26/01/2017 14:30 GMT+7

​Vở diễn nghìn buổi của Hà Nội

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

TTO - Tết ở phố Hà Nội như một cuộc diễn xướng dân gian huy động nhiều điều kiện. Trước hết, tự thân nó đã chứa đựng những yếu tố bảo lưu tính cổ điển: khí hậu, cảnh quan và không gian tín ngưỡng.

Người Hà Nội đi lễ phủ Tây Hồ ngày Tết - Ảnh: Kim Hoa
Người Hà Nội đi lễ phủ Tây Hồ ngày Tết - Ảnh: Kim Hoa

Một tiết trời lạnh nhất thiết có để ra được cái Tết, kéo theo là sự ảnh hưởng đến cỗ bàn, trang phục. Một không gian phố vãn người, nhường chỗ cho hoa lá đủ rung rinh những đào, quất hoặc đơn giản là đủ thấy những mặt hồ sương khói gợi cảm hứng đón xuân.

Và cuối cùng, những ngôi chùa hay mái đình giấu một khoảng huyền hoặc của đất này. Mất đi chúng, Tết Hà Nội chỉ còn một xác phố bêtông. Như một sân khấu tắt ánh đèn, chỉ còn vật vờ tấm phông lạnh.

Tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc

Câu tục ngữ nói ngay vào bản chất khí hậu Bắc bộ mà Hà Nội là trung tâm - cái rét gắn với cảnh sắc thiên nhiên. Tết Hà Nội “ngấm” cái lạnh trong sự thích ứng của cây cỏ.

Rét không phải là để chết cóng, mà để chuẩn bị cho những mầm lá hay nụ hoa náu trong đài đến một cữ ấm hơn sẽ nở bung. Sống trong không gian ảnh hưởng sâu đậm từ thiên nhiên, có vẻ như người Hà Nội truyền thống bị ràng buộc quá nhiều so với cư dân đô thị khác. 

Ngày nay, đến khí hậu là thứ cũng phải đầu hàng trước toàn cầu hóa. Có nhà thơ đã khắc khoải “làm sao mang nổi được sông Hồng, làm sao gói nổi heo may rét” nhưng xưa rồi, nay tôi đã thấy có quảng cáo “Snow City - trải nghiệm phố tuyết” cho một khu đô thị mới ở Sài Gòn - đáp ứng mơ ước sống trong khung cảnh có tuyết rơi giữa vùng nhiệt đới.

Suy ra chắc cũng không khó để đóng gói cái rét vật lý của phố Tết Hà Nội trưng ở nơi khác. 

Nhưng còn cái rét tâm lý, cái rét của những phố Hà Nội thời cũ, “Ta còn nghèo phố chật nhà gianh / Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết” (Tố Hữu).

Có một Hà Nội của ánh sáng và len dạ, nhưng còn một Hà Nội những tối ba mươi của người phu kéo xe, những kẻ lang thang cơ nhỡ trong truyện Nguyễn Công Hoan hay Thạch Lam, hay “người cô lữ đêm đông không nhà” trong bài hát nổi tiếng của Nguyễn Văn Thương.

Tết rét gắn với Tết nghèo, như những dãy phố Hà Nội mấy chục năm quen mắt. Không ai gói những phố Tết ấy đem đặt ở nơi khác (vì chẳng ai mong), nhưng hiển nhiên phố hết nghèo thì Tết cũng bớt rét và cái lạnh mất dần thuộc tính như một bản sắc phố Tết Hà thành.  

Cổng Hoàng thành Hà Nội - Ảnh: Kim Hoa
Cổng Hoàng thành Hà Nội - Ảnh: Kim Hoa

Trên tầng cao có thấy mùa xuân

Mấy chục năm trước, người Hà Nội nghĩ đến câu “mùa xuân náo nức công trường” như một chỉ dấu của Hà Nội tiến bộ. Bây giờ khi nhìn ra chân trời thấy dày đặc nhà cao tầng, người Hà Nội lại vọng về “phố phường rải ánh trăng mơ” của ngày tháng cũ. Người ta lại thấy khung cảnh phố xưa là nên thơ. 

Em ơi! Hà Nội - phố. 

Ta còn em chiếc xe hoa 

Qua hàng liễu rũ 

Cánh tay trần trên gác cao 

Mở cửa. 

Mùa xuân trong khung 

Đường phố dài 

Chi chít chồi sinh... 

Những gót son dập dìu đại lộ 

Bờ môi ai đậm đỏ bích đào... 

Những câu thơ của Phan Vũ bồi hồi nhận diện một mùa xuân trong khung, để cả không gian thiên nhiên ùa vào không gian kiến trúc. Những câu chữ làm người ta nhớ vì chúng giống như lời nhắc nhở, con cá to là con cá đã mất.

Phố Hà Nội làm nên chất liệu thi ca ở không gian sống, cảnh quan kiến trúc sóng đôi với cây xanh, hồ nước, “dòng sông chảy mang hình phố”. Trên thực địa, phố Hà Nội điển hình thường gồm những ngôi nhà ống hẹp lòng chen sát nhau, vì thế cả dãy phố là những mặt tiền chứ không có khối. 

Và điểm nhấn mỗi mặt tiền ấy là những khung cửa và những bancông. Nếu ngôi nhà truyền thống nông thôn gần như không có cửa sổ, thì ngôi nhà phố lại chăm chút cho “đôi mắt” của mình thành nơi nối dài không gian trong và ngoài, nơi mà câu thơ đã chấm phá “cánh tay trần trên gác cao mở cửa” đón xuân.

Tết phố Hà Nội sẽ không thành nếu hai không gian tách biệt. Tết Hà Nội là nơi những dòng sông xuân chảy từ đường phố vào từng ngôi nhà, với những cành đào hay đủ loại hoa của phố phường được cắm trong nhà và con người thấy phố xá như ngôi nhà lớn của mình.

Hoa đào nở trước sân chùa Quan Hoa - Ảnh: Kim Hoa
Hoa đào nở trước sân chùa Quan Hoa - Ảnh: Kim Hoa

Xe máy thay ngựa tía võng điều

Hồ Gươm có thể vẫn xanh màu cổ tích như Nguyễn Duy viết cách đây ba mươi năm, dù nhân vật chính của hồ - rùa vàng - đã có “giỗ đầu” mùa xuân này. Câu thơ vẩn vơ ba thập niên trước, “con rùa vàng gửi bóng ở trên mây”, nay đã man mác như sương khói.

Rùa Hồ Gươm đã chết, vẫn còn để lại một huyền thoại cho phố, nhưng huyền thoại không phải lúc nào cũng ở sẵn đấy để được kể lại. 

Tết là dịp để phố Hà Nội còn níu kéo được không khí bảng lảng của một đô thị cổ, như một người già cần mẫn đợi cái lạnh về thủng thẳng cất lời kể rằng “nơi đây vua Lê đã truyền gươm báu”.

Giống như những pho tượng thờ cần nhang trầm và niềm tin ngưỡng vọng hun đúc nên không gian cần thiết của cõi Phật, phố Hà Nội nhờ những chất liệu của ngày Tết có cái rét sương khói, có nỗi niềm hoài cổ, có sự yên tĩnh hiếm hoi mà trở nên đáng tin về chiều sâu văn hóa.  

Tết ở Hà Nội là dịp để gặp những bà cụ già mặc áo bông, tóc thơm lá mùi già, thành kính khấn vái ở những ngôi chùa trong phố. Họ và đức tin của họ như một loại con dấu cùng chữ ký xác nhận sự cổ tích của thành phố trong những tờ giấy cũ ngả vàng.

Vắng dần những đảm bảo ấy, phố như một loại văn bản điện tử, tiện lợi gửi đi trong vài giây, dễ copy and paste. Có những điều của truyền thống ở Hà Nội sẽ là vô lý dưới con mắt người nay, chẳng hạn như có đến ba ngôi chùa ở ba số nhà sát cạnh nhau - Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa - trên phố Trần Bình Trọng cạnh hồ Thiền Quang.

Nhưng đó là những thứ còn sót lại của ba ngôi làng nay đã biến mất. Ba đơn vị sống cơ bản trong hình thái xã hội người Việt còn lại được cái tên ở những hạt nhân tín ngưỡng. Khi mở rộng và quy hoạch hồ Gươm, người Pháp đã phá bỏ đi ít nhất ba ngôi chùa quanh đấy, Báo Ân, Báo Thiên, Phổ Giác... và thậm chí tên những ngôi làng cũng không còn.

May mà còn lại những tên phố Hàng và những đền chùa sót lại trong phố để nhắc nhở người Hà Nội thời sau rằng đã có một Kẻ Chợ tấp nập, những phường thợ hay làng xóm làm nên lịch sử. 

Phố Tết Hà Nội là một sân khấu dân gian khổng lồ. Người ta yêu dấu thời khắc ấy, không gian ấy vì vẻ đẹp vừa phồn thực vừa hư ảo, tất cả như ngưng đọng trong khoảnh khắc ống kính chụp xuất thần nhất.

Nhà cửa trang hoàng như thể mai không còn dịp để khoe. Không ai bảo ai, người nào cũng miên man tinh thần trang điểm. Đứa bé sặc sỡ bộ cánh mới. Chàng trai khuỳnh khoàng đánh võng cái xe máy hầm hố. Cô gái cầu kỳ áo váy chơi xuân trước khi ra giêng cạn ngày son trẻ. Đến hoa đào cũng rừng rực nở đua tranh cho đẹp nhất ba ngày Tết.

Một cơ hội chẳng thể bỏ lỡ. Tết là dịp để dốc toàn lực cho sự lộng lẫy, phố Hà Nội rực ánh kiêu kỳ giờ khắc siêu nhiên của nó, như một minh tinh xuất thần trong lớp kịch đã nghìn buổi diễn. 

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên