19/03/2020 09:32 GMT+7

Việt Nam giữ sản lượng 22 triệu tấn gạo

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - 'Khi Hà Nội xảy ra tình trạng thiếu lương thực cục bộ do COVID-19, nếu các công ty lương thực của Nhà nước không có nguồn, mở cửa bán lương thực đến 23h đêm cho dân thì làm sao bảo đảm an dân được'.

Việt Nam giữ sản lượng 22 triệu tấn gạo - Ảnh 1.

Người dân ĐBSCL vui mừng vì được mùa vụ lúa đông xuân 2020 đang thu hoạch - Ảnh: CHÍ QUỐC

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện đề án "An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020" tổ chức ngày 18-3 và cho rằng sẽ có sai lầm trong chỉ đạo nếu không đặt an ninh lương thực (ANLT) trở nên bức thiết và đầy thách thức trong giai đoạn tới.

Không có lương thực là trả giá, đừng có coi thường hay chủ quan. Thủ tướng

Nguyễn Xuân Phúc

"Thiếu hàng rất ngắn, tác động xã hội rất lớn"

Nhắc lại "sự cố" khi Hà Nội có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, bà Bùi Thị Thanh Tâm, tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), thừa nhận dù việc thiếu hàng hóa là lương thực, thực phẩm chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, nhưng nó đã gây tác động xã hội rất lớn vì "không một ai tin được VN là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới lại thiếu lương thực".

Bà Tâm cho rằng các công ty tư nhân tham gia thị trường với mục tiêu là lợi nhuận, nên lúc nào có lợi thì họ mua, lúc nào không có lợi thì họ dừng. 

Nếu không có các chuỗi dự trữ và bình ổn lưu thông lương thực của Nhà nước quản lý thì sẽ khó có thể thực hiện được nhiệm vụ là làm sao cho dân yên, khi bình thường có hộ chỉ mua 10kg gạo/ngày, nay bỗng dưng "đòi" mua tích trữ lên đến 1-2 tạ? 

"Còn nếu chỉ dựa vào các công ty tư nhân trong lúc dầu sôi lửa bỏng thì làm sao yêu cầu họ mang gạo ra được?", bà Tâm đặt vấn đề.

Dưới góc nhìn quản lý, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng ANLT ngày càng trở nên vô cùng quan trọng không chỉ ở tầm quốc gia, mà còn là vấn đề sống còn trong thời gian tới. 

Ông Hoan lưu ý cần có sự phân biệt rõ ràng giữa việc đáp ứng mục tiêu chính trị xã hội với mục tiêu kinh tế thương mại theo hướng làm sao tạo được lợi nhuận hợp lý cho người trồng lúa nói riêng và người làm nông nói chung khi đề cập đến đảm bảo ANLT.

Được mời góp ý làm sao để giữ vững được ANLT trong bối cảnh mới có quá nhiều diễn biến phức tạp, nguyên bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng cốt lõi nhất là làm sao để an dân. 

Tới đây, bảo đảm ANLT cần được nhìn theo hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, không chỉ lúa gạo mà cả các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác. Phải phát huy được thế mạnh của từng vùng.

Giữ 3,5 triệu hecta đất trồng lúa

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị về mục tiêu giữ trên 3,5 triệu hecta đất trồng lúa để ít nhất có 35 - 38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo từ việc "chốt cứng" diện tích trồng lúa, cũng như sản lượng lương thực hằng năm.

Lưu ý đang sống trong kỷ nguyên 4.0, tương tác với thế giới ảo, Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành không được "ảo" trong vấn đề ANLT, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu xảy ra trên toàn cầu. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng thấy rằng câu nói ngày xưa của cha ông "phi nông bất ổn", hơn bao giờ hết, luôn đúng và cần được "quán triệt" trong tình hình mới.

Ông cho hay sẽ cân nhắc tỉ lệ giữ lại sau cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước ở ngành lương thực, nhằm tạo được những "quả đấm then chốt" trong việc nâng cao năng lực ứng phó khi có biến động. 

Ông cũng lưu ý nhiệm vụ quan trọng và cấp bách tới đây là phải bảo đảm ANLT một cách vững chắc trong bất kỳ tình huống nào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lúa gạo VN trước giờ G đổi mới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Lúa gạo VN trước giờ G đổi mới

TTO - Phải sửa đổi thể chế mạnh mẽ hơn, bãi bỏ những việc không cần thiết để áp dụng ngay vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa gạo.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên