Mùa giải 2016 có 182 trận ở V-League, 90 trận ở Giải hạng nhất, 30 trận ở Cúp quốc gia. Và VPF sẽ mua bảo hiểm cho cầu thủ, trọng tài, giám sát ở toàn bộ 302 trận đấu ở các giải này cũng như trong quá trình tập luyện. Theo lãnh đạo VPF, trong thời gian qua đã có nhiều buổi làm việc với đại diện các công ty bảo hiểm và được các công ty này giới thiệu nhiều gói bảo hiểm khác nhau để lựa chọn.
Tiền đạo Abass (B.Bình Dương) được đưa đi cấp cứu vì gãy chân sau pha vào bóng của trung vệ Thanh Hào (Hà Nội T&T) ở trận chung kết Cúp quốc gia 2015. Nếu VPF mua bảo hiểm thành công, cầu thủ và các CLB sẽ không phải lo lắng về kinh phí nữa. Ảnh: N.K |
Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng cho biết: “Chúng tôi đã gặp gỡ vài lần để hiểu hết tất cả vướng mắc, cũng như có những phản hồi với những gói bảo hiểm mà họ đã xây dựng cho chúng tôi tham khảo. Và tuần sau là thời hạn cuối cùng để các công ty bảo hiểm đưa ra gói bảo hiểm khớp với yêu cầu của VPF. Từ đó, chúng tôi sẽ xem xét và chọn gói bảo hiểm nào tối ưu để có thể bảo đảm cho quyền lợi của các cầu thủ”.
Nói thêm về việc mua bảo hiểm, ông Chóng cho biết cho dù chọn gói nào, VPF cũng không phải bỏ tiền ra mua mà sẽ đổi lại bằng sản phẩm. Do đó, các công ty bảo hiểm phải rà lại và xem khả năng của mình để tham gia tài trợ với mức nào. Ông Chóng nói thêm: “Chẳng hạn như mức hơn 13 tỉ đồng/năm mà một công ty bảo hiểm đưa ra và sẵn sàng đền bù cao nhất là 500 triệu đồng/ca là trong điều kiện VPF phải bỏ tiền ra mua. Nếu VPF không trả bằng tiền mà trả bằng sản phẩm thì họ phải xây dựng lại gói bảo hiểm, tiền đền bù tối đa cũng phải giảm. Nhưng làm thế nào, các công ty bảo hiểm cũng phải đưa ra gói bảo hiểm hợp lý để có thể được chọn. Chẳng hạn như trong trường hợp cầu thủ bị chấn thương nặng muốn ra nước ngoài chữa trị cũng sẽ không hạn chế. Vấn đề là nếu mức đền bù tối đa của công ty bảo hiểm ví dụ chỉ 300 triệu đồng thì cầu thủ hay CLB sẽ phải bỏ ra thêm nếu chi phí ca mổ vượt quá mức đền bù”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận