Phóng to |
Hàng trăm người dân và chiến sĩ công an cố gắng gia cố lại đoạn đê ở kênh 8, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang) bị vỡ sáng 28-9 - Ảnh: V.Đức |
Dù nỗ lực trong nhiều ngày qua nhưng ở An Giang và Đồng Tháp đã xảy ra tình trạng vỡ đê, nước trắng đồng.
Vĩnh Long: ngập úng hơn 800ha Sáng 28-9, nước lũ dâng cao làm sạt lở nhiều tuyến đê bao, gây ngập úng 815ha rau màu và vườn cây ăn trái tại 11 xã thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Ông Nguyễn Văn Theo, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, cho biết trong 815ha bị ngập úng có 500ha rau màu và hơn 300ha khoai lang thương phẩm đang trong giai đoạn thu hoạch. HỮU TRÃI |
Mấy ngày trước, nhiều tuyến đê kênh 7 của xã Ô Long Vĩ đã nguy ngập, mực nước giữa trong và ngoài đê chênh lệch gần 4m. Người dân và bộ đội thường xuyên có mặt ở những đoạn nguy hiểm để bảo vệ đê. Tối 27-9 mưa to, nước dâng và sóng bắt đầu xô vỡ một đoạn đê. Trong mưa gió, một chiếc xáng lớn được điều đến chặn ngay đoạn đê này nhưng bất lực. “Đến rạng sáng đê tiếp tục lở, căn nhà tôi bị nước cuốn phăng”, ông Phạm Văn Hùng kể lại với vẻ kinh hoàng.
Trong lúc đê kênh 7 vỡ thì tuyến đê kênh 8 (ở ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Mỹ Tây) cũng bị lũ xé toang, đứt một đoạn dài gần 20m. Nước tràn vào làm ngập 270ha lúa. “Suốt mấy ngày qua, chúng tôi nỗ lực tập trung gia cố đê nhưng vẫn không cứu được lúa” - chủ tịch UBND xã Nguyễn Thế Xiêu cay đắng nói.
Ngay sau sự cố vỡ đê, lãnh đạo huyện Châu Phú tức tốc có mặt tại hiện trường triển khai các biện pháp khẩn cấp, đồng thời tăng cường phương tiện, huy động lực lượng khắc phục hai đoạn đê bị đứt. Dù vậy đến cuối chiều qua, hai đoạn đê vỡ vẫn chưa khắc phục được, lũ tiếp tục tràn qua mỗi lúc càng mạnh hơn. Ông Võ Thanh Tráng, chủ tịch UBND huyện Châu Phú, cho biết trước mắt có gần 1.300ha lúa bị nhấn chìm. Ngoài hai đoạn đê vỡ, hơn 400km đê của huyện Châu Phú đang tiếp tục bị đe dọa.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh An Giang, rạng sáng 28-9 còn xảy ra thêm hai vụ vỡ đê ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới và xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, gây thiệt hại hơn 920ha lúa. Ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong 140.000ha sản xuất vụ thu đông của An Giang có 11.000ha lúa đang bị đe dọa nghiêm trọng. Dù các địa phương đã tập trung bảo vệ đê nhưng đến nay đã có 4.000ha lúa bị nước lũ ngập, coi như mất trắng.
Phóng to |
Đồng Tháp: giữ đê đến cùng
Sáng 28-9, một đoạn đê xung yếu thuộc tuyến kênh Cả Mũi, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) bị vỡ. Hơn 500ha lúa vụ ba khoảng 30 ngày tuổi bị nước lũ nhấn chìm, thiệt hại ban đầu ước tính hơn 5 tỉ đồng.
Hàng trăm người dân từng tham gia cứu đê vẫn chưa hết bàng hoàng về sức tàn phá kinh khủng của nước lũ. Ông Vương Văn Hiệp (nhà ở đầu vàm kênh Cả Mũi, cách đoạn đê vỡ khoảng 200m) cho biết đê vỡ khoảng 3g45, lúc này mọi người đang ngủ sau nhiều đêm thức trắng hộ đê. Chưa đầy 15 phút sau, các lực lượng hộ đê có mặt tại hiện trường nhưng đã quá muộn, một đoạn đê 20m đã bị nước cuốn phăng. Chỉ hơn hai giờ sau, toàn cánh đồng lúa xanh rờn biến thành biển nước trắng xóa, đê vỡ thêm 20m nữa.
Đứng trước đoạn đê bị vỡ, ông Nguyễn Phú Cường (nông dân ấp Thi Sơn, xã Tân Thành A) nói như khóc: “Nhà tui có 2ha lúa trong khu vực đê bao ở bờ nam của con kênh Cả Mũi. Sáng 28-9 đê bị bể khiến chúng tôi đứng ngồi không yên. Nếu trời cứ mưa và nước lũ cứ dâng cao kiểu này thì nguy lắm, hơn 400ha lúa 30 ngày tuổi chắc tiêu hết”.
Theo ông Mai Văn Xuyên - phó chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, ngoài tuyến đê Cả Mũi đã bị vỡ ở bờ bắc, bờ nam tuyến đê này tuy có khá hơn nhưng chưa thể nói trước được điều gì. Toàn huyện vẫn còn bốn tuyến đê xung yếu có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, đó là tuyến kênh Cả Mũi - Bắc Viện, Tân Thành A - Tân Phước, Cà Vàng, xã Tân Bình, bờ đông kênh Sa Rài, xã Tân Hội Cơ. Huyện đang dốc toàn lực để gia cố các tuyến đê.
Trong khi đó tại thị xã Hồng Ngự, ông Nguyễn Hùng Tráng - phó chủ tịch UBND thị xã - cho biết trong ngày 28-9 phải huy động thêm nhiều phương tiện để tăng cường cho các tuyến đê bao có dấu hiệu rò rỉ. Dù nước trên đồng ở nhiều nơi đã chạm đỉnh lũ năm 2000 và tràn qua mặt đê nhưng chưa xảy ra sự cố nào, các tuyến đê cơ bản đang đứng vững.
Tại tuyến đê xung yếu thuộc xã An Bình B (thị xã Hồng Ngự), hiện có hơn 300 người dân cùng lực lượng bộ đội địa phương đang khẩn trương gia cố các tuyến đê xung yếu. Ông Huỳnh Văn Pha, chủ tịch UBND xã An Bình B, nói: “Toàn tuyến đê bao dài 9km đều có nguy cơ sạt sập. Nhân lực địa phương đã dồn hết vào tuyến đê này, chúng tôi rất cần chi viện khẩn cấp 500 lao động và 12 máy Kobe để gia cố các điểm đê xung yếu đang bị rò rỉ”.
Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự Nguyễn Quốc Hưng cho hay chỉ trong một ngày rưỡi huy động, người dân đã hiến hơn 2.000 cây bạch đàn cho lực lượng hộ đê. “Chúng tôi vẫn tiếp tục trực chiến 24/24 giờ để gia cố đê bao với tinh thần giữ đê đến cùng”.
Lũ sẽ vượt mức năm 2001 Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lũ đầu nguồn sông Mekong và hạ lưu khu vực ĐBSCL đang lên nhanh, nhiều nơi vượt mức báo động 3 từ 0,2-0,4m. Cụ thể, mực nước trên sông Tiền ngày 28-9 tại Tân Châu, Mỹ Thuận, Mỹ Tho đều vượt mức báo động 3 từ 0,08-0,25m. Mực nước trên sông Hậu tại Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ vượt mức báo động 3 từ 0,11-0,23m. Trong mấy ngày tới, lũ đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên nhanh, vượt mức báo động 3 từ 0,2-0,4m. Theo ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đến ngày 28-9 lũ trên sông Cửu Long đã xấp xỉ mức lũ đặc biệt lớn năm 2001. Dự báo đầu tháng 10 đợt lũ này sẽ vượt mức lũ đặc biệt lớn năm 2001, chỉ thua lũ lịch sử năm 2000. Q.KHẢI - T.PHÙNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận