Vì sao bị viêm mũi dị ứng?
- Cơ địa nhạy cảm: yếu tố di truyền (có người nhà bố hoặc mẹ bị dị ứng).
- Do tiếp xúc với dị nguyên.
- Yếu tố nhiễm trùng: ổ nhiễm trùng họng, miệng, răng, lợi…
- Yếu tố môi trường khí hậu: thay đổi thời tiết đột ngột kích thích niêm mạc mũi tạo điều kiện cho viêm mũi dị ứng xuất hiện.
- Yếu tố về cấu trúc giải phẫu: vẹo, gai vách ngăn mũi kích thích làm bệnh phát sinh.
Sự xuất hiện phản ứng dị ứng xảy ra theo 2 giai đoạn :
1. Giai đoạn sớm: ngay sau khi tiếp xúc dị ứng nguyên.
2. Giai đoạn muộn: 3-11 giờ sau tiếp xúc dị ứng nguyên và kéo dài nhiều ngày.
Sự tiếp xúc dị ứng nguyên liên tục gây tình trạng viêm mạn tính với độ trầm trọng có thể tăng dần, kết hợp với sự tăng nhạy cảm của mũi.
Tùy theo các yếu tố gây dị ứng, Tổ chức Y tế Thế giới phân loại viêm mũi dị ứng theo các dạng:
- Viêm mũi dị ứng theo mùa: xuất hiện theo chu kỳ trong năm. Bệnh xuất hiện phụ thuộc vào chỉ số phấn hoa và bụi nấm mốc trong không khí.
- Viêm mũi dị ứng quanh năm: không xuất hiện theo mùa, không theo chu kỳ. Các cơn viêm mũi dị ứng xảy ra bất kỳ, dị nguyên thường là nấm mốc, bụi nhà, lông thú vật, thức ăn, liên quan đến vi khuẩn và ký sinh trùng.
- Viêm mũi dị ứng liên quan đến nghề nghiệp: thường gặp ở một số nghề như uốn tóc, làm bánh, bụi phấn, bụi gỗ, bụi vải, xay xát lúa gạo, …
Triệu chứng viêm mũi dị ứng
Cơn dị ứng đến đột ngột và hết rất nhanh:
- Toàn thân: không có gì đặc biệt.
- Triệu chứng: có 4 triệu chứng chính là ngứa mũi mắt, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong nhiều.
- Khám tại chỗ: niêm mạc hốc mũi nhợt nhạt, cuốn mũi phù nề, có các đám nhỏ màu tím.
Viêm mũi dị ứng nằm trong nhóm bệnh dị ứng, có thể xuất hiện riêng rẽ hoặc phối hợp với hen, nổi mề đay, chàm da…
Viêm mũi dị ứng thường khởi phát đột ngột, bệnh nhân bị ngứa ở mũi, cổ, mắt, da ống tai ngoài, tiếp theo là cơn hắt hơi liên tục, kèm nghẹt mũi và chảy dịch trong.
Ở trẻ em có khi không có hắt hơi, mà chỉ có nghẹt mũi và chảy nước mũi trong, thường kèm theo các triệu chứng về tiêu hóa như trướng bụng, tiêu chảy.
Ở người cao tuổi chỉ có thể chảy nước mũi trong.
Các phương pháp điều trị
- Tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên:
• Không tiếp xúc hoặc hạn chế tiếp xúc với phấn hoa đối với người dị ứng phấn hoa.
• Không nuôi chó, mèo nếu dị ứng với lông thú, diệt chuột, chống nấm mốc, giữ nhà và nơi làm việc khô sạch, thoáng khí…
• Khi ra đường đeo khẩu trang để hạn chế tiếp xúc khói bụi, khói thuốc lá...
• Tránh tiếp xúc với các chất kích thích dị ứng như: khói xe, khói thuốc lá, nước hoa, dầu xịt, nhang muỗi và các chất nặng mùi khác...
• Không ăn những thức ăn có thể gây dị ứng, nổi mề đay
• Dị ứng nghề nghiệp: tránh các tác nhân gây dị ứng, sử dụng khẩu trang, mặt nạ, bảo hộ lao động...
- Dùng thuốc: Khi dùng thuốc phải lưu ý, nếu viêm mũi do virus kéo dài hơn 7 ngày kèm sốt, chảy mũi đặc hôi, viêm thanh quản, ho cơn, đau đầu - mặt thì phải đi khám bác sĩ Tai Mũi Họng vì người bệnh có thể tiến triển đến viêm mũi xoang nhiễm trùng; chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm trùng và có chỉ định của bác sĩ; cần chọn các loại thuốc chống dị ứng ít có tác dụng phụ nhất.
- Dùng nước muối sinh lý thường xuyên để rửa mũi. Cách rửa mũi:
+ Pha dung dịch nước muối sinh lý: 2 muỗng café muối trong 1 lít nước ấm.
+ Tư thế đầu cúi ra phía trước thấp hơn ngực.
+ Dùng lọ nhựa sạch nhỏ nước muối vào trong hốc mũi rồi xì mũi sạch.
+ Lặp lại nhiều lần cho đến khi thấy dễ chịu trong mũi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận