Thi công khối thượng tầng giàn công nghệ MLS tại cảng PTSC Vũng Tàu - PTSC M&C cung cấp |
Giữa tháng 6-2015, Công ty TNHH một thành viên dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C, thuộc PTSC, Tập đoàn dầu khí quốc gia VN) sẽ “xuất khẩu” giàn đầu giếng công nghệ Marahaja Lela South (MLS) sang Brunei.
Đây là giàn do Công ty Total E&P Borneo B.V (có trụ sở tại Brunei, thuộc Tập đoàn Total, Pháp) làm chủ đầu tư, có trị giá trên 100 triệu USD. Hiện PTSC đã hoàn thành phần chân đế (jacket) nặng gần 1.200 tấn tại Brunei và đang hoàn thiện khối thượng tầng (topside) nặng gần 3.000 tấn tại Vũng Tàu.
Trước đó vào tháng 11-2014, PTSC M&C cũng đã xuất sang Ấn Độ khối thượng tầng giàn công nghệ trung tâm HRD trị giá 70 triệu USD cho Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC).
Từ thuê đến làm chủ công nghệ
Theo ông Đồng Xuân Thắng - giám đốc PTSC M&C, trước đây khi thi công các khối thượng tầng của giàn khoan, PTSC M&C phải thuê chuyên gia nước ngoài lên bản vẽ thiết kế chi tiết. Do đó chi phí cho một dự án đóng mới giàn khoan bị đội lên. Nhận thấy những bất lợi trên, từ năm 2009 PTSC M&C đặt ra mục tiêu phải tự thực hiện được thiết kế chi tiết các giàn đầu giếng vào năm 2015.
Để thực hiện được mục tiêu này, từ năm 2010 PTSC M&C đã đưa công tác thiết kế chi tiết giàn khoan về thực hiện tại trụ sở công ty ở Vũng Tàu, với sự trợ giúp của các đối tác nước ngoài. Thời gian này, các kỹ sư VN đã cùng đối tác nước ngoài thực hiện thiết kế chi tiết những dự án như: Hải Sư Trắng - Hải Sư Đen, Thăng Long - Đông Đô, Thái Bình Hàm Rồng tại Vũng Tàu.
Dần dần, các kỹ sư thiết kế chi tiết của VN đã tiếp nhận rồi tiến đến làm chủ công nghệ. Đến giữa năm 2014 đã về đích trước một năm bằng việc tự thiết kế chi tiết giàn Sư Tử Vàng Tây Nam với 100% nguồn lực của mình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về giàn khoan PV Drilling VI (trị giá hơn 220 triệu USD), được Công ty PV Drilling đặt đóng tại xưởng đóng tàu của Keppel Fels Limited (Singarore) và kéo về đến Vũng Tàu vào ngày 10-3, ông Nguyễn Hùng Dũng, phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN), cho biết do nhu cầu cấp bách về gia tăng sản lượng dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nên vừa phải tự đóng vừa phải thuê nước ngoài đóng mới đáp ứng đủ nhu cầu. Kế hoạch mua, đóng mới giàn PV Drilling VI đã có từ trước khi các doanh nghiệp VN làm chủ được công nghệ. Tuy nhiên, theo ông Dũng, với sự thành công của ngành chế tạo giàn khai thác cũng như giàn khoan dầu khí hiện nay, phần lớn giàn phục vụ khoan, thăm dò và khai thác dầu khí của PVN trong thời gian tới sẽ do PTSC M&C và PV Shipyard đảm nhiệm. |
Trở lại với dự án MLS, tháng 1-2014, sau khi vượt qua các “bài toán” khắt khe của chủ đầu tư và sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều nhà thầu quốc tế có tên tuổi khác, PTSC M&C đã trở thành tổng thầu, phải đồng thời thực hiện dự án tại hai địa điểm: phần chân đế ở bãi chế tạo Muara (Brunei) và khối thượng tầng tại Vũng Tàu.
Bởi theo cam kết với Chính phủ Brunei, tổng thầu sử dụng nhân lực bản địa để thi công, ít nhất là phần chân đế tại Brunei; nhân lực ít nhất 50% là người bản địa.
“Đây là một áp lực vô cùng lớn cho chúng tôi vì vừa phải đáp ứng yêu cầu khắt khe của chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng của dự án, vừa phải đáp ứng được yêu cầu sử dụng lao động bản địa trong khi lực lượng lao động chuyên ngành dầu khí tại Brunei rất ít” - ông Thắng kể lại.
Do đó, PTSC M&C phải nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng và bổ sung máy móc thiết bị, đồng thời đưa kỹ sư, công nhân sang Brunei để quản lý, giám sát, đào tạo và thi công chân đế cùng nhân lực bản địa.
Đến nay, hạng mục chân đế giàn khai thác MLS đã hoàn thành 99,8%. Còn tại VN, đội ngũ kỹ sư của PTSC M&C cũng làm việc hết mình để lên thiết kế chi tiết, mua sắm, chế tạo khối thượng tầng.
Ông Thắng cho biết việc tự thực hiện thiết kế chi tiết đã đem lại nhiều lợi ích, hiệu quả kinh tế. Trước hết là giảm tối đa đội ngũ quản lý dự án, tiết kiệm được hàng triệu USD cho mỗi dự án.
Và bằng nguồn lực tại chỗ, chủ thầu thi công kiểm soát được sai sót, khắc phục ngay tại công trường nên hoàn toàn làm chủ được tiến độ.
Nhờ đó, thời gian thi công một chân đế lớn chỉ mất năm tháng, thay vì 10-11 tháng như trước. Tương tự, thời gian thi công giàn đầu giếng chỉ còn khoảng 10 tháng thay vì 18 tháng, chi phí thất thoát cho mỗi dự án cũng giảm 15-20%, còn trên dưới 5%. Việc mua sai, mua thiếu vật tư được hạn chế ở mức thấp nhất.
Những “con tàu” khoan “Tam Đảo”
Trong khi PTSC M&C là đơn vị chuyên đóng giàn khai thác, Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) chuyên đóng các giàn khoan tự nâng cũng đạt được một số thành công bước đầu.
Tháng 10-2014, PV Shipyard đã bắt đầu triển khai đóng giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 (giai đoạn đầu) cho chủ đầu tư là liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), với tổng vốn đầu tư lên tới 230 triệu USD, dự kiến hoàn thành sau 32 tháng thi công. Đây được xem là giàn khoan tự nâng hiện đại và lớn nhất VN hiện nay do chính các kỹ sư người Việt lên bản vẽ thiết kế chi tiết, tiến hành thi công.
Trước đó vào đầu năm 2012, PV Shipyard cũng đóng thành công giàn Tam Đảo 03 của chủ đầu tư VSP với trị giá 190 triệu USD. Sự kiện PV Shipyard đóng thành công giàn khoan tự nâng đã ghi tên VN vào một trong số ít nước trên thế giới chế tạo được giàn khoan loại này. Bởi trước khi có giàn Tam Đảo 03, hầu hết giàn khoan tự nâng VSP đều phải thuê của nước ngoài.
Ông Phan Tử Giang, tổng giám đốc PV Shipyard, cho biết lúc đó có nhiều ý kiến băn khoăn liệu công ty VN có chế tạo được giàn khoan tự nâng? Bởi vào thời điểm đó, nói đến giàn khoan tự nâng được so sánh như một tòa nhà di động trên biển, có tiêu chuẩn hàng hải của một con tàu, nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, phức tạp với các tiêu chuẩn khắt khe.
“Vượt qua được sự e ngại, phân vân của các chuyên gia để nhận công trình là sức ép rất lớn với tập thể PV Shipyard, chưa nói đến chuyện nhận công trình rồi phải tính để hoàn thành đảm bảo đúng yêu cầu về kỹ thuật, an toàn và tiến độ” - ông Giang nói.
Thế nhưng sau 34 tháng thi công, PV Shipyard đã hoàn thành giàn Tam Đảo 03 và được Cơ quan đăng kiểm hàng hải Hoa Kỳ (ABS) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo các kỹ sư thiết kế chi tiết của PV Shipyard, giàn Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05 là sự tích hợp của cả trăm hệ thống kỹ thuật khác nhau với 2.000 chủng loại thiết bị.
“Cái khó và phức tạp nhất trong chế tạo giàn khoan là phải làm sao để tích hợp, kết nối hàng chục hệ thống, hàng nghìn chủng loại thiết bị khác nhau. Và chỉ một thiết bị sai lệch, không đồng nhất thì gần như cả hệ thống của giàn khoan sẽ không hoạt động được” - kỹ sư Đào Đỗ Khiêm, trưởng phòng quản lý dự án, cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hùng Dũng, phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN, cho biết từ nhiều năm trước, chiến lược phát triển của PTSC là mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực, từng bước làm chủ trong chế tạo, đóng mới giàn khai thác, giàn công nghệ trung tâm.
Đây là chiến lược đúng đắn và từ nhiều năm qua đội ngũ kỹ sư, công nhân chế tạo, đóng mới giàn công nghệ từng bước được đào tạo, chuyển giao. Qua việc chế tạo và “xuất khẩu” các giàn công nghệ, giàn khoan tự nâng đã khẳng định được sự trưởng thành của đội ngũ kỹ sư công nhân VN.
Chịu được bão cấp 12 Cả hai giàn Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05 đều do liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro làm chủ đầu tư. Giàn Tam Đảo 03 có khối lượng thi công gần 10.000 tấn kết cấu, 950 tấn đường ống công nghệ, 1.748 tấn thiết bị bao gồm các hạng mục như điện, điện tự động, kiến trúc nội thất. Giàn khoan này có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m và có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển, có thể chịu đựng được bão cấp 12, trên cấp 12. Còn Tam Đảo 05 là giàn khoan tự nâng hiện đại và lớn nhất VN tính đến thời điểm hiện nay. Khi hoàn thành, giàn này có tổng khối lượng 18.000 tấn, có thể hoạt động ở vùng biển nước sâu hơn 120m và có khả năng khoan tới độ sâu 9.000m. |
Sẽ trở thành tổng thầu các công trình dầu khí Ông Đồng Xuân Thắng - giám đốc PTSC M&C - cho biết doanh nghiệp này cũng tham gia đấu thầu và theo đuổi nhiều dự án quốc tế lớn như BCPA-3, Daman, MHSRD của ONGC, Bundles của PTTEP, Bunga Parma của Talisman... với nhiều triển vọng thắng thầu. Trước đó, tại lễ bàn giao khối thượng tầng giàn công nghệ HRD cho chủ đầu tư, ông K. Subrahmanian, đại diện Tập đoàn Afcons - liên danh của PTSC M&C, đánh giá cao đối tác của mình bởi dự án được hoàn thành “một cách chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế”. HRD là dự án khai thác dầu khí ngoài khơi đầu tiên của Ấn Độ được một nhà thầu VN thực hiện. “PTSC M&C đã chứng minh được năng lực và tinh thần quyết tâm để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra” - ông này nói. Còn ông Bharata Rahaju - đại diện Tập đoàn Total, hiện làm việc cùng PTSC M&C - nhận định dù các kỹ sư thiết kế của công ty còn rất trẻ nhưng có trình độ, chuyên môn cao và kinh nghiệm qua việc tham gia nhiều dự án, đặc biệt trong lĩnh vực xây lắp các công trình dầu khí. Theo ông Bharata Rahaju, sự thành công của dự án MLS sẽ là một bước đệm vững chắc giúp PTSC M&C vươn lên trở thành tổng thầu uy tín không chỉ đối với Total mà còn đối với các chủ đầu tư lớn khác trên thế giới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận