11/07/2015 09:30 GMT+7

Vị Xuyên - Hát cho người còn sống

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Tháng 7, với những người Việt được coi như “mùa vọng” của người còn sống với người đã khuất. Ở mảnh đất Hà Giang địa đầu Tổ quốc, tháng 7 có một mùa vọng riêng của những cựu binh mặt trận Vị Xuyên.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải ôm đàn hát cùng các cựu chiến binh dưới chân đài hương, phía sau lưng là các điểm cao 685 (phải), 772 (trái) - Ảnh: NGỌC QUANG
Nhạc sĩ Trương Quý Hải ôm đàn hát cùng các cựu chiến binh dưới chân đài hương, phía sau lưng là các điểm cao 685 (phải), 772 (trái) - Ảnh: NGỌC QUANG

Mùa vọng hàng trăm đồng đội nằm lại trên những ngọn đồi đá Thanh Thủy...

Còn nhớ năm trước, kỷ niệm 30 năm ngày “giỗ trận” của những người lính Vị Xuyên (12-7-1984 - 12-7-2014), đêm trước khi diễn ra sự kiện dâng hương ở nghĩa trang Vị Xuyên, nhạc sĩ Trương Quý Hải - một cựu chiến binh của F356 - nói rằng 5g sáng ngày mai anh sẽ theo một nhóm cựu binh từ miền Nam ra để lên “đài hương” trên điểm cao 486 làm lễ tưởng niệm đồng đội.

Đài hương thật ra là một cái am nhỏ được xây nên trên một mái đồi được san phẳng một góc, đủ rộng để đặt bình hương và đĩa hoa quả.

Nhưng thật bất ngờ khi dưới chân đài hương là dấu tích một căn hầm của 30 năm trước, một căn hầm chữ A được lắp ghép bằng những thanh bêtông cốt thép đúc sẵn hình vòng cung. Căn hầm bé nhỏ ấy từng là chỉ huy sở của trung đoàn trong trận đánh tổng lực ngày 12-7-1984.

Thì thầm từ Hà Giang
Clip: TVO

 

“Đồng đội ơi còn sống về đi!”

Sau phút dâng hương, những người lính đã ngồi bệt xuống khoảng sân quanh đài hương và cất tiếng hát, cây ghita trên tay Trương Quý Hải bập bùng những âm giai rất lính. Không chỉ có ca khúc Về đây đồng đội ơi (đã trở thành khúc tưởng niệm của những cựu binh mặt trận Vị Xuyên dành cho anh em còn nằm lại nơi biên ải) như bao lần anh đã hát, lần trở lại này có thêm một ca khúc mới để tặng những đồng đội còn sống.

“Một lần Phạm Ngọc Quyền, cựu binh trung đoàn 876 của sư 356, nói với tôi: “Hải ơi, mình sống đây là sống phần đời của mình và phần đời bạn bè tặng cho mình”. Câu nói của Quyền khiến tôi như ngộ ra. Mình viết Về đây đồng đội ơi là viết cho người ngã xuống, sao không viết điều gì đó tâm nguyện của người ngã xuống dành cho đồng đội còn sống như mình?" 

"Ngày đó, trong câu chuyện của lính trẻ giữa hai trận đánh bao giờ cũng là quê hương, bố mẹ và oách nhất chưa chắc đã là thủ trưởng mà là đứa nào có... em gái ở quê. Vậy rồi hẹn hò ngày hòa bình trở về, ghé thăm nhau, hứa hẹn gả em gái ở nhà cho đồng đội. Những ký ức ấy làm nên hình hài một ca khúc mới Hát cho người còn sống. Đó là lời dặn dò của người đang nằm lại trong những nấm mồ nghĩa trang hay đang nằm đâu đó trên những sườn núi đá, da diết và quặn đau:

Biên cương đã sạch bóng thù, đồng đội ơi còn sống về đi!/Trở về mái ấm quê hương, tiện đường ghé thăm nhà tôi/

Nhà tôi góc phố, nhà tôi cuối làng/Tôi biển cát trắng, tôi xóm bên song/

Mẹ hay nước mắt, cha thường lặng lẽ/Em tôi ngoan lắm, trăng non tóc thề

Thay tôi tạ lỗi cha mẹ, đạo làm con hiếu trung dở dang/Nặng tình non nước lên đường, ngày về khói hương đoàn viên...”.

Sương sớm vẫn chưa tan hết trên những sườn núi đá, những điểm cao khét lẹt đạn bom và thấm máu người lính năm nào vẫn yên ắng đến lạ lùng, chỉ có tiếng hát vang lên, không phải Trương Quý Hải đang cất lời ca mà dường như linh hồn những người lính trên các điểm cao đang ghé về bên ngôi am nhỏ nghi ngút khói nhang cùng hát, bởi lời ca ấy chính là tâm sự của những người lính ngã xuống lúc tuổi đời rất trẻ.

Mong một tháp chuông...

Chúng tôi đã lặng người khi nhìn lên triền núi lởm chởm đá vôi đá tai mèo của các cao điểm 685, 772, 1509... Nhiều cựu binh bảo hồi đánh Thành cổ Quảng Trị, tuy khốc liệt nhưng vẫn có bờ thành để ẩn nấp, còn đánh trên các điểm cao này đá cứng lắm không thể đào công sự, người lính trần thân trên đá, quật cường xông lên và hi sinh.

Nhìn những làn khói nhang từ đài hương cứ bay vấn vít về những mái đồi đá của các cao điểm, bỗng ước gì ngay trên điểm cao 486 này có một tháp chuông được dựng lên, tiếng chuông quê nhà, như tiếng chuông chùa sẽ vang vọng vào vách đá, gọi hồn những người lính nương theo tiếng chuông để về đây ấm áp linh hồn.

Giữa bạt ngàn đồi đá và ma trận mìn như khu vực này, chuyện tìm cho hết hài cốt anh em liệt sĩ chắc là khó có thể quy tập đầy đủ. Nhưng máu xương các anh đổ xuống để giữ vẹn nguyên cõi bờ không thể tưởng nhớ với một đài hương nho nhỏ khiêm cung như thế này.

Một tháp chuông để tưởng niệm linh hồn những người lính trẻ của mặt trận Vị Xuyên chắc không phải là điều gì quá lớn lao, vì máu xương và tuổi trẻ hi sinh cho Tổ quốc có giá nào tính được!

Và xa hơn, hãy nghĩ tới việc đưa hang Làng Lò, căn hầm bêtông dưới cao điểm 486, những điểm cao 685, 772, 1509... cả những tượng đài nữa, tất cả sẽ phải là một khu di tích lịch sử được gìn giữ và tôn tạo trước khi bị thời gian làm cho hoang phế.

Mời bạn đọc xem phim tài liệu Thì thầm từ Hà Giang

Tròn một năm trước, ngày 11-7, Tỉnh đoàn Hà Giang, Bộ tư lệnh biên phòng và cựu chiến binh sư đoàn 356 tổ chức lễ tưởng niệm hơn 1.000 chiến sĩ đã nằm lại trên mảnh đất Vị Xuyên để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Nhiều chiến sĩ còn rất trẻ đã nằm lại trên mảnh đất này chính ở những vị trí chiến đấu của họ... và không tìm được xương cốt. Những người lính sư đoàn 356 đã lặng lẽ nhiều ngày tìm thi thể đồng đội.

Hơn 30 năm, TP Hà Giang không ngừng phát triển, trù phú hơn... đã làm mờ đi vết tích của cuộc chiến. Nhưng đến Hà Giang vẫn như nghe lời thì thầm của đất, của đá, của từng ngọn cây, vạt cỏ về máu xương của những con người đã thấm vào mảnh đất này...

Đây cũng là nội dung của phim tài liệu Thì thầm từ Hà Giang do phòng truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện sẽ phát trên trang tv.tuoitre.vn lúc 18g ngày 11-7. (Đạo diễn và viết lời bình: nhà báo Hoài Lê). Mời bạn đọc đón xem.

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên