21/06/2019 10:15 GMT+7

Việt Nam là đối tác ưu tiên trong kế hoạch quảng bá 'Made in Italy'

T.D.V
T.D.V

Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, doanh nghiệp Ý đang đẩy mạnh tìm cơ hội trong lĩnh vực công nghệ cao, tự động hóa và các giải pháp phát triển bền vững tại Việt Nam.

Việt Nam là đối tác ưu tiên trong kế hoạch quảng bá Made in Italy - Ảnh 1.

Hội thảo công nghệ Ý cho nền kinh tế tuần hoàn và thông minh tại Việt Nam

Cơ hội đối với thị trường mới nổi

Không chỉ nổi tiếng về ẩm thực cao cấp, các kỳ nghỉ lãng mạn, Ý còn được biết đến với các công ty hàng đầu thế giới về sản xuất, chuyển đổi tự động hóa trong nền công nghiệp 4.0, ông Carlo Ferro - chủ tịch Thương vụ Ý, ITA - đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo công nghệ Ý cho nền kinh tế tuần hoàn và thông minh tại Việt Nam.

"Cơ hội được mở cho hai bên khi Ý đang có rất nhiều lợi thế để tăng cường quan hệ kinh doanh với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới công nghệ. Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn với nền công nghiệp thông minh, đó là một hệ thống giảm thiểu sử dụng tài nguyên, tái sử dụng và tái chế là các yếu tố sẽ được đặt lên hàng đầu", ông Carlo Ferro cho biết.

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã nhấn mạnh vào tiềm năng hợp tác Ý - Việt Nam: "Chúng tôi ngưỡng mộ mức tăng trưởng GDP của Việt Nam và tôi đã thống nhất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chúng ta có thể tăng cường hợp tác để nâng mức kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD trong những năm tới. Việt Nam có một vị trí kép, vừa có thể là thị trường tiêu thụ cũng vừa có thể là đối tác sản xuất của các doanh nghiệp Ý trong bối cảnh công nghiệp 4.0".

Hợp tác win - win

Tại hội thảo, ông Đào Phan Long, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, cho hay Ý phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất linh động và uyển chuyển, phù hợp mô hình doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam.

Hội thảo cũng giới thiệu mô hình thành công về sự hỗ trợ của Ý cho các công ty Việt Nam trong cải thiện chất lượng sản phẩm. Trung tâm Đào tạo công nghệ giày dép Việt - Ý là một ví dụ được trang bị máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ mới nhất nhập trực tiếp từ Ý và châu Âu, giúp ngành da giày Việt Nam có cơ hội phát triển sản phẩm mới, tăng tính cạnh tranh trên toàn cầu.

Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch LEFASO, ngành da giày Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng cường quan hệ thương mại với Ý nói riêng và thị trường Liên minh châu Âu (EU) nói chung. "Ý là trung tâm thời trang của thế giới, việc mở rộng quan hệ thương mại Việt Nam - Ý trong lĩnh vực da giày là rất cần thiết và trao đổi thương mại thời gian qua đã có bước phát triển khá tốt", ông Kiệt nói.

Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho biết: Việt Nam sắp có Trung tâm Đào tạo công nghệ đá cẩm thạch sẽ do Thương vụ Ý, Viện Đá cẩm thạch quốc tế Ý (IS.I.M), Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam và Hội Đá cẩm thạch trắng Lục Yên phối hợp. Dự kiến triển khai vào tháng 12-2019 tại huyện Lục Yên (Yên Bái) - khu vực vốn được coi là "chợ đá quý độc nhất Việt Nam".

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển trong bối cảnh yêu cầu một mô hình tăng trưởng mới. Hiện Việt Nam chú trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài một cách chọn lọc và định hướng đến những lĩnh vực có công nghệ cao, đặc biệt là thân thiện với môi trường. Mỗi năm, Việt Nam cần thêm 25 tỉ USD đầu tư vào hạ tầng và không thể đầu tư bằng nguồn vốn ODA như trước kia, mà phải thông qua hợp tác công - tư.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên