06/01/2011 03:45 GMT+7

Việc cần làm và không nên làm

HUỲNH THẾ DU
HUỲNH THẾ DU

TT - Bất kỳ quốc gia nào muốn trở thành một nước phát triển cần phải đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước thường mắc sai lầm là tập trung quá nhiều vào mục tiêu tăng trưởng bằng cách tham gia trực tiếp và tích cực vào hầu hết các hoạt động kinh doanh.

Thực tiễn cho thấy trong các hoạt động kinh doanh (trừ những thất bại thị trường), chính phủ thường là người kinh doanh kém hiệu quả nhất do mâu thuẫn lợi ích giữa người sở hữu là chính phủ hay toàn dân và những người được giao điều hành doanh nghiệp nhà nước. Trong điều kiện quyền lớn nhưng trách nhiệm không rõ ràng, những người quản lý doanh nghiệp thường sử dụng tài sản của nhà nước không hiệu quả.

Vì thế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao và ổn định thì chính phủ nên làm điều ngược, tức là hạn chế tối đa việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh. Nhà nước chỉ nên tập trung ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh để người dân yên tâm bỏ vốn (tiền bạc, công sức, tài năng...) làm ăn nhằm đem lại sự giàu có cho mình và tạo ra nhiều của cải cho xã hội.

Khi mục tiêu ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh được coi trọng thì các nguồn lực trong xã hội được sử dụng hiệu quả, kéo theo tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Lúc đó, cái bánh kinh tế ngày một nở ra, nhà nước sẽ điều tiết cho người nghèo bằng các chính sách thuế và phúc lợi của mình. Nhà nước chỉ nên can thiệp vào các hoạt động mà ở đó có thất bại thị trường làm cho nguồn lực không được sử dụng tối ưu như y tế công cộng hay giáo dục chẳng hạn.

Bên cạnh đó cũng cần xây dựng lòng tin nơi người dân, nhà đầu tư. Kỳ vọng và niềm tin của công chúng là yếu tố then chốt quyết định các dòng chảy thị trường. Do chính phủ không có đủ nguồn lực và khả năng can thiệp trực tiếp để bắt thị trường theo ý của mình, nên cách thức tốt nhất là tác động và định hướng kỳ vọng của công chúng thông qua việc xây dựng niềm tin. Nếu công chúng tin vào nhà nước thì việc điều hành các chính sách sẽ dễ dàng hơn và sự đúng đắn của các chính sách sẽ tạo ra một niềm tin lớn hơn. Sự nhất quán trong các chính sách là yếu tố then chốt của niềm tin.

Các chính sách rõ ràng được thực hiện nhất quán sẽ giúp người dân có thể lường đoán được những xu hướng chính trong tương lai để chủ động trong công việc và kế hoạch của mình. Ngược lại, chính sách thất thường sẽ làm niềm tin bị mai một. Mọi người sẽ rơi vào vị trí phòng thủ và sẽ tối thiểu hóa rủi ro bằng cách chuyển hóa tiền vốn của mình vào những tài sản ít rủi ro, thay vì đưa chúng vào hoạt động kinh doanh để tối đa hóa giá trị như khi chính sách ổn định.

Tác động tiêu cực của sự bất nhất trong các chính sách như thế nào là có thể quan sát được. Do vậy, sự nhất quán trong các chính sách là điều vô cùng quan trọng. Hơn thế, chúng ta cần phải nhớ rằng chỉ có các chính sách đúng đắn và hợp lý mới có thể thực hiện một cách nhất quán.

Trên đây là những kinh nghiệm mà chúng ta có thể thực hiện để ổn định kinh tế vĩ mô nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững.

HUỲNH THẾ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên