17/04/2008 06:00 GMT+7

Vinasat 1 đã sẵn sàng trên bệ phóng

KHIẾT HƯNG (từ Guyane)
KHIẾT HƯNG (từ Guyane)

TT - Theo dự kiến, lúc 5g17 ngày 19-4 giờ VN (tức 19g17 ngày 18-4 giờ Guyane), tên lửa đẩy Ariane 5 của Hãng Arianespace sẽ rời bệ phóng, đưa Vinasat 1 - vệ tinh viễn thông đầu tiên của VN - lên quĩ đạo, mở ra trang sử mới cho ngành thông tin, truyền thông VN.

NjNzggpv.jpgPhóng to

Cổng vào Trung tâm vũ trụ Guyane với mô hình tên lửa Ariane 5 bằng đúng kích cỡ thật - Ảnh: K.H.

TT - Theo dự kiến, lúc 5g17 ngày 19-4 giờ VN (tức 19g17 ngày 18-4 giờ Guyane), tên lửa đẩy Ariane 5 của Hãng Arianespace sẽ rời bệ phóng, đưa Vinasat 1 - vệ tinh viễn thông đầu tiên của VN - lên quĩ đạo, mở ra trang sử mới cho ngành thông tin, truyền thông VN.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

20g đêm nay (17-4), Vinasat 1 sẽ được chuyển lên bệ phóng, kiểm tra các thông số kỹ thuật lần cuối trước khi đồng hồ đếm ngược điểm.

"Thành phố vũ trụ”

Sau khoảng 30 giờ di chuyển bằng cả đường hàng không và đường bộ, chúng tôi có mặt tại Trung tâm vũ trụ Guyane (CSG), một trong những sân bay vũ trụ lớn nhất thế giới - nơi sẽ phóng vệ tinh Vinasat 1. Nằm ở đông bắc Nam Mỹ, Guyane được biết đến là nhà tù khổ sai lớn của Pháp thế kỷ 18.

Trước đó, Guyane là nơi cư trú của thổ dân châu Mỹ nhưng đến năm 1817 Pháp thống trị Guyane và từ năm 1946 Guyane được hưởng qui chế tỉnh hải ngoại của Pháp. Với nhiều người VN, Guyane có thể là một vùng đất xa lạ, song với những ai yêu bóng đá hẳn sẽ không thể không biết đến hai cầu thủ nổi tiếng gốc Guyane là Bernard Lama, cựu thủ môn đội tuyển Pháp và Florent Malouda, cầu thủ đang thi đấu cho câu lạc bộ Chelsea của Anh.

CSG rộng khoảng 750km2, nằm ở Kourou (một thị trấn nhỏ thuộc Guyane) và là sân bay vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Trước khi Kourou được chọn làm địa điểm phóng vệ tinh, Pháp thường phóng từ các cơ sở quân đội tại Algeria. Khi mối quan hệ giữa Pháp và Algeria trục trặc thì Pháp phải tìm một điểm phóng mới. Từ 14 vị trí được đề cử, Kourou đã được lựa chọn nhờ vào những điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình phóng vệ tinh. Sau này, CSG trở thành sân bay vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Kourou nằm cách đường xích đạo 500km về phía bắc, có nhiều ưu điểm để làm điểm phóng vệ tinh như góc hướng ra biển đủ rộng cho việc phóng vệ tinh; gần đường xích đạo để tận dụng lợi thế rất lớn về lực đẩy do tốc độ quay của Trái đất cung cấp; có cảng nước sâu gần bên tạo thuận tiện cho việc bốc dỡ hàng; ổn định về chính trị... Ngày 9-4-1968, vệ tinh Véronique trở thành vệ tinh đầu tiên được phóng lên từ bãi phóng CSG.

Sẵn sàng trước giờ G

Nền kinh tế của Guyane phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng người dân Guyane có thể tự hào bởi nơi đây được coi là "thành phố vũ trụ” khi các hợp đồng phóng vệ tinh đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Guyane một tỉ lệ không nhỏ. Tính từ năm 1979 đến nay, các đời tên lửa Ariane đã thực hiện gần 180 cuộc phóng, đưa lên quĩ đạo hàng trăm vệ tinh.

Theo ông Hoàng Minh Thống - giám đốc Ban quản lý dự án Vinasat thuộc Tập đoàn Bưu chính - viễn thông VN (VNPT), tính đến sáng 16-4, một cuộc tổng duyệt toàn bộ lệnh phóng đã hoàn tất. Vinasat 1 đã được cặp vào tên lửa đẩy Ariane 5, được bơm đầy nhiên liệu và hoàn tất khâu kiểm tra độ sẵn sàng phóng, đang trong vòng bảo vệ nghiêm ngặt.

Toàn bộ tên lửa cùng Vinasat 1 và vệ tinh Star One C2 (vệ tinh của Brazil phóng cùng Vinasat 1) được đặt trong phòng lắp ghép hoàn thiện và chỉ một số ít chuyên gia được vào phòng này. Trên thân tên lửa Ariane 5 có sơn cờ VN, logo VNPT, logo Vinasat 1 và tên nhà sản xuất vệ tinh. "Các khâu chuẩn bị đã hoàn tất" - ông Thống khẳng định. Theo lịch trình, sau khi kiểm tra tính sẵn sàng của tên lửa, tất cả sẽ được chuyển lên bệ phóng để tiến hành quá trình đếm ngược kéo dài 11 giờ trước khi phát lệnh phóng.

Tại VN, các công việc chuẩn bị tiếp nhận điều khiển, khai thác vệ tinh tại đài điều khiển Quế Dương (Hà Tây) cũng đã sẵn sàng ở mức cao nhất. Ông Hoàng Phúc Thắng, phó đài điều khiển Quế Dương, cho biết đài có 21 nhân viên kỹ thuật, trong đó có tám nhân viên nữ. Người tuổi cao nhất năm nay mới 35, trẻ nhất 28. Họ từng là những sinh viên ưu tú của Đại học Bách khoa và Học viện Kỹ thuật quân sự. Sau khi được đưa vào "tầm ngắm" để giao trọng trách điều khiển vệ tinh, các kỹ sư này được cử đi đào tạo, học tập tại nhiều trung tâm điều khiển vệ tinh trên thế giới.

Ông Thắng nói: "Cái thiếu của chúng tôi lúc này chỉ là kinh nghiệm. Mặc dù đã có những người từng công tác 9-10 năm trong lĩnh vực vệ tinh nhưng việc điều khiển một quả vệ tinh thì hoàn toàn là công việc mới. Tuy nhiên tất cả đều tin tưởng sẽ hoàn thành tốt công việc được giao".

KHIẾT HƯNG (từ Guyane)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên