Phóng to |
Kỳ 1: Giấc mơ đổi đời Kỳ 2: Vượt bức tường Berlin Kỳ 3: Tình Việt trong vất vả mưu sinh Kỳ 4: Sáng - tối nơi đất khách
Hành trình địa ngục
Ở một khu tị nạn tại tiểu bang Bayern, tôi đã tiếp xúc với chị L.T.P. đến Đức cách nay hơn năm tháng qua ngả du lịch nước Pháp. Chị đón xe lửa đến Đức và được người nhà đón chở thẳng đến sở di trú nộp đơn xin tị nạn. Đơn xin tị nạn của chị P. đang được xem xét, nhưng nhiều người cho rằng cơ hội để chị P. ở lại Đức rất mong manh do chị đã không chứng minh được lý do chính đáng khác xin định cư tại Đức ngoài lý do kinh tế. Trông thân hình gầy guộc và xanh xao của chị thật buồn thảm. Chị nói nếu bị trục xuất, không biết phải làm gì để trả món nợ khổng lồ hơn 8.000 euro. Chị khóc nấc khi ai đó nhắc đến quê nhà… |
Anh bạn dẫn tôi đến đây giải thích khu nhà này chứa hàng trăm người thuộc hàng chục quốc tịch khác nhau nên mỗi hộ đã gắn một chảo ăngten parabol để xem kênh truyền hình nước mình cho đỡ nhớ nhà. Bên cạnh khu nhà là những thùng rác công cộng ruồi nhặng bu kín, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Còn bên trong khu nhà là những dãy hành lang tối tăm, đầy mùi ẩm mốc. Người dân sống chung quanh khu vực gọi khu nhà này là “khu nhà ổ chuột” và không dám đến gần vì sợ bị lây bệnh!
Trong một căn phòng rộng chỉ hơn 10m2, có ba cô gái mang quốc tịch VN đến Đức thông qua con đường nhập cư bất hợp pháp. Một trong ba cô gái là N.T.H., quê ở Hải Dương, đã không giấu được nỗi kinh hoàng khi kể lại cuộc hành trình đến Đức đầy khổ cực và tủi nhục của chị: “Nhà tôi làm nông nghèo lắm. Cuộc sống gia đình càng thêm đau thương vì đứa em rơi vào cảnh nghiện ngập nặng.
Trong cảnh cùng đường, tôi gặp một người quen cho biết anh ta có mối liên hệ với một đường dây đưa người sang Đức. Anh ta đã vẽ trong đầu tôi nước Đức với nhà lầu xe hơi chẳng khác gì thiên đường. Và thế là tôi đã xúi bố mẹ cầm cố mảnh vườn, rồi vay thêm một khoản tiền hơn 10.000 USD đưa cho anh ta với hi vọng sẽ đến được thiên đường Đức đổi đời”. Chị H. và hơn mười người Việt khác được đưa tới Cộng hòa Czech.
Đến sân bay Prague, cả nhóm được đưa đến sống trong một căn hộ chật chội. Ở đó, họ sống trong điều kiện hết sức tồi tệ suốt hai tuần lễ, mỗi ngày được phát hai lần thức ăn, mỗi lần một ổ bánh mì đen, ít bơ hay phômai và ít nước uống. Cả nhóm không được phép ra ngoài và tiếp xúc với bất cứ ai. Một buổi sáng tuyết rơi lạnh cóng, họ được thông báo đêm đó sẽ rời Czech sang Đức.
Cả nhóm reo vang sung sướng vì cuối cùng cũng thoát được cảnh sống chẳng khác gì ngục tù ở Czech. “Nhưng cả bọn không ai biết rằng tất cả sắp sửa bước vào một hành trình địa ngục”, chị H. kể.
Chị H. bật khóc nức nở khi tiếp tục câu chuyện: “Chúng tôi bị nhét vào một chiếc xe tải chạy liên tục không nghỉ suốt bảy giờ đồng hồ. Trời càng về đêm càng lạnh. Nhóm chúng tôi phải ôm chặt, phả hơi thở vào nhau để chống cái lạnh xuống dưới -20OC. Khoảng 8 giờ sáng, xe đột nhiên ngừng lại.
Rồi gã thanh niên đi cùng đưa chúng tôi vào một trang trại bỏ hoang đầy mùi hôi thối phân ngựa và phân bò, bảo chúng tôi phải ở đó chờ đến khi thời tiết tốt hơn mới có thể băng rừng vượt biên giới đến Đức. Chúng tôi ở đó gần một tháng và mỗi ngày chỉ được phát một ổ bánh mì, một chai nước cầm hơi. Trời rét nhưng mọi người bị cấm đốt lửa sưởi ấm vì họ sợ khói bốc lên sẽ làm cảnh sát chú ý. Đến một hôm, khi trời vừa chập choạng tối, tên dẫn đường bảo chúng tôi thu dọn hành lý chuẩn bị đi bộ băng rừng sang Đức”.
“Nếu cho tôi lựa chọn lại…”
Phóng to |
Chị P. (đang ôm con nhỏ sống trong khu tị nạn): “Nếu bị trục xuất không biết làm gì để trả nợ” - Ảnh: Duy Triều |
Anh Nguyễn Toàn đã sống ở Đức trên 20 năm và nhờ vốn tiếng Đức lưu loát nên anh đã được tòa án Đức mời phiên dịch trong nhiều vụ án liên quan đến người VN. Anh Toàn cho biết nhiều người Việt mơ mộng nước Đức là thiên đường nên họ đã tìm mọi cách để được đến và ở lại Đức.
Cách phổ biến nhất là xin visa du lịch đến châu Âu, sau đó vào thẳng trại xin tị nạn hoặc đến Ba Lan hay CH Czech - các quốc gia có chung đường biên giới với Đức - rồi băng rừng đến Đức sinh sống và lao động bằng tên người khác.
Ông Marcus Haas - tùy viên văn hóa thương mại của Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM - nói rằng những ai xem nước Đức là thiên đường để tìm cách đến bằng những con đường bất hợp pháp thì nên từ bỏ ngay ý định của mình. Ông cho biết: “Mỗi năm Đại sứ quán Đức và cơ quan lãnh sự Đức tại TP.HCM cấp khoảng 13.000 visa cho người VN đến Đức. Có nhiều người đến Đức xin tị nạn nhưng gần như không có cơ hội ở lại, theo tôi được biết các năm gần đây hầu hết đơn xin tị nạn đều bị bác bỏ. Với những người sinh sống và làm việc bất hợp pháp thì tôi không thể mường tượng hết sự khổ sở và cam go của họ”. |
Vì thế, những cuộc hôn nhân kiểu này thường kết thúc bằng những cảnh bi thương, thậm chí không ít người đã phải trắng tay “tiền mất tật mang” ngậm ngùi, đau xót trở về VN.
Anh Toàn kể hơn mười năm sống bằng nghề phiên dịch trước tòa, anh đã chứng kiến nhiều vụ án cười ra nước mắt liên quan đến chuyện người VN tìm cách định cư ở Đức. Mới đây, anh được mời đến phiên dịch cho vụ “ông chồng” Đức kiện “bà vợ” VN của mình “cố ý gây thương tích”. Với kinh nghiệm của mình, anh Toàn thừa hiểu vụ hôn nhân này là giả. “Cô vợ” VN này đã bỏ ra 30.000 euro để làm đám cưới giả.
Khổ nỗi “ông chồng” Đức lại bị nghiện rượu nặng. Và cứ mỗi lần say rượu, anh ta lại gọi điện vòi vĩnh thêm tiền hoặc đến tận nhà đòi “chuyện ấy”. Đến một ngày, do không thể tiếp tục chịu đựng cảnh bị đày đọa này, “cô vợ” VN đã ném cả chai bia vào mặt khiến “đức lang quân” bị vỡ đầu phải vào bệnh viện may cả chục mũi.
Tất cả những người Việt đến Đức đều hi vọng vào cuộc sống tốt hơn. Nhưng thiên đường nước Đức sẽ trở thành cạm bẫy kinh hoàng đối với nhiều người muốn đánh cược số phận của mình. Anh Lê Văn Thành, một người Việt đã sống ở Đức gần 20 năm, cho biết: “Cuộc sống ở Đức dù khá ổn định nhưng thật không dễ dàng như nhiều người VN mơ tưởng.
Ở đây, người Việt phải làm lụng vất vả mới đủ tiền thuê nhà, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Và điều quan trọng nhất là phải bắt đầu một cuộc sống mới với mọi thứ đều hoàn toàn mới mẻ từ văn hóa, ngôn ngữ đến sự hội nhập, khả năng thích nghi... Nếu cho tôi lựa chọn lại, có lẽ tôi sẽ không từ bỏ quê hương”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận