24/12/2013 05:21 GMT+7

Viêm xoang, khi nào cần mổ?

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Viêm xoang khiến người bệnh phải khổ sở. Nhưng mổ không phải là giải pháp trị dứt điểm như nhiều người lầm tưởng nếu không đúng căn nguyên.

Phòng ngừa bệnh viêm mũi xoang

yZxMcHRr.jpgPhóng to
Một ca phẫu thuật nội soi mũi xoang nhờ định vị 3 chiều IGS tại Bệnh viện Tai mũi họng - Ảnh: ThS.BS Hảo Hớn

Chị N.T.T.T. (43 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Tôi bị viêm xoang từ năm 2000. Một bác sĩ ở bệnh viện tại Q.10 nói tôi bị vẹo vách ngăn phải mổ mới hết. Sau mổ, bệnh tôi tái phát. Đến Bệnh viện Tai mũi họng bác sĩ bảo trường hợp của tôi không cần mổ. Đi bấm huyệt tôi lại nghe nói bị viêm xoang mổ rồi thì chữa đông y rất khó”.

Đông y: ưu tiên điều trị nội khoa trước

Mang câu chuyện của chị T. đến gặp bác sĩ Lê Hùng, chủ tịch Hội Đông y TP.HCM, ông cho biết những bệnh nhân bị viêm xoang giai đoạn đầu bệnh còn nhẹ nên điều trị tích cực bằng nội khoa, đồng thời kết hợp với thay đổi lối sống, cách ăn uống, cách làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc trong phòng có máy lạnh (đặt chế độ quá lạnh) hoặc những nơi quá ô nhiễm (khói bụi, chất gây dị ứng...) và thay đổi những thói quen xấu như uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá. Ở giai đoạn này, việc áp dụng y học cổ truyền bằng những phương pháp không dùng thuốc (châm cứu, chườm thuốc, day bấm huyệt...) hoặc kết hợp với phương pháp dùng thuốc (dược thảo) sẽ có kết quả tốt. Khi đã nặng hơn thì sự phối hợp nhiều phương pháp nội khoa (tây y và đông y) để điều trị là cần thiết. Phẫu thuật chỉ được đặt ra khi vượt quá khả năng điều trị nội khoa.

Với viêm xoang mãn tính do viêm tủy răng, do nấm, do polyp Killian hoặc các bất thường GPH (vẹo vách ngăn, bóng khí cuốn mũi giữa - concha bullosa), bệnh nhân phải phẫu thuật và sẽ hết ngay sau một lần mổ. Còn viêm xoang mãn tính do bệnh lý niêm mạc (như viêm mũi dị ứng, bệnh lý cystic fibrosis) thì mổ kết quả sẽ có hạn chế. Ngoài ra, nếu vì nguyên nhân nào đó làm cho hệ thống niêm mạc - lông chuyển mũi hoạt động yếu thì khi mổ kết quả cũng không hoàn toàn như ý.

ThS.BS Lê Trần Quang Minh

Trả lời câu hỏi trường hợp nào nên phẫu thuật, ở góc độ đông y, bác sĩ Lê Hùng nhấn mạnh: “Hiện bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền phải có kiến thức của tây y. Bệnh nhân có thể được chụp X-quang hay CT hoặc một số kỹ thuật hiện đại khác để xem bị viêm xoang do nguyên nhân gì, tình trạng nặng, nhẹ hay vừa. Sau khi có hai chẩn đoán trên, thầy thuốc sẽ quyết định: nếu viêm xoang nặng, ứ mủ bên trong, sốt, đau đớn phải xử trí bằng y học hiện đại. Những trường hợp chưa cần thiết phải phẫu thuật thì ưu tiên điều trị nội khoa, có thể sử dụng nội khoa y học cổ truyền đơn thuần hay kết hợp với nội khoa của tây y cùng với thay đổi lối sống”.

Bác sĩ Trần Văn Năm (phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM) cũng cùng quan điểm trên: “Viêm xoang có chỉ định mổ khi điều trị nội khoa kéo dài nhưng không cải thiện”. Bác sĩ Trần Văn Năm khẳng định: “Sau khi phẫu thuật không phải bệnh sẽ khỏi hoàn toàn, ngược lại bệnh sẽ tái phát khi có yếu tố thuận lợi”. Cả bác sĩ Lê Hùng và bác sĩ Trần Văn Năm đều cho rằng bệnh viêm xoang còn nhẹ và vừa chưa cần thiết phẫu thuật thì nên điều trị nội khoa.

Tây y: phải có chẩn đoán chính xác

TS.BS Trần Phan Chung Thủy (tân giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, nguyên trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Chợ Rẫy) khẳng định: “Không phải bệnh nhân nào cũng được mổ”. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy nơi TS Thủy từng công tác, số bệnh nhân phải phẫu thuật chiếm tỉ lệ ít, chủ yếu là điều trị nội khoa (hơn 70%). Theo TS Thủy, viêm xoang cấp tính không bao giờ phải mổ, trừ trường hợp biến chứng. Chỉ phẫu thuật trong trường hợp viêm xoang mãn tính và bị tắc nghẽn những lỗ thông mũi xoang do thịt dư, do cấu trúc bất thường của xoang, mỏ móc trong xoang quá lớn, do vẹo vách ngăn, polyp mũi, các lỗ thông mũi xoang quá nhỏ, nấm xoang, lỗ thông mũi xoang đôi... Ngoài ra, nếu viêm xoang do nấm, bị tắc nghẽn cơ học của mũi xoang mà không mổ sẽ càng ngày càng nặng vì có những biến chứng (viêm tấy ở mắt, giảm thị lực, ápxe quanh ổ mắt, mù mắt, viêm màng não)...

ThS.BS Lê Trần Quang Minh (phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM) cho biết viêm xoang cấp và bán cấp điều trị nội khoa tích cực 14-21 ngày sẽ ổn định, nhưng nếu có biến chứng (biến chứng vào ổ mắt) thì phải mổ. TS.BS Chung Thủy và

ThS.BS Quang Minh cũng khẳng định: nếu mổ xoang sớm thì tác hại lớn nhất là phá vỡ hệ thống cấu trúc giải phẫu vốn đang tương đối bình thường của hệ thống mũi xoang. “Niêm mạc còn tương đối bình thường mới chỉ qua một đợt viêm nhẹ mà đã mổ sẽ ảnh hưởng chức năng sinh lý của mũi” - ThS.BS Minh nói.

Nhìn ở góc độ đông y, nếu tình trạng bệnh còn nhẹ hoặc không cần thiết phải mổ mà vẫn mổ sẽ phá hỏng những tổ chức mũi xoang. Sau mỗi lần mổ, cơ thể sẽ yếu dần do sức đề kháng giảm. Điều này giải thích tại sao dù đã phẫu thuật nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại càng khó điều trị.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên