Phóng to |
"Thủ lĩnh" Ngọc Trai (giữa, hàng đứng) cùng đoàn đại diện Tổ chức Người cao tuổi quốc tế thăm một cụ già cô đơn ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng |
Người “thủ lĩnh” tuổi 74
Tác phong của bà “rất thanh niên”: cởi mở, nhiệt tình và... khỏe. Ở tuổi 74 mà bà vẫn đi khắp trong Nam ngoài Bắc để nhân rộng các mô hình, dự án hỗ trợ người già. Thậm chí 15 năm qua bà cũng đã đi cả chục nước Á, Âu để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.
Năm 1991, nhà báo Ngọc Trai công tác ở báo Văn Nghệ. Mặc dù còn sức khỏe và cơ quan vẫn muốn giữ lại tiếp tục công tác nhưng bà bảo: “Đã cống hiến cho công việc vượt ngưỡng rồi (lúc ấy bà 57 tuổi). Tôi nghĩ mình còn cần phải làm một việc gì đó cho xã hội nữa”. Nghĩ là làm, bà đã đứng ra thành lập, tổ chức và bảo trợ cho một trong những tổ “bán báo xa mẹ” đầu tiên của Hà Nội.
Xã hội càng phát triển, người già càng thiếu thốn tình cảm và số người già cô đơn, không nơi nương tựa có xu hướng tăng lên. Bà đã “khai sinh” RECAS (ngày 1-10-1991) từ thực tế đó. Trên cương vị “thủ lĩnh” RECAS, bà đứng ra xúc tiến hàng loạt dự án trợ giúp người cao tuổi. Một trong những mô hình có tiếng vang nhất của RECAS là “Trung tâm chăm sóc người cao tuổi tại nhà”.
Đối tượng trợ giúp chính của mô hình này: những người già cô đơn, không nơi nương tựa. Tình nguyện viên (TNV) của chương trình là tất cả những ai có điều kiện và đăng ký tham gia từ sáu tháng trở lên ngay tại địa phương. Hiện mô hình này đã triển khai ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre…
Quận Đống Đa, Hà Nội - địa bàn đầu tiên phổ biến mô hình này - đến nay đã có mạng lưới hơn 60 TNV, toàn bộ 24 phường của quận đều có những người già gặp khó khăn được chăm sóc. Ở xã An Lạc (huyện Chí Linh, Hải Dương), TNV nhiều gấp mấy lần người cao tuổi cần giúp đỡ, thậm chí có nơi cả xóm rủ đi làm TNV khi bà con, thanh thiếu nhi hiểu được bản chất nhân văn của RECAS.
Nhớ lại những ngày đầu gây dựng trung tâm, “thủ lĩnh” Ngọc Trai cho biết: “Tôi phải mở một quán ăn Huế tại số 6 phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) để lấy kinh phí cho văn phòng trung tâm hoạt động vì tôi vốn là người gốc Huế. Ngày ấy tất cả TNV RECAS đều không có lương, nhưng ai cũng rất hăng say”.
“Những người bạn già đang cần tôi!”
Giám đốc Ngọc Trai tâm sự: “Mỗi câu chuyện xúc động của những người bạn già để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Những người bạn già ấy còn cần tôi nên tôi phải tiếp tục thôi”.
Phường Phương Liên (quận Đống Đa) có nhiều cụ già cô đơn đi ăn xin, có cụ còn bị bệnh tâm thần. TNV lúc đầu không thể tiếp cận những cụ này vì cứ đến thăm, cho quà là bị… đuổi đánh. Lúc ấy, bà cử nhân viên có kinh nghiệm của mình xuống tận nơi nấu cơm, quét dọn, tắm rửa cho cụ cả tháng trời đến khi quen rồi mới bàn giao lại cho TNV ở cơ sở.
Đến thăm ông Phạm Duy Nghĩa (73 tuổi) từng đi ăn xin, chúng tôi thấy ông cụ có vẻ rất mạnh khỏe, vui vẻ. Nhà cụ đã có giường tủ và một chiếc tivi nho nhỏ. Tất cả là nhờ giám đốc Ngọc Trai và TNV RECAS. Một ông cụ tên Đường ở quận Hoàn Kiếm từng có ý định tự tử đến hai lần vì mâu thuẫn với con cái.
Nghe được chuyện, đích thân giám đốc Ngọc Trai đã đứng ra làm người hòa giải mâu thuẫn gia đình. Các nhân viên RECAS đưa cụ đi an dưỡng một thời gian để lấy lại tinh thần. Trong một lần giám đốc Ngọc Trai đến thăm, cụ Đường rưng rưng nước mắt: “Chỉ khi gặp bà tôi mới thấy mình còn yêu đời và muốn sống thêm. RECAS tình người lắm!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận