Gắn bó với chiếc máy ảnh và dân quân miền Tây Nam Bộ ngay những ngày đầu kháng chiến, chiến sĩ - nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh đã để lại một kho tư liệu ảnh đồ sộ gồm hàng trăm thước phim đen trắng, trong đó tác phẩm tiêu biểu nổi tiếng nhất phải kể đến bức "Trạm quân y dã chiến".
Nhà phê bình ảnh Margarette Loke - báo The New York Times - số xuất bản ngày 19-4-2000 đã bình luận: "Khoảnh khắc không lời, thời gian như ngưng đọng giữa sự sống và cái chết. Ở đâu đó, dường như có một hơi thở đang hồi sinh. Giữa chiến sự bao trùm, sự bình tĩnh của các nhân vật biểu lộ sức chịu đựng gian khổ, ý nghĩa nhân văn, khát vọng chiến thắng của người dân Việt, cùng không gian độc đáo khiến bức ảnh đi vào lịch sử".
Sinh năm 1936 tại Cà Mau trong một gia đình nghèo, cậu bé Võ Nguyên Nhân từ lúc 8 tuổi đã theo chân mẹ mưu sinh. Năm 17 tuổi, ông được tổ chức đưa lên Sài Gòn, đổi tên là Võ An Khánh vào làm công cho một hiệu ảnh. Vừa học nghề đồng thời trong vai chụp ảnh dạo, ông làm giao liên cho lực lượng kháng chiến ở quê nhà.
Năm 1959, ông được điều về làm tổ trưởng Nhiếp ảnh kháng chiến Bạc Liêu rồi lên phó Phòng Nhiếp ảnh khu Tây Nam Bộ. Vào thập niên 1960 và đầu những năm 1970, chiến sự miền Tây diễn ra ngày càng ác liệt, hầu hết các trận đánh lớn ở chiến trường Khu 9 đều in dấu chân nhà nhiếp ảnh Võ An Khánh. Chiến sĩ - nhà nhiếp ảnh Võ An Khánh đã có cơ hội ghi được nhiều bức ảnh giàu giá trị lịch sử...
Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục cầm máy ảnh miêu tả giai đoạn tái thiết, xây dựng quê hương đổi mới và lần lượt xuất bản các sách ảnh: Đường hạnh phúc (2000), Quê hương tôi thời chiến (2003), Việt Nam trong trái tim tôi (2015)...
Xuyên suốt hành trình hơn 50 năm cầm máy, ông vinh dự được trao tặng: Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Lao động hạng ba, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu lần thứ nhất (2009)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận