14/04/2018 11:17 GMT+7

Viêm mi - bệnh gây khó chịu

Nguồn: Bệnh viện Mắt Trung ương (Bộ Y tế)
Nguồn: Bệnh viện Mắt Trung ương (Bộ Y tế)

Viêm mi mắt là căn bệnh khá phổ biến với người trên 50 tuổi. 80% trong số họ là nữ giới.

Viêm mi - bệnh gây khó chịu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: theayurveda.org

Cho đến thời điểm hiện tại viêm mi vẫn là căn bệnh mạn tính khó điều trị tiệt căn, đòi hỏi người bệnh phải "chung sống hòa bình". Tuy nhiên mỗi khi bạn có những triệu chứng như giảm thị lực, đau nhức mắt, chói mắt, ngứa cộm,... nên đi khám mắt càng sớm càng tốt.

Muốn có một cuộc sống tương đối bình thường khi mắc viêm mi, bệnh nhân phải trang bị kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc mình bên cạnh những chăm sóc y tế.

Triệu chứng

Triệu chứng chủ quan có thể giống nhiều bệnh khác nhưng nhìn chung là:

- Cảm giác ngứa, cộm, hay gãi mi.

- Lông mi rụng nhiều.

- Các triệu chứng của khô mắt: cộm, rát, vãi nước mắt, hay nhắm mắt.

Khi thăm khám dưới máy sinh hiển vi khám bệnh, các bác sĩ sẽ chú ý truy tìm các dấu hiệu sau đây:

- Bờ mi dầy, đỏ.

- Phình giãn mạch ở bờ mi.

- Các mụn nước nhỏ ở mi.

- Các lỗ tuyến bờ mi bị tắc tạo thành các mụn nhỏ.

- Hiện tượng tăng tiết bã nhờn của da và tuyến sụn mi (mobeimius).

- Biểu hiện tắc của các lỗ đổ ra bờ mi của tuyến sụn mi: ứ đọng chất tiết ở lỗ tuyến, chảy dịch khi ấn đè.

Trong mối liên quan nhân - quả đến các mô xung quanh các bệnh lý sau đây có thể có trước hoặc sau các dấu hiệu kể trên:

- Bệnh viêm kết giác mạc sicca.

- Bệnh trứng cá đỏ.

- Hội chứng khô mắt.

- Chắp, lẹo.

- Viêm giác mạc.

Nguyên nhân

Ô nhiễm môi trường đáng báo động, các rối loạn hoóc-môn và dùng hoóc môn thay thế khá phổ biến, dùng thuốc và mỹ phẩm bừa bãi, nằm viện lâu ngày... đều là những nguy cơ khả dĩ hình thành nên căn bệnh này. 

Những vi sinh vật gây bệnh không phải ở xa tới mà trú ngụ ngay trên da mi, các lỗ chân lông mi. Trong nhóm vi khuẩn phải kể đến liên cầu sống trên da, tụ cầu vàng. 

Ký sinh trùng gây bệnh đã được biết đến từ những năm 50 của thể kỷ trước là Demodex và một số loại nấm. Virus Herpes gây bệnh trên nhóm khả năng miễn dịch kém, người già, người nằm viện dài ngày. 

Cần nhấn mạnh là chính tình trạng phim nước mắt hay tình trạng khô mắt, nồng độ hoóc-môn sinh dục nữ, tình trạng của da hay bệnh lý của da đang mắc sẽ quyết định bệnh nhân có bị viêm mi hay không và khả năng kiểm soát nó nữa.

Ngành nhãn khoa không chỉ phải đương đầu với các căn bệnh gây mù mà còn vô số căn bệnh gây khó chịu cho hàng triệu triệu người. Viêm mi là một ví dụ điển hình. 

Trong căn bệnh này phần thắng không phải là các bác sĩ và đơn thuốc của họ. Muốn có một cuộc sống tương đối bình thường khi mắc viêm mi đòi hỏi bệnh nhân phải tự chăm sóc mình bên cạnh những chăm sóc y tế.

Đơn thuốc của bác sĩ nhãn khoa

Ngoài những thuốc tra nhỏ tại mắt, các bác sĩ mắt có thể kê thêm thuốc uống là Doxycycline liều 100mg/ngày hay Tetracycline 1000mg/ngày trong 2 đến 6 tuần. Cần lưu ý Tetracycline không dùng được cho trẻ dưới 10 tuổi và có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Viêm dạ dày, viêm da do nắng, viêm âm đạo. 

Do vậy một số tác giả khác chọn kháng sinh nhóm Macrolide là Erythromicin hay Azithromycine liều 500mg/ngày trong 1 tuần. Kháng sinh đường uống có thể dừng lại, ngắt quãng hay kéo dài tùy thuộc vào tình trạng viêm mi của bệnh nhân cũng như khả năng đáp ứng với điều trị. Ivermectin là một biệt dược được cho là có thể diệt được Demodex, loại ký sinh trùng gây viêm mi chủ yếu cho người trên 50 tuổi (60-80%), khi có đơn của bác sĩ mắt bạn mới nên dùng.

Các thuốc tra nhỏ tại chỗ chủ yếu là thuốc mỡ tra mắt có hoạt chất là Bacitracin, Erythromycine hoặc Metronidazol. Có thể tra 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ hay thêm một lần nữa vào giờ ngủ trưa, kéo dài 1 đến 3 tuần. Mỡ tra mắt có Dexamethasone kết hợp với Tobramycin được cho là có khả năng giảm nhẹ các triệu chứng của viêm mi khá tốt.

Các thuốc chống viêm dòng steroid và điều hòa miễn dịch như Cycloporine cũng có thể sử dụng nhưng chỉ khi có đơn thuốc và ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa.

Thực phẩm chức năng và chăm sóc bổ sung

Đây chính là phần việc của bệnh nhân và là phần quan trọng nhất. Bởi lẽ không bác sĩ mắt nào dám nói có thể chữa khỏi viêm mi cho bạn 100%. Do vậy bạn phải tự chăm sóc cho mình để có được cảm giác khỏi hay gần khỏi bệnh.

Vệ sinh mắt rất quan trọng: Bệnh nhân cần được hướng dẫn để lật mi theo chiều đứng để vệ sinh và massage mi. Ở tư thế trên các lỗ tuyến sụn mi sẽ được bộc lộ, ta sẽ lau chùi mi từ bên này sang bên kia để loại trừ các vảy bám. 

Kết thúc quá trình vệ sinh sẽ là công việc rửa lông mi bằng 1 giọt dầu gội trẻ em hay các dung dịch rửa mắt có trên thị trường. Mới đây một nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân đã chứng minh dầu bệnh nhân vệ sinh mi mắt bằng dầu gội chứa 5% tinh chất trà xanh trong 6 tuần làm lui giảm các triệu chứng của viêm mi rất tốt, đặc biệt là với viêm mi do Demodex. 

Ta có thể dùng tăm bông, miếng gạc hay chính các ngón tay để làm công việc này. Việc lau chùi cần làm hàng ngày cho đến khi thấy không còn khó chịu gì. 

Cần lưu ý là việc vệ sinh mi có thể gây nguy hiểm cho mắt nếu không tuân thủ qui trình và dùng dụng cụ thích hợp. Bạn nên đề nghị các bác sĩ hướng dẫn tường tận thủ thuật này. Đa phần các triệu chứng của viêm mi sẽ giảm trông thấy sau một thời gian vệ sinh mi và massage mi.

Chườm mi là một động tác nữa bổ sung rất tốt cho các liệu pháp tổng thể điều trị viêm mi. Ta có thể dùng khăn, gạc, các túi gel được sản xuất riêng cho việc này cho vào nước ấm hay lò vi sóng nâng nhiệt độ lên. 

Sau đó chườm vài phút vào mi mắt. Phương pháp này làm bệnh nhân có cảm giác dễ chịu, các lỗ tuyến ở mi được giãn nở và giải phóng cặn bã, đóng góp vào kết quả điều trị viêm mi. Chườm mi nên được làm thường hàng ngày và lâu dài. Sau đó có thể nhắc lại nếu các khó chịu lại tái diễn.

Acid béo omega 3, liều hơn 1 gram/ngày, dùng liên tục trong một năm được các nghiên cứu về dinh dưỡng cho là có tác dụng với viêm mi. Chất lượng phim nước mắt được cải thiện rõ nhờ tác động vào hệ thống tiết bã nhờn của mi chính là lý do của thành công này.

Bên cạnh tất cả những biện pháp trên người bệnh cũng nên cung cấp cho bác sĩ về thói quen dùng thuốc, sinh hoạt, dinh dưỡng... để hai bên cùng lập kế hoạch điều trị. Dùng Isotretinoin điều trị trứng cá, bơm xịt hen, khói thuốc lá đều có thể là nguyên nhân gây viêm mi, nếu dừng tiếp xúc bệnh sẽ hết.

Cho đến thời điểm hiện tại viêm mi vẫn là căn bệnh mạn tính khó điều trị tiệt căn, đòi hỏi người bệnh phải " chung sống hòa binh". Tuy nhiên mỗi khi bạn có những triệu chứng sau nên đi khám mắt càng sớm càng tốt:

- Giảm thị lực.

- Đau nhức mắt.

- Đỏ mắt nặng và xu hướng mạn tính.

- Chói mắt, chảy nước mắt.

- Bệnh có xu hướng tái phát theo chu kỳ.

- Trơ với phương pháp điều trị đang áp dụng.

Nguồn: Bệnh viện Mắt Trung ương (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên