Mọi thứ đều đang chuyển mình cùng guồng quay tất bật của thời gian, nhưng chắc hẳn chỉ riêng mỗi mình bà lặng lẽ bên chiếc chõng tre đã dần khô lại theo năm tháng.
Từ nhỏ tôi đã gọi bà với cách gọi gần gũi của người miền Trung: bà cố. Mọi người ai ghé nhà chơi cũng gọi bà là “mẹ” vì bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng. Bà có rất nhiều con cháu, nhưng không bao giờ nhầm đứa này sang đứa nọ dù đã ở tuổi 99.
Mỗi lúc có ai thắc mắc thì bà bảo: “Mỗi đứa khi sinh ra tao bồng bế mỗi kiểu, lớn lên tao dạy cách sống khác nhau, tao đánh đòn lại còn phải nhắm đứa, làm sao mà quên được!”. Bà tôi là thế, rất minh mẫn, bộc trực và nghiêm khắc. Chính vì những đức tính ấy mà tự bao giờ tôi đã được bà uốn nắn, dạy dỗ đến ngày hôm nay.
Ngày còn khỏe, bà thường đến nhà tôi chơi rồi đưa tôi đi chợ. Bà đặt tôi vào đầu thúng trước, đầu sau bà chất rau củ đi bán. Bà khen tôi là đứa may mắn, nhờ tôi mà thúng rau của bà nhanh bán hết. Mỗi lúc như vậy tôi càng khoái và chờ sẵn dịp xin bà mua cho cái kẹo. Ấu thơ của tôi luôn trải về phía bà như vậy, đơn giản chỉ là những tháng ngày bươn chải, cơ cực nhưng với tôi tất cả lại rất lớn lao.
Tôi lớn thêm một chút là đi học suốt ngày, bà vào nhà chơi bao giờ cũng vắng mặt tôi, nhiều lúc bà nói như giận lẫy: “Ừ thì cô lớn rồi, không thèm nói chuyện với bà già này nữa!”. Nói là nói vậy thôi, chứ tôi biết bà thương tôi nhiều lắm. Thấy tôi đã lớn khôn, bà thường dặn dò: “Là con gái nên ý tứ một chút, nói nhỏ nhẹ, ăn coi nồi ngồi coi hướng”. Và sau những lời dặn rất “lý thuyết” ấy bà còn bắt tôi thực hành. Hễ mỗi lúc bà lại nhà là tôi đi nhẹ nhàng ra cổng mở cửa, mở xong phải nép sang một bên thể hiện phong thái niềm nở và lịch sự khi mời khách.
Vào bên trong nhà, tôi lại phải kéo ghế ra cho bà ngồi, mời bà ấm trà sen còn nóng hổi. Không chỉ có thế, tôi còn học cách rót trà, rót sao cho nước không vào giữa chén và phải có bọt nổi lên mặt trên… Bà cũng hay chỉ tôi cách ăn mặc, cách chải đầu. Bà bảo con gái nên mặc những gam màu nhẹ và kín đáo, như thế thể hiện vẻ dịu dàng mà nữ tính. Tóc nên để dài rồi tết lại thành bím, trời mát thì buông dài, nóng thì búi lại cho gọn. Còn ra đường thì chỉ thoa nhẹ lớp phấn và chấm một ít son sao cho khuôn mặt hài hòa với vóc dáng và cánh áo trên người…
Bà là người miền Trung, ấy vậy mà đôi khi tôi nhầm lẫn bà là người con đất Hà thành bởi những cung cách hay lời nói của bà quá sắc sảo và tinh tế. Tôi ngưỡng mộ, tự hào về bà cũng vì lẽ đó.
Ngoài những lời chỉ dạy về cách sống, những lời khuyên chân thành, thấm đẫm yêu thương, bà cũng không quên dặn tôi. Thấy tôi đam mê với nghề viết, bà tỏ vẻ vui mừng, nhưng rồi gương mặt như dúm lại khi nói với tôi rằng: “Con hãy viết những cái chân chính dù chỉ là điều vụn vặt trong cuộc sống. Đừng bao giờ tự lụy hóa bản thân mình khi bán ngòi bút cho những đồng tiền không đáng mặt lương tâm”. Rồi khi tôi bệnh, mổ đi mổ lại nhiều lần, bà lo lắng đứng ngồi không yên, bà sợ cháu của bà không dậy nổi, bà vội chuyển mấy lời thân thương đến tôi. Bà bảo: “Phải cố gắng hết mình, đừng chịu thua bất cứ điều gì kể cả bệnh tật”. Còn tôi, tự khi nào đã ý thức được tình trạng bệnh của bản thân, vì thế cũng hiểu ra mình cần làm gì để có thể sống tiếp.
Những ngày đông này rất lạnh, mặc dù ở bệnh viện nhưng tôi cũng hình dung được bà ở nhà như thế nào. Tôi chắc rằng ngày ngày bà vẫn bảo ngoại tôi mua trầu về cho bà nhai, vẫn chống gậy đến nghĩa trang thắp nhang thầm mong một ngày nào đó các con của bà sẽ về với đúng vị trí vốn dĩ phải có. Bà vẫn hỏi thăm khi nghe ai đó nhắc về chuyện đi tìm hài cốt liệt sĩ, bà vẫn nức lòng khi qua nhà bác thương binh già bị điên loạn đến mức không dám bước chân xuống đất sợ giẫm phải đồng đội mình, và hơn hết bà vẫn bận bịu với bao ý nghĩ lo toan cho gia đình mỗi đứa cháu của bà.
Lâu rồi tôi không được nghe bà kể chuyện ngày xưa, chuyện bà làm dâu, bà nuôi chồng, chăm con đi bộ đội, bà bị quân Pháp trói đánh rồi cả chuyện bà chứng kiến cảnh chồng mình bị bắn thả trôi sông…
Tôi thấy nhớ bà, nhớ cái sống lưng tôi hay gãi ngứa, nhớ đôi tay, đôi chân tôi thường xoa dầu, nhớ cả vết thẹo dài trước ngực lúc nào cũng hành bà đau nhức, tôi nhớ tất cả những gì thuộc về bà. Nhưng tôi biết sẽ chẳng thể nào nguôi ngoai nỗi nhớ rất đỗi riêng tư này nếu không nghe được giọng nói quen thuộc của bà.
Giá như có một điều ước ngay bây giờ, tôi chỉ mong một ngọn gió nào đó thổi giúp tôi những dòng tri ân chân thành, sâu sắc nhất đến với bà, để tôi được gọi bà với cụm từ xa xưa mà quen thuộc: “Bà cố ơi!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận