01/11/2024 09:31 GMT+7

Việt Nam khai thác tiềm năng thị trường Halal

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới ba nước UAE, Saudi Arabia và Qatar được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường thực phẩm Halal.

Việt Nam khai thác tiềm năng thị trường Halal - Ảnh 1.

Hai thủ tướng chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ nghị định thư giữa chính phủ hai nước sửa đổi hiệp định về vận chuyển hàng không - Ảnh: ĐOÀN BẮC

Trong hai ngày ở Doha, Thủ tướng đã tham gia nhiều hoạt động quan trọng trong chuyến thăm chính thức tới Qatar. Đây là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du gần một tuần tại Trung Đông, nơi ông đã đạt được nhiều kết quả nhằm thúc đẩy hợp tác với ba quốc gia có nền kinh tế hàng đầu khu vực.

Tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm

Chuyến thăm mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận thị trường thực phẩm Halal trị giá hàng tỉ USD. Thủ tướng đã trực tiếp giới thiệu tiềm năng cung ứng sản phẩm nông sản và thực phẩm của Việt Nam, khẳng định khả năng của chúng ta trong việc đáp ứng nhu cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho ba nước Trung Đông.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam hiện xuất khẩu nông sản, thủy sản và thực phẩm chế biến sang Qatar, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nước này đối với sản phẩm Halal. Vì vậy các hoạt động hợp tác trong chuyến thăm của Thủ tướng kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm Halal, thông qua hệ thống siêu thị và kênh phân phối tại Qatar.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, thành viên đoàn công tác, cho biết các cuộc gặp giữa Thủ tướng và lãnh đạo cấp cao các nước đều chú trọng việc thúc đẩy ngành thực phẩm Halal và khả năng cung ứng nông sản cho Trung Đông. 

Các sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và nông sản Việt Nam đều có tiềm năng đáp ứng tốt nhu cầu của đối tác, mở ra cơ hội hợp tác lâu dài.

Ông Trung cho biết: "Thủ tướng đã đề cập các vấn đề này, đưa ra nhiều phương thức, mô hình mà các doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau. Như việc doanh nghiệp các nước Trung Đông có thể đặt hàng với doanh nghiệp mình để sản xuất tại Việt Nam và sau đó xuất trở lại; hoặc đặt hàng theo yêu cầu để nhập khẩu trực tiếp. 

Chúng ta cũng bàn phương án phối hợp với nước bạn, cử chuyên gia Việt Nam sang hỗ trợ nuôi trồng thủy sản tại nước bạn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho phía bạn".

Gỡ rào cản để tận dụng cơ hội

Theo Thứ trưởng Trung, việc chuyển đổi sang tiêu chuẩn Halal là khả thi vì nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu và đạt các tiêu chuẩn như VietGap, GlobalGap, HACCP, có nhiều tiêu chí tương đồng với Halal. 

Ông tin rằng với nền tảng chính trị vững chắc và quan hệ ngoại giao tin cậy từ chuyến thăm, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn, giúp doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng thích ứng và chuyển đổi sang tiêu chuẩn Halal. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Halal toàn cầu trị giá 2.700 tỉ USD, bao gồm các nước Trung Đông.

Một lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất sữa Việt Nam cho biết việc tiếp cận thị trường Halal mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành thực phẩm và nông sản, với khả năng xuất khẩu bền vững. Tuy nhiên, quy trình đạt tiêu chuẩn Halal phức tạp và tốn thời gian, bao gồm tiêu chí về nguyên liệu và toàn bộ quy trình gieo trồng, sản xuất, chế biến, đóng gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển. Do đó, doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều để đáp ứng yêu cầu này.

Ông Zafer Gedikli, chủ tịch Hội đồng Halal thế giới, cho biết có khoảng 2 tỉ người Hồi giáo trên toàn cầu, và sự gia tăng cộng đồng này sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Hồi giáo. Để tận dụng cơ hội đó, Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân viên và nâng cao khả năng kết nối với khách hàng nhằm tăng cường nhận thức về ngành Halal. Song, rào cản lớn nhất hiện nay là sự thiếu hiểu biết về yêu cầu Halal, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quen với các tiêu chí từ tìm nguồn nguyên liệu đến chế biến và đóng gói.

Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường Halal và nhu cầu lương thực thực phẩm tại các nước Trung Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trăn trở khi những tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả. Trong cuộc gặp gỡ kiều bào tại Saudi Arabia, ông chia sẻ rằng trong bữa tiệc chiêu đãi của Hoàng thái tử kiêm Thủ tướng Saudi Arabia, nhiều món ăn trên bàn tiệc là những sản phẩm mà Việt Nam có thể cung ứng. 

Do đó, với nỗ lực trao đổi và thúc đẩy hợp tác giữa lãnh đạo Việt Nam và các nhà lãnh đạo nước bạn, khi tất cả đều có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược và hành động quyết liệt, chúng ta có thể biến những cơ hội này thành hiện thực trong thời gian tới.

Sớm nâng quan hệ lên tầm cao mới

Sáng 31-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Qatar Sheikh Mohamed bin Abdurahman Al Thani. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của mỗi nước trong khu vực và nhận định rằng kết quả hợp tác hiện tại chưa tương xứng với tiềm năng, do đó nhất trí sớm nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Hai bên sẽ tiếp tục trao đổi đoàn, đặc biệt là cấp cao, và xác định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trụ cột quan trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Qatar hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal thông qua chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ.

Ông cũng nhấn mạnh mong muốn các quỹ đầu tư Qatar gia tăng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược và sản xuất nông, thủy sản. Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Qatar hoạt động hiệu quả tại nước mình.

Việt Nam khai thác tiềm năng thị trường Halal - Ảnh 2.Qatar hợp tác với Việt Nam là không có giới hạn

Việt Nam và Qatar thống nhất sớm nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới, xác định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trụ cột quan trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên