18/10/2021 20:51 GMT+7

Vĩnh biệt họa sĩ Phạm Việt Hải - một người hiền, tài

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Những họa sĩ tài danh như Lê Huy Tiếp, Thành Chương, Lý Trực Sơn, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng… đều tỏ bày thương tiếc họa sĩ Việt Hải - một người tài và ‘vô cùng tử tế’ - vừa qua đời.

Vĩnh biệt họa sĩ Phạm Việt Hải - một người hiền, tài - Ảnh 1.

Họa sĩ Phạm Việt Hải năm 2020 - Ảnh: LÊ HUY TIẾP

Thông tin từ gia đình cho biết họa sĩ Phạm Việt Hải vừa qua đời ngày 17-10 tại Bệnh viện Quân y 354 (Hà Nội) sau một thời gian lâm bệnh nặng, hưởng thọ 88 tuổi.

Các họa sĩ thuộc nhiều thế hệ cùng bày tỏ xót thương trước tin buồn về họa sĩ Việt Hải. Bởi lẽ, như nhận xét của nhiều họa sĩ có tiếng, ông Việt Hải không chỉ là một họa sĩ rất tài năng mà còn bởi tấm lòng đôn hậu, "vô cùng tử tế", một người đã luôn "thầm lặng làm việc tốt" cho rất nhiều anh em bè bạn đồng nghiệp.

"Mỹ thuật Việt Nam mất đi một họa sĩ tài hoa, chúng ta mất đi một người anh hiền lành và luôn trăn trở với cái đẹp", họa sĩ Lê Huy Tiếp ngậm ngùi thương tiếc đàn anh. Họa sĩ Lý Trực Sơn cũng bày tỏ thương nhớ người anh "biết bao tình thân". Còn họa sĩ Thành Chương thì rưng rưng nói lời vĩnh biệt "một họa sĩ tài năng và một con người vô cùng tử tế".

Vĩnh biệt họa sĩ Phạm Việt Hải - một người hiền, tài - Ảnh 2.

Tác phẩm Trẻ em và ngựa của họa sĩ Phạm Việt Hải

Dù không "nổi" trên truyền thông, nhưng với nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, họa sĩ Việt Hải rất có tài, ông vẽ đẹp "có lẽ chỉ sau Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm".

Theo ông Thượng, họa sĩ Việt Hải vẽ rất nhiều ký họa xuất sắc (nhưng ít khi chuyển thành tác phẩm). Là học sinh khóa trung cấp mỹ thuật Tô Ngọc Vân 1956 - 1958, từ những năm 1960, họa sĩ Việt Hải đã có những bức tranh đồ họa vẽ rất tỉ mỉ về sinh hoạt nông thôn, được in trên một số cuốn sách mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ.

Sau đó, hai bức tranh sơn mài phong cảnh, gần như tranh trừu tượng, đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa ngay vào bộ sưu tập của mình. Ông có cả thảy 4 tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ.

Ngoài sự nghiệp cá nhân của một họa sĩ khiêm nhường, ông còn đặc biệt có công lao với mỹ thuật Việt trong giai đoạn bản lề sau Đổi mới những năm 1980, khi ông giữ vai trò như một giám tuyển tài năng, đã tôn vinh tác phẩm của nhiều họa sĩ tài hoa, đặc biệt là các họa sĩ trẻ đang táo bạo khai mở những con đường riêng khác với hội họa cổ điển hay cách mạng của thế hệ trước.

Được Công ty Mỹ thuật trung ương giao phụ trách Gallery số 7 Hàng Khay từ năm 1986 đến đầu những năm 1990, có thể nói, ông đã làm được những việc quan trọng cho mỹ thuật Việt Nam với những triển lãm cho Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, và nhiều danh họa khác, cùng các họa sĩ trẻ trong nhóm Gang of Five: Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Phạm Quang Vinh, Trần Lương.

Vĩnh biệt họa sĩ Phạm Việt Hải - một người hiền, tài - Ảnh 3.

Tác phẩm Một thoáng vùng mỏ của họa sĩ Phạm Việt Hải tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2001-2005

Theo ông Thượng, cùng với Nguyễn Quân, họa sĩ Việt Hải đóng vai trò bầu hậu cho những gì mà ông coi là nghệ thuật chân chính thời kỳ những năm 1980, thuộc số ít người ủng hộ nhiệt thành những họa sĩ trẻ.

"Ông là một người cấp tiến, dám chơi và khiêm nhường với thanh niên mà thế hệ ông ít người làm được. Một đời ông luôn thầm lặng làm việc tốt. Nên ngay cả khi ông nghỉ hưu, Gallery số 7 Hàng Khay kết thúc vai trò lịch sử của mình thì trong lòng ông vẫn luôn đầy ắp bạn bè", nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nói.

Họa sĩ Việt Hải sinh năm 1934 tại Huế, trong một gia đình cách mạng, cha ông gốc ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Năm 1947, khi mới 13 tuổi, ông tham gia học lớp vẽ "Văn nghệ Quần Tín" do hai họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là Nguyễn Văn Tỵ và Sỹ Ngọc giảng dạy tại Liên khu 4. Thời kỳ này bức tranh Toàn dân kháng chiến của ông đã được Bác Hồ gửi giấy khen. Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm phóng viên và họa sĩ trẻ trong quân đội.

Ông theo học khóa trung cấp mỹ thuật Tô Ngọc Vân từ 1956 - 1958, tiếp tục đi học tiếp lên đại học từ 1960-1965. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngoài việc minh họa và dàn trang ở báo Nhân Dân, ông còn làm họa sĩ chiến trường ở những điểm nóng như Hàm Rồng, Thạch Hãn.

Sau 1975, ông luân chuyển công tác sang Viện Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, rồi Xưởng Mỹ thuật quốc gia. Tới năm 1986, ông phụ trách Gallery số 7 Hàng Khay, là địa chỉ trưng bày và bán tranh tự do đầu tiên của Hà Nội.

Lễ viếng họa sĩ Việt Hải diễn ra từ 13h - 14h giờ ngày 20-10 tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 354 (20 phố Đốc Ngữ, quận Ba Đình, Hà Nội)

NSND Ngô Mạnh Lân - họa sĩ của nhiều thế hệ tuổi thơ - vừa qua đời NSND Ngô Mạnh Lân - họa sĩ của nhiều thế hệ tuổi thơ - vừa qua đời

TTO - NSND, họa sĩ và đạo diễn phim hoạt hình kỳ cựu Ngô Mạnh Lân, người đầu tiên vẽ minh họa 'Dế mèn phiêu lưu ký', vừa qua đời ở tuổi 87 vào ngày 15-9 tại Hà Nội.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên