF - cũng mong mỏi điều đó khi nói: ”Chúng tôi cần các bộ, ngành chức năng sớm đưa ra kết luận. Nếu bản hợp đồng bán bản quyền truyền hình 20 năm của VFF cho AVG là hoàn toàn đúng, chúng tôi xin tuân thủ. Còn không, hãy để chúng tôi tính toán sao cho có lợi nhất cho bóng đá nước nhà”.

Trong chừng mực nào đó nhìn về góc độ lợi ích cho bóng đá VN, VPF đang được không ít người ủng hộ khi cho biết sẽ bán ngay được bản quyền truyền hình các giải đấu thuộc mình kiểm soát là Super League, Cúp quốc gia với giá 20 tỉ đồng cho năm đầu tiên và hai năm tiếp theo tăng lũy tiến 15%.

Giá trị này cao hơn hẳn hợp đồng của AVG với VFF chỉ có 6 tỉ đồng/năm và tăng 10% mỗi năm. Thậm chí có cộng thêm 20% lợi nhuận mỗi năm như ông Phạm Nhật Vũ mới tuyên bố, nó vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với cam kết của VPF. Bởi bản quyền của AVG là nắm toàn bộ bóng đá VN, trong khi đó VPF chỉ là hai giải đấu Super League và Cúp quốc gia. Và khi VPF có nhiều tiền, các đội tuyển sẽ nhận được tiền nhiều.

KHƯƠNG XUÂN - PHAN TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: VFF VPF VTC AVG Lạch Tray