HLV Weigang khi còn dẫn dắt tuyển VN. Ảnh: S.H |
Tôi lặng người khi nhận được tin ông Weigang mất tại quê nhà Đức ở tuổi 81 vào hôm qua (13-6) vì với ông, tôi có rất nhiều kỷ niệm, trong đó đáng nhớ nhất là được đi cùng ông và đội tuyển VN trong chuyến tập huấn tại Đức vào năm 1996.
HLV có tính kỷ luật hàng đầu
Ông không chỉ là người thầy, người cha, mà còn là người anh, người bạn với các cầu thủ. Ông luôn đặt tính kỷ luật lên hàng đầu: các cầu thủ phải có mặt đúng giờ ăn, cũng như đi ngủ cùng giờ. Ông cũng đặt quyền lợi của cầu thủ lên trên tất cả và đấu tranh đến cùng nếu như các cầu thủ bị đối xử không công bằng. Và hơn hết, ông từng muốn góp phần đưa bóng đá VN lên tầm cao mới vì ông nói tình yêu bóng đá của người VN không thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới.
Ông từng tâm sự: “Từ thành công ở SEA Games 1995, bóng đá VN nên nhân cơ hội này đầu tư lâu dài, có kế hoạch cụ thể hơn để không chỉ hài lòng với thứ hạng cao ở Đông Nam Á. Không một ai có thể một mình đem lại sự tiến bộ cho bóng đá VN, giờ đây là lúc mọi người cùng nhau xây dựng và khi mọi người đồng lòng thì không gì có thể ngăn cản được bóng đá VN phát triển”.
Với riêng tôi, HLV Weigang có những dấu ấn hơn hẳn HLV Calisto và Riedl.
Dưới tài cầm quân của ông, bóng đá VN đoạt được hai huy chương bạc SEAP Games 1967, SEA Games 1995 và chiếc cúp vô địch Merdeka 1966 ngay lần đầu tiên đội tuyển miền Nam Việt Nam được ông dẫn dắt (sau chín lần không thành công trước đó) và thủ quân lúc đó là “huyền thoại” Phạm Huỳnh Tam Lang.
Lật lại những trang báo thập niên 1960, gần như không một tờ báo nào không khen ngợi HLV Weigang. Tại sao?
Vì rằng giải Merdeka lúc đó là giải lớn nhất, uy tín nhất châu Á. Trong cuốn The records of world soccer, nếu như đối với bóng đá SEAP Games và sau này là SEA Games chỉ có ghi năm và tên nước vô địch thì ngược lại, giải Merdeka được sách in đầy đủ các số liệu liên quan gồm bao nhiêu đội tham dự, kết quả các trận đấu từ vòng loại đến trận chung kết. Và ngay chính cố HLV Phạm Huỳnh Tam Lang từng đánh giá rất cao tài năng và uy tín của HLV Weigang, đồng thời chiến thắng Merdeka 1966 là một trong hai kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời bóng đá của cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang.
Nhớ mãi SEA Games 1995
Với riêng tôi đã may mắn được theo từng bước đi của đội tuyển tại SEA Games Chiang Mai 1995, được chứng kiến tài cầm quân cùng cách sống hết mình với các tuyển thủ, tôi càng hiểu hơn về những gì tôi chỉ được biết về ông qua sách báo cũ hoặc được nghe kể lại trước đó. Một trong những kỷ niệm không bao giờ tôi quên là ở trận tuyển VN gặp Thái Lan. Khi Nguyễn Hữu Đang ghi bàn rút ngắn tỉ số 1-3, vận động viên môn silat Lê Ngọc Sơn cầm quốc kỳ VN chạy vui mừng thì bị cảnh sát Thái Lan tiến tới giật lấy. Điều này thật bất công vì mỗi khi đội Thái Lan ghi bàn hoặc có pha tấn công hay, ban tổ chức cũng như cảnh sát Thái Lan đã làm ngơ để CĐV Thái Lan tự do cầm cờ chạy quanh sân giữa tiếng reo hò vang dội của khán giả nhà. Không chần chừ, ông Weigang tiến tới viên cảnh sát đó giành lại quốc kỳ VN và trao lại cho Sơn, đồng thời ông phản ảnh với ban tổ chức sao lại có sự đối xử bất công giữa CĐV VN và Thái Lan.
Từ từng lời nói đến hành động của HLV Weigang đã tiếp thêm sức mạnh, tự tin cho các tuyển thủ VN. Đến trận gặp Indonesia buộc phải thắng mới đoạt được vé vào bán kết, ông Weigang tiếp tục truyền lửa: “Chúng ta phải thắng, không chấp nhận rời cuộc chơi trong thế ngẩng cao đầu”. Và trận này VN đã thắng 1-0, giành quyền vào bán kết gặp Myanmar.
Có lẽ ai cũng nhớ bàn thắng vàng của Trần Minh Chiến ghi ở hiệp phụ đã đưa đội VN vào chung kết gặp Thái Lan. Thế nhưng có mấy ai biết ông Weigang đã nói gì với các tuyển thủ sau khi kết thúc 90 phút thi đấu chính thức?
Ông Weigang đã yêu cầu các cầu thủ không được nôn nóng dù đội VN đang lợi thế hơn người, bởi vội vã tấn công rồi sơ hở phòng thủ thì sẽ thua khi bị đối phương phản công. Ông Weigang nói các cầu thủ VN không chỉ có 1 phút mà có đến 30 phút ở hai hiệp phụ. Và bài học chớp nhoáng này đã được các cầu thủ VN tiếp thu cũng rất nhanh và nhanh chóng cho ra kết quả như ý với bàn thắng của Minh Chiến chỉ sau... 300 giây!
Tôi tin chắc không một cầu thủ nào thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá VN trong những năm của thập niên 1990 là Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Chiến, Mạnh Cường, Hữu Đang, Công Minh, Quốc Cường... lại không hết mình với HLV Weigang.
Tôi cố tình chừa một cái tên Nguyễn Hữu Thắng mà nay đang là HLV đội tuyển VN, bởi trước trận chung kết SEA Games 1995 Thắng vừa bị chấn thương vừa bị cảm, thế mà vẫn nhất quyết xin đá và Thắng lại đá rất hay để rồi kiệt sức sau trận đấu. Vì vậy trong khi đồng đội lên bục nhận huy chương, hòa cùng niềm vui với người hâm mộ thì Thắng vẫn nằm trên cáng thương hồi sức đưa vào phòng cấp cứu.
Vĩnh biệt HLV Weigang - người có công rất lớn với bóng đá VN và chính ông - chứ không ngoài ai khác - là người đã lật sang trang sử mới cho bóng đá VN.
Người bạn tốt của bóng đá VN Ông Weigang sinh năm 1936 tại Đức. Ông có một sự nghiệp HLV đồ sộ khi dẫn dắt nhiều đội tuyển gồm Sri Lanka, Mali, Ghana, Malaysia, Gabon và VN. Duyên nợ của ông Weigang với bóng đá VN bắt đầu từ năm 1966, khi ông dẫn dắt tuyển miền Nam VN khi đó với lứa học trò gồm những cái tên huyền thoại như Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Văn Mộng, Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Văn Ngôn. Ngay trong năm đầu dẫn dắt, ông đã giúp đội giành cúp Merdeka 1966. Ông Weigang trở lại dẫn dắt tuyển VN từ năm 1995. Cùng với lứa cầu thủ “thế hệ vàng” Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Hữu Thắng, Võ Hoàng Bửu, Trần Minh Chiến, Trần Công Minh..., ông giúp VN giành HCB ở SEA Games 18 và HCĐ tại Tiger Cup 1996 trước khi chia tay vào năm 1997. Ở tuổi 81, ông Weigang vẫn tiếp tục công việc HLV ở CLB Perak FA của Malaysia trước khi chấm dứt hợp đồng hồi tháng 2 năm nay. Báo The Star (Malaysia) cho biết ông Weigang qua đời tại Đức sau một cơn đau tim. Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nói: “Ông Weigang là một người bạn tốt và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của bóng đá VN sau đó. Chúng tôi sẽ cố gắng liên lạc, gởi điện hoa chia buồn với gia đình ông ấy”. (N.K.) |
Người thầy đáng kính
Nhiều học trò cũ của HLV Weigang đã bày tỏ sự thương tiếc. Cựu danh thủ Trần Minh Chiến cho biết: “HLV Weigang là người cứng cỏi, nghiêm khắc, nhưng ông luôn bảo vệ học trò trước mọi áp lực hay sự chỉ trích từ nhiều phía. Ông cũng là người có tấm lòng hết sức nhân ái. Năm 1996, ông đưa tôi và Hồng Sơn sang Đức chữa trị chấn thương. 5h sáng, ông gọi hai đứa dậy tập thể dục dưới tầng hầm nhà ông, sau đó lái xe hơn 30 phút đưa chúng tôi đi tập vật lý trị liệu. Chiều đến, ông lại có mặt để đón về nhà ăn cơm và lưu ngụ. Nhiều hôm tuyết rơi dày, khi chúng tôi đi tập về thì trong phòng của hai đứa đã có đầy đủ áo quần chống lạnh”. Cựu thủ môn đội tuyển VN Nguyễn Văn Cường nhận xét ông Weigang là người thầy, người cha đúng nghĩa. Anh nói: “Trên sân tập, nhiều người thấy rằng HLV Weigang la hét, chỉ đạo học trò rất gay gắt nên lầm tưởng rằng ông ấy khó tính, nhưng sau buổi tập thì mọi chuyện khác hẳn bởi ông luôn gần gũi, hỏi thăm gia cảnh của từng học trò rồi trò chuyện hết sức ý nhị. Sự gần gũi, chan hòa ấy khiến lứa cầu thủ “thế hệ vàng” chúng tôi nhiều lần nói vui với nhau là: Mình lên đội tuyển quốc gia mà cứ tưởng như đang sinh hoạt trong gia đình nhỏ của mình vậy...”. Cựu hậu vệ Trần Công Minh chia sẻ thêm: “Sang nước Đức rồi mới thấy ông Weigang là người có uy tín rất lớn với LĐBĐ Đức. Chẳng hạn trong chuyến tập huấn ở Đức chuẩn bị cho SEA Games 18, ông biết có trận đấu quốc tế giữa chủ nhà Đức với đội tuyển của một quốc gia nằm trong Liên bang Nga cũ mà tôi không nhớ rõ tên. Ông liên hệ và được LĐBĐ Đức ưu tiên cấp cho đội tuyển VN vào xem ở phòng VIP, ngoài cửa phòng là những dãy bàn thức ăn... Lần đầu tiên trong đời cầu thủ, chúng tôi được tiếp đón như những nhân vật quan trọng đến như vậy”. Lê Huỳnh Đức - một trong những học trò “ruột” của HLV Weigang - phát biểu: “Xin được nói lời tri ân sâu sắc nhất đến với thầy Weigang. Mong thầy thanh thản ra đi”. S.H. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận