Bộ phim Vợ ba xoay quanh cuộc sống của một gia đình địa chủ giàu có, lấy bối cảnh vào cuối thế kỷ 19 - Ảnh: ĐPCC
Dù nhận được nhiều đánh giá tích cực của giới phê bình quốc tế, nhưng với khán giả Việt Nam, bộ phim này không dễ tiếp cận và có thể gây chia rẽ vì tính chất ngoại lai (exotic) và nặng về chủ nghĩa hình thức của nó.
Hành trình trưởng thành
Nhẹ nhàng, giàu chất thơ và chậm rãi, bộ phim dẫn dắt người xem quay ngược về quá khứ xa xôi, với bối cảnh vùng trung du Việt Nam của thế kỷ 19. Nguyễn Phương Anh từng chia sẻ kịch bản của Vợ ba được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của gia đình cô, đặc biệt là bà cụ cố.
Đó là một câu chuyện nhiều tăm tối và ẩn ức của tuổi trưởng thành, về tình yêu và hành trình tự khám phá bản thân trong xã hội phong kiến Việt Nam, thời điểm tiếng nói của phụ nữ trong xã hội và gia đình rất bị hạn chế.
VỢ BA trailer
Mây (Nguyễn Phương Trà My) - cô gái mới lớn 14 tuổi, được gả làm vợ ba cho Hùng (Lê Vũ Long) - một địa chủ giàu có trong vùng.
Hành trình giã từ tuổi niên thiếu để trở thành người đàn bà của Mây khởi đi từ chiếc thuyền xuôi theo dòng sông về nhà chồng, nơi cô dâu mới ngồi cùng hai người vợ đầu của Hùng là Hà (Trần Nữ Yên Khê), Xuân (Mai Thu Hường) và bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác biệt.
Mây (Nguyễn Phương Trà My) trong Vợ ba - Ảnh: ĐPCC
Thoạt nhiên, bộ phim gợi nhớ đến tác phẩm Đèn lồng đỏ treo cao của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, cũng có câu chuyện khá tương đồng về thân phận của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Tuy nhiên, nếu Đèn lồng đỏ treo cao tập trung vào những âm mưu của các bà vợ để tranh giành sự sủng ái từ người chồng, thì tác phẩm đầu tay của Nguyễn Phương Anh chọn cách tiếp cận khác, thiên về sự đánh thức và khám phá bản năng giới tính của một cô gái mới lớn trong vai trò người vợ.
Vợ ba có rất nhiều cảnh gợi cảm - Ảnh: ĐPCC
Tuy cố gắng triệt tiêu kịch tính để tập trung vào ngôn ngữ điện ảnh nặng tính trình diễn, duy mỹ của một đạo diễn theo chủ nghĩa hình thức (với sự cố vấn nghệ thuật của đạo diễn Trần Anh Hùng), song bộ phim vẫn có nhiều tình tiết của một tác phẩm chính kịch với các ẩn ức dồn nén.
Những cuộc hôn nhân sắp đặt, những cảm xúc vượt ra khỏi lễ giáo, chuyện sinh nở, cái chết, cho đến việc những người phụ nữ dần dần bị khuất phục và chấp nhận số mệnh của họ... hoàn toàn có thể là chất liệu cho một tác phẩm thiên về "melodrama" (kịch mêlô).
Thế nhưng, chúng chỉ là những chất liệu để nữ đạo diễn đào sâu về chủ đề bản năng giới tính của phụ nữ và cuộc đấu tranh vất vả của những cá nhân trong một xã hội bảo thủ, nhiều thành kiến.
Hình ảnh những người đàn bà trong phim Vợ ba phần nào đó giống như những con tằm nằm bên trong tổ kén chờ đợi hoàn thành một vòng đời của số mệnh.
Với Nguyễn Phương Anh, đó là một chủ đề vừa mang tính cá nhân vừa có giá trị phổ quát. Và cô chuyển tải nó trong một tác phẩm điện ảnh thiên về chủ nghĩa hình thức, đề cao các chi tiết mang tính ẩn dụ, biểu tượng hơn là tập trung vào xây dựng một kịch bản mang tính truyền thống như những bộ phim có cùng chủ đề.
Mây (Nguyễn Phương Trà My) đã có một hành trình trở thành người vợ ba nhiều sự khám phá mang tính bản năng - Ảnh: ĐPCC
Không dễ cảm với khán giả Việt Nam
Phong cách làm phim thiên về nghệ thuật này thực ra khá xa lạ và là một thứ đánh đố cảm giác với khán giả đại chúng Việt Nam, nơi họ quen thưởng thức những bộ phim giải trí có kịch bản ba hồi dễ xem, dễ cảm.
Những hình ảnh đầy trau chuốt nhưng quá nhiều biểu tượng mơ hồ; bối cảnh, trang phục hay âm nhạc của bộ phim mang nhiều yếu tố ngoại lai trong khi kịch bản mỏng manh và những tính cách, tâm lý nhân vật ít được chú trọng khiến khán giả khó nắm bắt khi theo dõi câu chuyện trên màn ảnh.
Có lẽ đây là lần đầu tiên diễn viên Trần Nữ Yên Khê tham gia vào một bộ phim không phải do chồng mình đạo diễn - Ảnh: ĐPCC
Hình ảnh của Mây với đôi mắt luôn mở lớn để tiếp nhận những thứ mới mẻ xung quanh phần nào đó khiến người xem liên tưởng đến cô bé Mùi trong Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng.
Nhà quay phim nữ Chananun Chotrungroj tập trung vào những cú máy cận cảnh đầy âu yếm, đặc tả những chuyển biến tinh tế trên gương mặt của Mây có thể gây ấn tượng về mặt thị giác nhưng lại thiếu chiều sâu tâm lý để tạo sự đồng cảm.
Trong khi đó, những hình ảnh mang tính ẩn dụ như lòng đỏ quả trứng gà đặt trên bụng Mây trong đêm tân hôn, những con tằm trong tổ kén được lặp đi lặp lại nhiều lần, vệt máu trên tấm trải giường sau đêm tân hôn... có thể gây ấn tượng với khán giả quốc tế nhưng không mới với khán giả Việt Nam.
Vợ ba cũng không hiếm cảnh quay có vẻ như khá xa lạ với khán giả Việt... - Ảnh: ĐPCC
Vợ ba là một bộ phim đẹp và duy mỹ, một tác phẩm đầu tay cho thấy tài năng của một đạo diễn dám vượt thoát ra khỏi những khuôn mẫu, môtip cũ kỹ để thể hiện một tư duy nghệ thuật riêng biệt. Nhưng đôi khi, vì chú trọng vào chủ nghĩa hình thức, tác phẩm lại trở nên xa lạ với khán giả trên quê hương của cô.
"Vòng đời của một bộ phim nghệ thuật"
Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) rời Việt Nam từ năm 13 tuổi và học văn chương ở London, Anh; điện ảnh ở New York, Mỹ.
Kịch bản The third wife (Vợ ba) từng đoạt giải thưởng "Quỹ sản xuất Spike Lee" (một nhà làm phim da màu nổi tiếng tại Hollywood) và lọt vào danh sách "NYC Purple List 2015" dành cho những kịch bản phim tốt nhất do sinh viên tốt nghiệp viết.
Sau đó, dự án này tiếp tục thắng giải Grand Prix (Giải thưởng lớn) tại diễn đàn Gặp gỡ mùa thu năm 2015 tại Đà Nẵng và giải Grand Prix tại Hong Kong Asia Film Forum 2016. Phương Anh đã mất gần 5 năm để hoàn thành bộ phim.
Từ trái qua phải: Nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc, diễn viên Trần Nữ Yên Khê và đạo diễn Nguyễn Phương Anh tại buổi ra mắt Vợ ba ở Việt Nam - Ảnh: ĐPCC
Vợ ba là một dự án điện ảnh nghệ thuật rất đặc biệt khi êkip sản xuất "toàn nữ": đạo diễn, biên kịch Nguyễn Phương Anh, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, nhà quay phim Chananun Chotrungroj, dựng phim Julie Beziau, phục trang Trần Phương Thảo... và dàn diễn viên ba thế hệ như Như Quỳnh, Trần Nữ Yên Khê, Maya, Trà My, Lâm Thanh Mỹ...
Bộ phim đã đoạt một số giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế như Toronto (Canada), San Sebastián (Tây Ban Nha), Chicago (Mỹ)... và bán bản quyền trình chiếu ở một số nước trước khi được công chiếu chính thức tại Việt Nam. Đây cũng là ví dụ thành công về "vòng đời của một bộ phim nghệ thuật".
Một số hình ảnh của Vợ ba:
Cảnh phim Vợ Ba
Mây (Nguyễn Phương Trà My) đã có một hành trình trở thành người vợ ba nhiều sự khám phá mang tính bản năng - Ảnh: ĐPCC
Cảnh phim Vợ Ba
Cảnh phim Vợ Ba
Cảnh phim Vợ Ba
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận