![]() |
Áp dụng “bàn tay sắt” với chồng là hạ sách mà chị em nên tránh - Ảnh: G.T. |
Nhà tôi hai túi... thông nhau!
Theo tôi, tiêu tiền hai túi cũng có cái hay nếu mình biết kiểm soát tình hình và trên hết là vợ chồng đạt đến sự tin cậy nhau tuyệt đối. Vợ chồng nhà tôi đang áp dụng mô hình tiêu tiền hai túi đấy thôi! Là hai túi nhưng thật ra hai túi…thông nhau. Cả hai vợ chồng đều đi làm, đều được trả lương qua thẻ ATM; gọi là túi riêng vì thẻ ai nấy giữ nhưng vẫn thông túi nhau vì cả hai vợ chồng đều biết password của nhau, biết tỏng tòng tong “đối tác” có bao nhiêu tiền trong thẻ, chi tiêu ra sao.
Mỗi lần muốn mua món gì đó vợ chồng cùng đi với nhau, cấm đánh lẻ, mua bằng tiền ai cũng được. Nhưng thường chúng tôi thu xếp tiêu dần đều nghiêm chỉnh, rút lui tiền có trật tự để bảo đảm đến cuối tháng cả hai đều còn rủng rỉnh, đủ một món tương đối kha khá để bỏ vào một tài khoản chung đứng tên... vợ. Chồng bảo: “Nhường em quyền ưu tiên làm tay hòm chìa khóa đấy!”.
Dẫu vậy, nhất cử nhất động của tài khoản này tôi vẫn thông báo chi tiết cho chồng, chồng chả cần liếc mắt vào sổ sách vẫn rành cái tài khoản mập ốm méo tròn thế nào. Tiêu tiền hai túi giúp tôi tránh được cảnh đau đầu (cả đau lòng) của các bà vợ thích “thâu tóm về một mối”: cứ đến hẹn lại lên là bắt đầu sốt ruột ngóng lương chồng, chồng giao nộp thế nào cũng cứ bán tín bán nghi, không biết chồng còn tàng trữ khoản nào trái phép không; rồi lại còn cái việc rất khó xử là “phát lương” cho chồng, phát mà biết là lòng chồng... tê tái đắng cay, chưa kể thiếu đủ ra sao với nhu cầu rất phức tạp của các ông chồng.
Vì vậy, chị em ạ, muốn khỏe thân mình, muốn vui lòng chồng thì cứ tiêu tiền hai túi. Nhưng trước khi áp dụng mô hình này, vợ chồng phải ngồi lại quán triệt một số quy định chung, rồi cam kết phải răm rắp thực hiện. Cái chính là phải tin nhau, tin theo kiểu “đến hơi thở cuối cùng” ấy, có vậy mới hai túi xênh xang mà không mắc phải cái nạn tiền anh tiền tôi tủn mủn kia.
Hai túi để phòng thân
Tôi có cô bạn thân khi lấy chồng thì áp dụng mô hình tiền về một tay để dễ quản lý. Khổ nỗi tay đây không phải tay của cô mà là tay của …mẹ chồng. Bà mẹ chồng lý giải nghe rất ngọt bùi: “Các con còn trẻ, chưa biết giữ tiền, dễ xài phí. Để mẹ giữ, có gì đầu tư mua đất cát...”. Năm năm làm dâu cô đều đặn hằng tháng dâng lương, dâng thưởng, dâng bổng, dâng lộc cho mẹ chồng. Khi cần tiêu xài thì xin mẹ. Ngoan không thể tưởng. Thế rồi đùng một cái vợ chồng cô ly dị. Cô ra đi trắng tay, không có lấy một xu vì mọi thứ bà mẹ chồng đã thâu tóm cả: nhà ở chung với chồng, đất chả có miếng nào, sổ tiết kiệm cũng chẳng thấy tăm hơi, chẳng lẽ vác máy hút bụi với lò vi ba ra chia chác? Cô ngậm ngùi nói với bạn: “Lấy chồng đừng có dại mà đưa hết, phải thủ để còn lo hậu vận. Biết đâu…”.
Từ kinh nghiệm thương đau của cô bạn, cả đám bạn quyết định sẽ bắt chước Tây trong cách quản lý tài chính gia đình, để bảo hiểm cho tương lai nhỡ đâu xám xịt thì sao. Như tôi đây, hai vợ chồng có hai tài khoản riêng và một tài khoản chung. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo đảm tài khoản chung luôn luôn đầy và tài khoản riêng không bị thiếu hụt. Chúng tôi biết thu nhập của nhau, biết số tiền mỗi bên đóng vào tài khoản chung (2/3 thu nhập của mỗi người).
Mọi thứ đều minh bạch và công bằng, cái còn lại là làm cho việc thu chi không trở nên lạnh lùng và ích kỷ. Cả hai hiểu tiền là thật nhưng tình cảm phải càng thật hơn, rằng việc rạch ròi này bảo đảm được sự độc lập của mỗi người mà cũng là cách đầu tư cho tương lai tốt nhất. Tương lai ấy đương nhiên không phải là... ly dị và chia của mà là những đứa con. Mỗi tài khoản riêng sẽ được đầu tư cho học hành của con cái chúng tôi sau này. Không việc gì phải cho tiền bạc dính chùm một chỗ, nạo vét cả tiền bạc của một người để người kia giữ (dù là giữ giùm) mới gọi là yêu thương, hết lòng vì gia đình.
Tôi cũng đã một thời áp dụng “bàn tay sắt” với chồng: tận thu mọi thứ lương, thưởng của ông ấy ngay từ... phòng thủ quỹ (vợ chồng tôi làm cùng cơ quan). Mọi thứ vẫn ổn cho đến hôm nọ tôi tình cờ vào một diễn đàn trên mạng thấy các ông chồng bàn tán loạn lên về chuyện nộp lương cho vợ. Càng đọc càng thấy mình đang đi sát hiểm họa mà chẳng biết. Ông nào khi nộp lương cho vợ thì chả nói gì, nhưng trong bụng đúng là cả thùng thuốc nổ. Tôi nhớ một ông viết thế này: “Tớ nộp lương đều đều nhưng vẫn có khối cách để lách. Đấy, cũng phải có vài chiêu cho những cái thùng không đáy kia bớt tham. Mình vẫn phải có khoản riêng chứ, không nhẽ đi uống bia hay cà phê với bạn không có đồng nào chúng nó khinh cho ấy chứ”. Đọc mà thấy lạnh người, nghĩ mình có “siết thòng lọng” thì các ông ấy cũng có cách thoát, đã thế mình còn mang tiếng xấu là bóc lột chồng tận xương tủy. Thôi từ nay trả lại cho chồng quyền công dân, được tự do lĩnh lương, muốn nộp bao nhiêu thì nộp (tùy lương tâm). Chồng vui vẻ “OK” nhưng phần tôi phải tương kế tựu kế để tiền lương chồng không chạy hết vào các thú bù khú của đàn ông. Thế là: “Anh ơi, tiện đường mua hộ em thùng sữa cho con nhé. Loại Enfagrow cân tám. Đang giảm giá, mua cả thùng cho rẻ”. Chồng lại lịch kịch bê cả thùng sữa hơn triệu bạc về nhà. Và cứ thế, thi thoảng tôi lại nhờ mua cho con, nhưng phải là hàng thùng hay hàng túi. Rồi sau là những đồ dùng gia đình, là những buổi cả nhà đi siêu thị gồng gánh mang vác về mắm muối, dầu ăn, bột giặt…Hóa đơn dài dằng dặc nhưng chồng móc ví trả tiền với dáng rất chi là tự tin… Từ chuyện của mình, tôi ngẫm ra với đàn ông không thể tận thu tối đa được. Họ vẫn còn sĩ diện tức là vẫn còn quỹ đen. Mà chị em ta chẳng thể suốt ngày rình rập, mất hết cả tư cách. Cho nên chỉ còn cách là dùng “mỡ nó rán nó” là ngon lành nhất. Vừa cho chồng nhiều sĩ diện, lại vừa có lợi. Có khi chồng còn thích thế vì thi thoảng lại thấy vợ khoe: đấy, anh xã vừa mua tặng đấy! Mát mặt lắm! Vậy nên chị em cứ để cho đàn ông một “cửa thoát hiểm”, khi đó muốn gì cũng được. Sử dụng cái sĩ diện đúng chỗ ấy là sẽ đem về cái lợi ích to lớn như vậy! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận