![]() |
Nhà thơ Anh Thơ |
Nữ sĩ Anh Thơ đã từ trần vào hồi 7g sáng 14-3, tại nhà riêng vì bệnh ung thư phổi. Lễ viếng sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng từ 10g30' đến 12g30' ngày 18-3. Theo ước nguyện của nữ sĩ Anh Thơ, thi hài bà sẽ được hoả táng tại đài hoá thân Hoàn vũ và rước tro về quê.
Nói đến thơ mới Việt Nam không ai có thể quên nổi nữ sĩ Anh Thơ: Một giọng thơ trong sáng như tiếng thở dài của người thiếu nữ ngồi sau khung cửa nhỏ nhìn thấy chiều quê yên tĩnh đương tràn ngập ánh dương quang. Thơ bà đẹp và buồn. Nỗi buồn rất thi sĩ khi cảm nhận được vẻ đẹp của đời sống tự nhiên nhưng đồng thời biết rõ không thể níu giữ được: Hoa mướp rụng từng đoá vàng rải rác / Cánh chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay....
Nữ sĩ Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân sinh năm 1918 tại Ninh Giang. Thân phụ bà là một nhà nho đậu tú tài có ra làm công chức và phải thuyên chuyển nhiều nơi nên bản thân bà cũng phải đổi trường học từ Hải Dương sang Thái Bình rồi về lại Bắc Giang mà vẫn chưa qua bậc tiểu học. Trong lần gặp bà tại căn hộ nhỏ thuộc khu tập thể Văn Chương - Hà Nội vào năm 2002, bà kể: " Đã có nhiều người viết về tôi nhưng hiếm khi họ viết chính xác. Dường như người ta chỉ tập trung hỏi tôi về mối tình với nhà thơ Nguyễn Bính chứ không hỏi gì về thơ ca của tôi. Tôi làm thơ từ khi mới 6 tuổi...".
Điều đáng quý ở nữ sĩ Anh Thơ là bà không tự hào hoặc lớn tiếng tuyên bố về lý do làm thơ rất sang trọng và cao ngạo như nhiều nhà thơ khác. Lý do rất thật và cũng rất giản dị: " Tôi làm thơ chỉ vì buồn. Cha tôi dạy các anh em trai của tôi làm thơ, tôi ngồi trong buồng nghe lỏm được và làm theo thôi. Khi biết tôi làm thơ, cha tôi giận và thương tôi lắm...". Phận nữ nhi trong gia đình nhà nho truyền thống hiển nhiên phải tập gương sáng công, dung, ngôn, hạnh; phải thấm nhuần đạo tam cương ngũ thường chứ không phải học làm thơ. Tâm hồn nhạy cảm, đặc biệt là nhạy cảm với cái đẹp có bao giờ mang lại hạnh phúc cho mình đâu?.
Nữ sĩ Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, sinh năm 1918 tại Bắc Giang.-Tác phẩm chính: Bức tranh quê (thơ - 1941), Răng đen (Tiểu thuyết - 1942), Từ bến sông Thương (Hồi ký)- Giải thưởng Tự lực Văn đoàn-Giải thường Văn học Nghệ thuật Hồ Chí Minh |
Năm 1941, thi phẩm Bức Tranh quê của bà ra đời và ngay lập tức được cả công chúng và các nhà thơ mới hân hoan đón nhận, được giải thưởng khuyến khích về thơ của Tự Lực Văn đoàn. Bầu trời thơ ca của của nữ sĩ Anh Thơ rất trong và rất nhẹ nhưng sức lay động tâm hồn người đọc thì cứ như những con sóng nhỏ lan toả mãi không ngừng.
Chỉ bằng một vài nét chấm phá bà đã tạo được cả một không gian thơ ám ảnh khôn nguôi về cái đẹp của tự nhiên và nỗi đau khổ của con người: Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng / Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời...(Chiều Xuân) hoặc: Lặng lẽ nhất có vài người thầy bói ? Bước gậy lần như những bước chiêm bao (Họp chợ).
Nỗi buồn mang tính phận người lớn đến mức: Trong đồng lúa cũng bắt đầu khát nước / Lũ gái tơ uể oải kéo gầu dai (Vào hè). Đọc những câu thơ như vậy bất giác người ta đặt câu hỏi gợi những liên tưởng xót xa: Tại sao "lũ gái tơ" lại uể oải kéo từng gầu nước một cách cam phận như thế? Cả một cánh đồng lúa đương thì con gái kia có bao giờ đủ nước? Sức mạnh nào cầm tù cái phần sống chính đáng nhất, đáng được tồn tại nhất như vậy? Có lẽ tự bản thân mỗi người sẽ phải tìm cho ra câu trả lời để mà sống tiếp.
Sau thi phẩm Bức tranh quê, nữ sĩ Anh Thơ còn viết tiểu thuyết Răng đen (1942) như một sự nối dài cảm xúc về thân phận người phụ nữ. Từ cảm xúc của thơ ca chuyển thành văn xuôi nên nó có phần dư thừa chất lãng mạn của thơ nhưng hơi thiếu sức nặng thật sự của thể loại tiểu thuyết.
Sau cách mạng, nữ sĩ Anh Thơ tiếp tục làm thơ nhưng cũng như các nhà thơ tiền chiến khác, bà xoay ngược cái nhìn hướng vào nội tâm mình để khám phá thế giới sang cái nhìn hướng ra ngoại cảnh để hân hoan chào đón những con người cụ thể, những địa danh cụ thể: Nhìn ruộng kê vàng bông rủ bờ tươi / Nhìn hào giao thông nối liền xóm bể / Nhìn trận địa dưới hàng dương liễu rủ / Nhìn nữ dân quân đeo súng quay tơ...Đã xuất hiện một khoảng cách nghệ thuật rất xa giữa "lũ gái tơ uể oải kéo gầu dai" với cô "nữ dân quân đeo súng" trong thơ.
Cách đây 3 năm, giọng nói ấm áp và hơi ngắt quãng của bà vang lên trong căn phòng nhỏ lạnh lẽo ở khu tập thể Văn Chương như một đốm lửa nhiệt tình không nguội tắt về thơ ca: " Tôi đã ngoại tám muơi rồi nhưng vẫn đi đọc thơ nhân ngày 8/3, vẫn làm được những bài thơ mới... Có nhiều độc giả đọc thơ tôi và họ đã trở thành học trò, thành người em thân quý của tôi...".
Phải chăng đấy là niềm hạnh phúc tột đỉnh của thơ ca? Người em trai của bà, ông Vương Đan Hoàn, nghẹn ngào thông báo qua điện thoại: " Ước nguyện của chị tôi là được hoả táng tại đài hoá thân Hoàn Vũ sau đó đem tro về quê cha đất tổ." Buồn thấm thía, bất giác chúng ta lại nhớ tới câu thơ tuyệt diệu thủa nào: Hoa mướp rụng từng đoá vàng rải rác / Cánh chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận