05/02/2015 18:07 GMT+7

Vợ chủ matxa Tân Hoàng Phát được giảm án

TUYẾT MAI - H.ĐIỆP
TUYẾT MAI - H.ĐIỆP

TTO - Yến nói đang bị bệnh trầm cảm nặng, là lao động chính nuôi cha mẹ già và 4 con, gia đình có công với cách mạng, khi phạm tội đang mang thai, có chồng và em trai đang thi hành án tù.

Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa

Chiều 5-2, TAND Tối cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ “cầm tù nhân viên matxa Tân Hoàng Phát”  theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 2 bị cáo Phan Thị Yến (36 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) và Nguyễn Minh Phương (41 tuổi, ngụ H.Bình Chánh).

Tại tòa, bị cáo Yến trình bày lý do xin hưởng án treo vì bị cáo đang bị bệnh trầm cảm nặng, bị cáo là lao động chính nuôi cha mẹ già và 4 con. Gia đình bị cáo có công với cách mạng, khi phạm tội đang mang thai. Bị cáo có chồng và em trai phạm tội, đang thi hành án tù.

Bị cáo Phương xin hưởng án treo với lý do bị cáo phạm tội với vai trò lệ thuộc, theo chỉ đạo của Trí. Bị cáo là người làm công ăn lương, làm việc trong thời gian ngắn và chỉ tham gia việc bắt giữ 1 lần. Ngoài ra, bị cáo còn nuôi mẹ già và 3 con nhỏ, gia đình bị cáo có công với cách mạng.

Xét điều điện của các bị cáo, hội đồng xét xử tuyên chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của bị cáo Yến, tuyên bị cáo Yến 3 năm tù treo, thời gian thử thách 5 năm. Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phương, giảm mức án còn 2 năm 6 tháng tù.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2005, vợ chồng bị cáo Phan Cao Trí - Phan Thị Yến thành lập và điều hành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ matxa: Tân Hoàng Phát, Kim Thu, Hoàng Thành, Hoàng Vân, Newstar... Đến năm 2008, Trí giao lại cơ sở Tân Hoàng Phát cho em vợ là Phan Việt Hậu quản lý nhưng mọi hoạt động vẫn do Trí điều hành.

Khi tiếp nhận nhân viên vào làm việc, Trí và Hậu buộc họ phải ký 1 hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật và 2 bản thỏa thuận trái pháp luật: buộc nhân viên phải ăn ở tại công ty không được phép đi ra bên ngoài, làm việc sau 6 tháng mới được xin nghỉ phép 1 lần 7 ngày, nếu làm việc dưới 6 tháng mà xin nghỉ thì phải bồi thường số tiền là 24 triệu đồng.

Trí cũng giao cho Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường, Nguyễn Hoài Nhanh, Nguyễn Minh Phương tổ chức canh giữ trái pháp luật các nhân viên.

Trên thực tế, các nhân viên phải làm việc16 giờ: từ 9g sáng cho đến 1g sáng hôm sau. Hết giờ làm việc, họ được đưa về giữ tại nhà Trí (đối diện với Tân Hoàng Phát) và luôn có khoảng 10 bảo vệ canh giữ đề phòng việc bỏ trốn.

Lương nhân viên matxa được ký trong hợp đồng là 670.000 đồng nhưng thực tế các nhân viên này chỉ được nhận 500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, tiền “bo” của khách thì công ty được hưởng 10%.

Ngày 16-12-2008, Công an TP HCM đã bất ngờ kiểm tra Tân Hoàng Phát và giải thoát cho 64 nhân viên bị bắt giữ trái pháp luật. Thời gian bị bắt giữ của các nhân viên này từ 1 tháng đến 5 năm. Trong đó có nhiều người không chịu nổi đã tìm cách thoát thân khỏi cơ sở này nhưng vẫn bị bắt giữ lại, có nhân viên có bầu khi quan hệ tình dục với khách đều phải nộp tiền thế thân, tiền phạt rồi mới được ra khỏi cơ sở.

Bản án sơ thẩm tuyên các bị cáo Phan Cao Trí 12 năm tù; Phan  Việt Hậu 10 năm tù; Phan Quốc Cường 9 năm tù. Bị cáo Phan Thị Yến 4 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Bị cáo Nguyễn Minh Phương 3 năm tù và Nguyễn Hoài Nhanh 1 năm tù về tội bắt giữ người trái pháp luật.

TUYẾT MAI - H.ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên