Phóng viên Minh Mẫn với nụ cười thân thiện luôn để lại thiện cảm với người đối diện - Ảnh: T.L |
Sự ra đi quá đột ngột của một phóng viên trẻ xông xáo, nhiệt huyết và đang dần trở thành một cây bút chắc tay đã làm cho gia đình cùng tập thể Tuổi Trẻ, nhiều đồng nghiệp, bạn đọc đau xót bàng hoàng.
Một số bài viết của Minh Mẫn |
Năm nay 26 tuổi, Trần Minh Mẫn được bạn đọc Tuổi Trẻ biết nhiều với bút danh Minh Mẫn qua những tuyến bài điều tra về mảng y tế, đời sống xã hội như: Bí ẩn đằng sau các phòng nha; Giả xe cứu thương lừa bệnh nhân; Tài xế nhậu tới, “phi” hồng phiến rồi phóng xe như bay…
Và đặc biệt là bài điều tra “Đẩy bệnh nhân ung thư qua khám dịch vụ” đã đoạt giải 3 giải báo chí TP.HCM năm 2014.
Minh Mẫn đến với Tuổi Trẻ ngay từ khi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình, năm 2011 trong vai trò thành viên CLB Phóng sự, ký sự và tham gia cộng tác cho trang Phóng sự, ký sự của Tuổi Trẻ.
Tại đây, Minh Mẫn nhanh chóng tiến bộ qua từng tin, bài cộng tác và cho thấy khả năng tác nghiệp tốt các đề tài xâm nhập, điều tra mang tính dân sinh, gần gũi với đời sống người dân.
Năm 2012, khi vừa ra trường, Minh Mẫn đã được báo Tuổi Trẻ ký hợp đồng lao động CTV, theo dõi mảng y tế và đã để lại dấu ấn với bạn đọc với những loạt bài điều tra về những bất cập của ngành y tế, từ nỗi đau đớn, khó nhọc của bệnh nhân.
Không chỉ bó hẹp trong môi trường tại TP.HCM, Minh Mẫn còn cùng các đồng nghiệp ra tận miền Trung, sang Lào để đeo bám thực huyện tuyến điều tra về thực trạng tài xế dùng ma túy đá nhức nhối trong giới tài xế…
Tự ý thức là một PV trẻ, Minh Mẫn luôn mong muốn học hỏi và đã được cơ quan đồng ý cho ra Hà Nội 3 tháng để làm quen với một môi trường làm báo mới, với quyết tâm trở thành một phóng viên chính thức của Tuổi Trẻ. Nhưng chỉ trước chuyến chuyển công tác vài ngày, Minh Mẫn đã đột ngột ra đi, sau một tai nạn bất ngờ trên biển Vũng Tàu.
Với nhiệt huyết, năng lực và sự đóng góp của Minh Mẫn, Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã ký quyết định đặc cách, nâng bậc cho CTV Minh Mẫn thành phóng viên chính thức của báo Tuổi Trẻ.
Chiều 22 - 8, hàng trăm thành viên của Tuổi Trẻ đã vẫy chào Minh Mẫn lần cuối cùng, trước khi nhân viên y tế của của bệnh viên 175 đưa thi hài của phóng viên Minh Mẫn về yên nghỉ ở quê nhà Đông Hà (Quảng Trị).
Bàng hoàng, đau xót, tiếc thương. Ai nghe tin em mất cũng không khỏi thảng thốt gọi tên em. Giờ này, dù có bao nhiêu người gọi tên em, em cũng không thể trả lời được nữa rồi, Mẫn ơi. Thôi, em về quê với gia đình nhé. Trời Sài Gòn hôm nay mưa rất nhiều nhưng có lẽ cũng không nhiều bằng những giọt nước mắt của các anh chị, bạn bè khóc thương em. Sao em lại ra đi đột ngột như vậy, Mẫn ơi! Giờ này của năm trước, em ríu rít như một chú chim non khi được phân công vào mảng y tế. Em tiếp thu những bài học nghiệp vụ rất nhanh, biết vận dụng hợp lý vào từng vụ việc cụ thể và xông xáo khắp nơi làm việc, dù đề tài lớn hay nhỏ. Em sớm thể hiện được mình là một nhà báo dám dấn thân, say nghề, đam mê công việc và không nề hà cực khổ, nguy hiểm. Điều mà các anh chị làm báo đi trước luôn mong mỏi những nhà báo trẻ các em làm được và phải làm được. Điều mà bạn đọc Tuổi Trẻ, những bệnh nhân nghèo (những người luôn làm cho các phóng viên y tế như chị, em mình phải trăn trở, khắc khoải) đòi hỏi những nhà báo chân chính phải làm được để góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Chị vẫn nhớ, để thực hiện bài viết đẩy bệnh nhân ung thư qua khám dịch vụ, loạt bài về các phòng nha khoa hoạt động không phép, bài phun nước lã chữa bá bệnh…em đã phải ngày đêm theo dõi các đối tượng, thâm nhập thực tế để ghi hình làm chứng cứ. Có những đề tài em làm mấy tháng trời, như vụ thuốc giả…Nhưng dù thất bại, buồn hay vui thì cũng chỉ mấy ngày sau, công việc lại cuốn em đi. Những lúc bí đề tài, em lại nhắn tin “Chị có gì cho em làm không?”. Rồi em lại lao đi làm thời sự, hết vụ thiếu thuốc, lại sang sốt xuất huyết, rồi dịch sởi, tiêu chảy cấp và mới nhất là bệnh dịch Ebola... Chỉ cách đây hơn mười ngày thôi, em và các bạn đã đưa ra ánh sáng những đối tượng dùng xe cứu thương giả để lừa bệnh nhân. Sau bài viết này, em lại tiếp tục âm thầm điều tra những đối tượng khác… Vậy mà bài viết chưa thực hiện xong, em đã không về. Chị biết em còn đang ấp ủ nhiều đề tài và lúc nào cũng nóng lòng muốn làm tới cùng sự việc. Khi vụ việc phải điều tra có kết quả tốt, em luôn bước vào phòng làm việc với nụ cười rạng rỡ trên môi. Khi có trục trặc, trắc trở mặt em buồn hiu và hay lại gần hỏi chị để tìm cách tháo gỡ. Được đi học lớp nghiệp vụ báo chí lần này, chắc em rất mừng vì có cơ hội học hỏi nghiệp vụ từ các anh chị làm báo đi trước. Bài học còn chưa xong, em đã đi xa rồi… Mẫn ơi, em có biết kể từ hôm nay phòng làm việc mãi mãi vắng bóng em, chị và đại gia đình Tuổi Trẻ thấy trống trải thế nào không?. Không như những lần vắng mặt khác, ai cũng biết em sẽ trở về sau những chuyến công tác xa. Còn hôm nay, máy vi tính, bàn làm việc, chiếc ghế em thường ngồi vẫn còn đó, sao em lại đi mãi không về? Bao nhiêu kỳ vọng về một cây bút trẻ, nhiệt tình, xông xáo là em, cũng đi theo em mất rồi. Thôi em hãy về với mẹ, cha và ngủ yên nhé. LÊ THANH HÀ |
Phóng viên Minh Mẫn (bìa phải) trong ngày nhận giải báo chí TP.HCM 2014 - Nguồn: Facebook Minh Mẫn |
Minh Mẫn tác nghiệp trong lần tường thuật về ca mổ cặp song sinh dính liền Phi Long - Phi Phụng tại bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Minh Mẫn tác nghiệp trong lần tường thuật về ca mổ cặp song sinh dính liền Phi Long - Phi Phụng tại bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận