Phóng to |
Ngọc Thạch trong tư thế võ Tu Thân |
Là dân cơ khí chính gốc (tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí Đại học Stuttgart), ra trường anh làm việc cho Bộ Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật của Đức. Từ năm 1985 anh là kỹ sư thiết kế máy Bơm dầu cặn, máy Đế cho động cơ nổ của tập đoàn điện tử Bosch. Hiện anh là kỹ sư trưởng phụ trách “Máy điện cơ trợ lực lái” của Bosch ở Stuttgart. Nhưng dường như sự nghiệp võ mới chính là cuộc sống của người kỹ sư đầy nhiệt huyết ấy.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học, Nguyễn Ngọc Thạch thừa hưởng sự thông minh lanh lợi, sắc bén của cha và sự kiên trì, bền bỉ dẻo dai của mẹ. Mặc dù là con nhà “tông”, nhưng Ngọc Thạch lại là anh cả của một gia đình có tới 11 anh chị em, bố mẹ anh đã không yên tâm nếu tự dạy võ cho con vì “bụt chùa nhà vốn không thiêng” nên đã sớm có ý định gửi con đi học võ.
Tuy vậy trước khi đến với võ đường, Ngọc Thạch đã được mẹ dạy cho các đường võ cơ bản. Năm 12 tuổi, anh chính thức được cha mẹ gửi đi học môn Taekwondo. Do sự đam mê và ham học hỏi, chỉ trong vòng vài năm anh đã thi đạt tấm bằng “đai đen đẳng cấp 2”. Sự nghiệp võ của anh bị gián đoạn khi anh nhận được thư mời đi du học tự túc tại Đức. Sau khi sang Đức, anh đã liên lạc với ông thầy người Hàn và trở thành võ sư dưới trướng của ông này. Sau một thời gian luyện võ ở đây, Ngọc Thạch nhận thấy có nhiều nét không tương đồng của môn võ phái Hàn với Taekwondo ở Việt Nam, nên anh đã sớm nảy sinh ý định mở lò luyện võ cho riêng mình.
Được sự đồng tình ủng hộ và sự giúp đỡ của hội lưu học sinh tại Stuttgart, năm 1973, Ngọc Thạch đã mạnh dạn đứng ra thành lập lò luyện Taekwondo dưới sự đồng ý của nhà trường. Khóa học đầu tiên mở ra chủ yếu là bạn bè sinh viên người Việt. Về sau lò thu hút đông đảo sinh viên các nước khác theo học.
Càng đi sâu vào nghiên cứu các môn võ và càng nhuần nhuyễn với võ, Ngọc Thạch đã sớm nhìn thấy những ưu và khuyết điểm của môn Taekwondo và các môn võ khác. Và kết quả là “Tu-Thân” được khởi xướng vào những năm 1980. Tu-Thân là sự củng cố, nâng cao, bổ sung những khiếm khuyết của các môn võ phái khác. Tu-Thân có nghĩa là “điều tâm niệm” tự tu bổ cho bản thân mình được tốt hơn. Là các bài tập té ngã, tập binh khí, tập để có thể sống sót trong mọi tình huống, mọi môi trường, mọi hoàn cảnh mà không phụ thuộc vào sự may rủi.
Một trong những nguyên tắc của Tu-Thân là “Tâm không đúng động tác không thích hợp-không được tấn công đối phương dẫn đến họ có thể bị trọng thương khi mà họ đã ở thế bại trận”, rất phù hợp với các nguyên tắc trong Phật giáo là phát huy “bi- trí- dũng” và triệt tiêu “tham- sân- si". Là đem niềm vui đến cho người khác, vui với cái vui của người khác, giúp đỡ nhau lúc gặp hoạn nạn khó khăn và không kỳ thị lẫn nhau, thời tránh được thói hung hăng, bạo ngược, lệ thuộc và hiềm khích.
Là hướng đi mới, nên thuở sơ khai Tu-Thân chỉ vẹn vẹn có 8 thầy trò. Đến nay môn võ Tu-Thân đã đã thu hút được khá đông đảo học viên tham dự. Hiện nay lò võ Tu-Thân do anh sáng lập đã có hai trụ sở chính, một ở Hanover và một ở Stuttgart.
Riêng ở Stuttgart số lượng thành viên hiện nay luôn ở con số trên 40. Trong đó phải kể tới ba học trò đầu tiên và nổi tiếng là Mathis Landwehr, Volkram Zschiesche và Christian Monz. Ba võ thuật gia người Đức này và Nguyễn Ngọc Thạch không ai khác chính là 3 nhân vật chính và người thầy (maister Thach) trong bộ phim võ thuật đầu tiên của Đức “Soundtracks for Kampfansage - Der letzte Schüler (Người học trò cuối cùng) của đạo diễn Johannes Jaeger đã được chiếu rộng rãi tại rạp trong thời gian vừa qua và nhận được sự hâm mộ của đông đảo khán giả. Bộ phim ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử điện ảnh võ thuật của Đức. Hiện Mathis Landwehr đang tiếp tục được mời tham gia bộ phim võ thuật có tên “Im Auftrag des Vatikan- Thừa lệnh của tòa thánh Vatican”.
Trở về từ chuyến đi thực tế Việt nam thời gian vừa qua, hai trong ba vị học trò “cưng” của Ngọc Thạch đã vô cùng cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, các cơ quan ban ngành ở Việt Nam đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ “thâm nhập thực tế” võ thuật tại Việt Nam. Sau chuyến đi đó, các nhà võ thuật người Đức đã nảy sinh ý định mở một võ đường tại Việt Nam.
Võ thuật đối với Ngọc Thạch không chỉ là sở thích, niềm vui mà còn là mục đích sống. Người vợ quốc tịch Đức Christa Bauch đã không ngại ngần về sự khác biệt về văn hoá, lối sống, sở thích để hoà nhập vào cuộc đời anh. Hai người đã cảm mến nhau ngay từ buổi đầu tiên qua những đường võ tập.
Tình yêu và niềm hăng say võ thuật đã chắp cánh cho hạnh phúc của họ. Cô học trò xinh đẹp ngày xưa, giờ đây không chỉ là người vợ thuỷ chung, người mẹ giàu lòng nhân ái của hai đứa con của anh (cũng đang tập và phụ anh hướng dẫn Tu-Thân), người đồng nghiệp ở hãng Bosch, mà còn là người bạn võ tận tuỵ, tận tâm của anh ở nơi võ đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận