03/11/2013 07:30 GMT+7

Việt Anh - tay diễn "bợm"

LÊ CHÍ TRUNG
LÊ CHÍ TRUNG

TT - Trong cuộc trà dư tửu hậu cách đây mấy năm, một diễn viên chuyên diễn kịch tâm lý nổi tiếng của sân khấu Hà Nội nói với tôi: “Việt Anh diễn bợm lắm”.

sbDSU2Wv.jpgPhóng to
NSƯT Việt Anh - cuộc đời và vai diễn để đời trong Dạ cổ hoài lang - Ảnh: G.Tiến

Đồng nghiệp Hà Nội khi khen anh diễn “hay lắm... chuẩn lắm... tốt lắm...” thì trong lời khen ấy đôi khi chỉ là sự xã giao đưa đẩy. Còn khi đã buột miệng khen “thằng ấy diễn bợm lắm” thì tuyệt nhiên anh có thể yên tâm đó là lời khen thật. Khen đỉnh. Việt Anh bây giờ dường như cũng lây cái khẩu ngữ của người Hà Nội, nên khi anh vỗ đùi thích chí khen ai, anh cũng dùng từ “bợm”.

Vinh quang và hụt hẫng

Nghệ thuật “rải thóc”

Về nghệ thuật, Việt Anh là một trong ba nghệ sĩ Sài Gòn có lối diễn rất “bợm”. Hai người kia là cố nghệ sĩ Hoàng Giang (Đoàn cải lương Văn công TP), nghệ sĩ hài Bảo Quốc. Họ có lối diễn cợt vai, thậm chí lùi hẳn về phía sau nhường đất cho bạn diễn của mình. Nhưng lâu lâu họ chêm một lời thoại thường là ngẫu hứng, hay một động tác biểu diễn hình thể... là họ hút hết hiệu quả cả một lớp diễn. Dân sành sỏi trong nghề gọi đó là nghệ thuật “rải thóc”. Nghĩa là cứ rải thóc ra cho đàn gà - bạn diễn đá nhau loạn xạ ngoài sân khấu, rồi quơ tay một cái tóm ngay cổ gà. Không thiếu diễn viên nổi tiếng diễn chung sân khấu với họ đã phải khóc ròng bởi ngón nghề của mấy tay diễn “bợm”. Họ không phải phá bĩnh, mà một khía cạnh nào đó chính là đẳng cấp cạnh tranh lành mạnh trong nghề biểu diễn.

Việt Anh diễn rất bản năng. Nhưng đó là bản năng nghệ sĩ, cái lộc trời cho ấy không phải cứ học mãi là vươn tới được. Anh diễn hơi tưng tưng tửng tửng duyên dáng đầy ngẫu hứng, diễn ra cái hồn nhân vật hơn là tuân thủ chặt chẽ những chi tiết trong một vở diễn. Đối nghịch với Việt Anh là Thành Lộc - diễn viên hàng đầu về kỹ thuật biểu diễn hình thể, tài năng và đa sắc thái, nhưng về sau anh có nhiều vai diễn hơi lạm dụng, phô trương kỹ thuật. Việt Anh cũng có nhiều vai diễn ngoại hình kiểu “trợn mắt, méo miệng” mà nhiều người không để ý, hoặc người ta đã bỏ qua cho anh vì lỡ yêu nhân vật của riêng mình. Trong đó có một vở kịch của tôi - vở Nước mắt người điên ở sân khấu Phú Nhuận. Nhân vật này tôi lấy cảm hứng từ cuộc đời Việt Anh (tất nhiên là một nhân vật hư cấu), viết đo ni đóng giày cho Việt Anh biểu diễn, nhưng tôi lại thất vọng vì lối diễn ơ hờ, qua quýt mà anh dành cho nhân vật. Ngay chính cô bầu Hồng Vân của sân khấu Phú Nhuận có đêm cũng nhảy đổng vì vai diễn mất lửa ấy, nhưng lại lấy tay che miệng, rỉ tai tôi: “Thôi kệ đi anh ơi, em thương ông ấy lắm. Cứ để cho chuyện đời qua đi ông ấy sẽ tìm lại mình...”. Sự cư xử của nghệ sĩ với đồng nghiệp đôi khi cạn tàu ráo máng, đầy ganh ghét đố kỵ, thơn thớt nói cười giẫm đạp lên nhau... nhưng ở đáy sâu của tâm hồn nghệ sĩ vẫn luôn thấp thoáng một cái gì tốt đẹp.

Việt Anh từng rơi vào sự hụt hẫng, hoảng loạn khi chia tay Phương Linh (diễn viên trên sân khấu nhỏ, giờ cô định cư ở nước ngoài). Thậm chí nhiều đêm đi nhậu với chiến hữu ở bờ kè kênh Nhiêu Lộc, sau những đêm diễn kéo màn, Việt Anh lại khóc ngon lành khi nhớ về bao năm tháng vợ chồng gắn bó. Thật ra, đời sống vợ chồng của Việt Anh có nhiều bài học cho người ta suy ngẫm. Một dạo vì bức xúc trước những khó khăn kinh tế, Phương Linh gần như bỏ nghề, nhao ra đường phơi mặt buôn bán bất động sản, thậm chí làm cò nhà đất. Khi ấy cô luôn phờ phạc, đen đúa, hơi béo phì và mở miệng toàn nói chuyện đất cát... Trong khi Việt Anh đang đứng ở đỉnh danh vọng, được nhiều người xúm xít vây quanh. Tôi, với thói thường của một ông anh hay già chuyện, đã nhắc Phương Linh: “Vì bất cứ lý do gì em cũng không được đánh mất mình trong mắt chồng em. Ai cũng biết em đang hi sinh cho gia đình, nhưng người đàn bà không được để mình tàn tạ...”. Phương Linh hơi chủ quan, cứ coi đời sống vợ chồng là một cái gì bất biến, đến khi cô chợt nhận ra người chồng ngày một chán ngán mình thì đã quá muộn. Cô phản kháng sự thờ ơ của chồng một cách dữ dội nhất và đàn bà nhất, trong một thời gian ngắn cô tân trang mình đẹp lên rực rỡ và... đi tìm niềm vui khác. Khi quyết định chia tay chồng, Phương Linh nấu cháo điện thoại với tôi hơn một tiếng đồng hồ. Cô ấy bảo: “Em không cần biết bạn bè ông Việt Anh nghĩ gì, chỉ cần anh hiểu em là được...”.

Tôi không khuyên nhủ gì cô ấy nữa, chỉ thấy xót xa cho cả hai người. Ai đó nói rằng “đàn ông khi nhảy ra khỏi cuộc tình còn biết quay đầu nhìn lại, chứ đàn bà thì một đi không buồn ngoảnh mặt...”. Bi kịch của vợ chồng Việt Anh, theo cảm nhận của tôi, là bi kịch gia đình khi một trong hai người mất đi sự cuốn hút, hoặc thiếu tôn trọng với người kia. Đó cũng là chủ đề tôi viết Nước mắt người điên (cùng tác giả Lê Bình) cho sân khấu Phú Nhuận, mà sự nổi loạn của người vợ đã được diễn viên “Ốc” Thanh Vân đẩy đến tận cùng của sự phản kháng - căm thù - bất chấp tất cả để... ngoại tình...

Có thể tôi coi Việt Anh là một đối tượng nhân vật và tôi tưởng tượng chuyện gia đình người bạn thân nhiều năm gắn bó. Nhưng sự đổ vỡ, tiếc nuối và những giọt nước mắt muộn màng của Việt Anh là những điều có thật. Không có gì quan trọng hơn trên cõi đời này bằng gia đình, những người chia sẻ cùng anh qua những ngọt bùi, đắng cay cho đến khi xuôi tay nhắm mắt. Và vinh quang sự nghiệp chỉ là thứ phù du trong cái muôn thuở của một người đắc đạo yêu từng giây phút sống.

“Cậu diễn bợm, nhưng với đời chả bợm!”

Việt Anh sau này chấp nhận, coi sân khấu như một cuộc chơi không mấy thiết tha. Lỡ làng và cay đắng nên Việt Anh đã dành hết tình thương của mình cho con gái. Tháng tháng anh phải cày ải trên khắp các “chiến trường”, hi sinh dần những mộng mơ một thời để có trên dưới 20 triệu đồng gửi cho con gái đang theo học bên Úc. Thậm chí anh rất sợ diễn những vai dài, chỉ thích những vai bé tí để nháo nhào chạy show, hoặc tìm quên trong men rượu. Không dưới đôi lần Việt Anh trong trạng thái lơ mơ ngà ngà trên sàn diễn. Đó là điều không thể chấp nhận với một diễn viên, nhưng lại có thể cảm được ở một con người - nghệ sĩ mất phương hướng với thân phận của chính mình.

Việt Anh sống không hoàn hảo, thậm chí có nhiều tật xấu, nhưng lạ là người ta vẫn yêu anh, chấp nhận cả cái xấu của anh như một mặc định rất con người, luôn duyên dáng trong cả tật xấu mà không ai bắt chước được. Tài năng ư? Hoàn toàn không phải. Nghệ sĩ ư? Nhầm. Có nhiều ông bà nghệ sĩ mà khi vừa gặp mặt người ta đã muốn chạy xa. Phải chăng, với Việt Anh, chính những giọt nước mắt luôn chảy vào trong thân phận một đời nghệ sĩ đã làm cho bạn bè không nỡ giận?

Tôi từng bảo Việt Anh: “Cậu diễn bợm, nhưng với đời chả bợm...”. Ngay cả chuyện tình Việt Anh cũng thích múa may phùng xòe, rồi không ít lần buồn bã bước đi. Dường như với cái tuổi hơn nửa đời người Việt Anh vẫn thích rong chơi tung tẩy và không cảm nhận được tuổi già xộc đến lúc nào không hay. Sự quân bình trong cuộc sống có thể là món hàng xa xỉ đối với đời nghệ sĩ. Thậm chí người nghệ sĩ chỉ có thể thăng hoa trong sự mất quân bình, nhưng nếu anh không khéo thì cái ranh giới kia đôi khi trở thành tai họa và là mầm mống cho những sự đổ vỡ. Tôi không trách Việt Anh, thật ra là không có quyền, chỉ mong cho cậu ấy có những tháng ngày êm đềm hạnh phúc ở tuổi xế chiều.

Cuộc đời không hoài phí

Việt Anh khoái gọi tôi là “bạn già”. Đúng là thế hệ chúng tôi nhiều khi già trước tuổi bởi những thăng trầm của đời sống. Nhưng chúng tôi vẫn luôn cố giữ một tâm hồn trẻ thơ với đời và nghề. Chúng tôi không sống bon chen, lọc lõi, chà đạp lên mọi giá trị. Đó cũng là điều tôi quý Việt Anh và trân trọng tài năng của Việt Anh trong những vai diễn rất ngây thơ trong trẻo. Đó là một ông cậu len lén thầm yêu cô cháu dâu và luôn biết giữ mình (vở Một cuộc đời bị đánh cắp - Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ) và vai ông già Năm tinh tế, vỡ òa cảm xúc đến ngỡ ngàng (vở Dạ cổ hoài lang - vang bóng suốt một thời). Đấy là hai vai diễn để đời của Việt Anh chứ không phải những vai anh phùng mang trợn mắt lòe khán giả.

Điều cuối cùng mà tôi muốn nói về Việt Anh, nói với Việt Anh, là dù chấp nhận một sân khấu thị trường để xoay xỏa kiếm tiền nuôi con, dù chán chường đến mấy cũng xin đừng đánh rơi khát vọng. Đối với một con người, điều đáng sợ nhất là anh để cuộc đời trôi đi hoài phí. Bởi cậu ấy là một người tài năng thật sự, một tay diễn rất “bợm”...

Diễn sao cho thật

Tuy luôn nhận mình là tay ngang nhưng NSƯT Việt Anh đã có hơn 30 năm làm nghệ thuật với hơn 200 vai diễn trên sân khấu và hơn 500 tập phim truyền hình. Trong đó có những vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem: Chu Phác Viên trong Lôi vũ, ông Năm trong Dạ cổ hoài lang, đại tá Luchianov trong Đêm họa mi... Đặc biệt với cách diễn hài tưng tửng nhưng lại gây... xúc động với vai Tư Liều trong vở Tốt xấu giả thật, anh đã nhận được giải thưởng Cù nèo vàng 2011 của báo Tuổi Trẻ Cười do các nhà báo của mảng văn hóa văn nghệ bầu chọn.

Hiện nay NSƯT Việt Anh đang giữ chức phó giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B. Bằng những kinh nghiệm trên sàn diễn của bản thân, anh cũng là người dìu dắt, hướng dẫn các diễn viên trẻ trong Câu lạc bộ diễn viên trẻ của Nhà hát 5B nhằm giúp họ phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Anh cũng chuyên nhận các vai phụ để làm dàn bao tạo đất diễn và cơ hội cho các diễn viên trẻ làm nghề và rèn nghề. Bằng chính trải nghiệm từ cuộc đời mình, ông thầy Việt Anh vẫn thường nói với các học trò của mình rằng phải diễn sao cho thật bởi sân khấu không chấp nhận những điều giả, và cũng phải sống sao cho ra sống, đừng để lỡ bước rồi mới tiếc nuối.

H.O.

LÊ CHÍ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên