Có nên xác định tuổi thành niên là 16?Nên xác định tuổi thành niên là 16
Phóng to |
Gia tăng tội phạm vị thành niên
Theo báo cáo của Chính phủ, hằng năm có đến 16.000-18.000 trẻ em chưa thành niên phạm tội, chiếm 15-18% tội phạm. Chẳng hạn trong 5 năm (2007 – 2012), các lực lượng công an đã điều tra hơn 49.000 vụ phạm pháp hình sự với gần 76.000 đối tượng chưa thành niên phạm pháp. Và chỉ riêng trong năm nay, trong số 122.277 bị can bị khởi tố có 9.904 bị can dưới 18 tuổi, chiếm 8,1%, tăng 7,4% so với năm 2011.
Điều đặc biệt là hơn 65% vụ phạm pháp của người chưa thành niên có sử dụng vũ khí nóng hoặc hung khí; và ngày càng có nhiều loại tội phạm kinh tế, nhất là tội phạm công nghệ cao; phương thức và thủ đoạn của loại tội phạm này cũng hết sức nguy hiểm, tinh vi, nhiều vụ rất dã man và mất hết tính người. Chẳng hạn, vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang mà hung thủ Lê Văn Luyện chưa đến 18 tuổi đã trở thành sự cảnh báo điển hình về sự gia tăng tỉ lệ phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên tại Việt Nam.
Thực tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người vị thành niên tại Việt Nam phạm tội là do hệ thống pháp luật của nước ta chưa đồng bộ, nhiều kẽ hở và chưa sát với thực tế. Điều này gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật dẫn đến hiệu quả, hiệu lực phòng chống tội phạm chưa cao, chưa đủ sức răn đe với các loại tội phạm, nhất là tội phạm vị thành niên. Chính vì thực trạng đó, trong buổi thảo luận về công tác phòng chống tội phạm ngày 1-11, thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ, đại biểu tỉnh Vĩnh Long, đã đề xuất hạ tuổi vị thành niên từ 18 tuổi xuống 16 tuổi.
“Tôi cho rằng xử lý bài toán phải cởi mở cả hai phía. Một mặt là thừa nhận sự trưởng thành vượt bậc năng lực hành vi và chấp nhận mở rộng hành lang pháp lý với các em. Thừa nhận 16 tuổi là người thành niên để các em có nhiều quyền năng, hành động và tham gia thật sự giải quyết các quan hệ xã hội” - đại biểu tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh.
Như vậy Nhà nước và các cơ quan ban hành pháp luật nên sớm nắm bắt được các nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên để có phương án sửa đổi, bổ sung các đạo luật cho phù hợp. Và các hình phạt cũng phải đủ sức răn đe để phòng ngừa hữu hiệu các loại tội phạm chung, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc trẻ hóa tội phạm với tính chất phức tạp, nguy hiểm ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây.
Nguyên nhân cơ bản
Nếu xét về mặt luật pháp thì độ tuổi vị thành niên ở nước ta là dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, trên thế giới mức độ vi phạm pháp luật ở lứa tuổi này thường không cao và cũng ít gây nên những hậu quả nghiêm trọng về tài sản và nhân mạng. Theo phân tích của Viện Khoa học pháp lý, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thì trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật là do các em chịu hoàn cảnh gia đình nghèo, có học vấn thấp, cha mẹ thiếu quan tâm, bạo hành gia đình, thiếu khả năng chịu đựng để vượt qua vấn đề của mình, bị bạn bè lôi kéo.
Trên thực tế những nguyên nhân do của Viện Khoa học pháp lý, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) có phần trùng khớp, có phần chưa trùng khớp với thực tiễn tình hình tại Việt Nam. Chẳng hạn, số liệu Bộ Giáo dục - đào tạo thông báo cho báo chí (từ cơ quan công an) cho thấy hiện có tới gần 20.000 đối tượng thanh thiếu niên bỏ học, sống lang thang, bụi đời tại Việt Nam. Số thanh thiếu niên này đã liên kết thành các băng nhóm sử dụng ma túy, gây ra nhiều vụ đánh nhau, gây rối trật tự xã hội, cướp tài sản... với xu hướng ngày một gia tăng. Theo tổng hợp các báo cáo chính thức từ các địa phương cho thấy hơn 30% trẻ vị thành niên đã bỏ học trước khi phạm tội, tỉ lệ tái phạm lên tới 35%, cao hơn nhiều so với chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, theo một kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục Việt Nam cho thấy tỉ lệ học sinh nói dối cha mẹ ở bậc tiểu học là 22%, THCS 50%, THPT 64%. Như vậy, khác với các nước trên thế giới, vị thành niên Việt Nam có xu hướng phạm tội ngày một tăng là do các em bị ảnh hưởng bởi lối giáo dục không đúng đắn từ một xã hội có dấu hiệu xuống cấp về mặt đạo đức. Nói về điều này, GS Hoàng Tụy đã từng cảnh báo thẳng thắn rằng: “Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành “nỗi nhục” trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối”.
Bên cạnh đó, so với thời kỳ trước hội nhập, hiện nay trẻ em Việt Nam đang phát triển nhanh hơn về mặt tâm sinh lý và khả năng tiếp nhận các thông tin. Điều kiện này khiến trẻ vị thành niên ở nước ta hiện nay thành “người lớn” sớm hơn. Bên cạnh đó, xã hội càng phát triển, các bậc cha mẹ và những người lớn tuổi trong gia đình không có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc trẻ vị thành niên, phần lớn các bậc phụ huynh đều có tâm lý chung là chuyển giao nghĩa vụ giáo dục con cái cho nhà trường và các thầy cô giáo. Nhưng như một nghịch lý, nhà trường và các thầy cô giáo hiện nay chỉ chú trọng đến việc giáo dục và chăm lo đến sự phát triển về tri thức. Vì thế việc giáo dục về nhân cách cho học sinh bị thiếu hụt một cách nghiêm trọng.
Chính vì vậy, hiện nay có rất nhiều trẻ vị thành niên đã mắc phải bệnh trầm cảm, nhiều em cảm thấy mình bị lạc lõng và bị bỏ rơi nên lao vào con đường nghiện game online, các trò chơi điện tử, các tệ nạn xã hội và các thú vui không lành mạnh khác với mục đích tìm các cảm giác lạ, tìm các niềm vui mới. Chẳng hạn, việc nghiện game online bạo lực tỏ ra ngày càng nguy hiểm. Trong thực tế đã có học sinh bị đột tử và tâm thần bên cạnh nhiều học sinh sa sút học hành vì game online bạo lực. Chưa dừng ở mức độ tác hại đó, game online bạo lực còn làm tha hóa đạo đức của một bộ phận giới trẻ Việt Nam đến mức tột cùng: bạn giết bạn, cháu giết ông bà, trò giết thầy và bắt cóc, tống tiền, thanh toán lẫn nhau.
Chỉ một vài dẫn chứng cũng đã cho chúng ta thấy việc giáo dục trẻ em trong gia đình và nhà trường đã bị coi nhẹ, dẫn tới hành vi ứng xử của các em trong trong cộng đồng bị xuống cấp về đạo đức. Và do đó, chỉ từ một mâu thuẫn rất nhỏ tác động đến các em cũng có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật đến mức nghiêm trọng.
Giải pháp nào hợp lý?
Do đó, bên cạnh việc sửa đổi lại độ tuổi vị thành niên để răn đe tội phạm, việc giáo dục kỹ năng sống mới cho giới trẻ cũng là điều cần phải lưu tâm. Bởi không những thực tiễn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật ngày một tăng mà các em còn có xu hướng tự làm hại bản thân vì thiếu kỹ năng sống. Chẳng hạn, mới đây một nữ sinh ở Quảng Ngãi đã cắt cổ tay để phản đối cô giáo, một học sinh khác ở TP.HCM đã uống thuốc tự tử vì đánh mất 600.000 đồng tiền quỹ lớp hay một lớp trưởng tại một trường THPT ở Mê Linh (Hà Nội) cũng để lại thư tuyệt mệnh trước khi uống thuốc tự tử vì làm mất 500.000 đồng tiền quỹ lớp.
PGS Văn Như Cương đã nhìn nhận: “Tôi từng đề nghị cắt 1/3 kiến thức phổ thông, như vậy có thể học 9 năm. Tuy nhiên, kỹ năng sống chúng ta đang thiếu. Thế nên phần này sẽ được đưa vào thế chỗ cho những kiến thức thừa, và học phổ thông vẫn 12 năm. Chúng ta phải có thời gian cho học sinh đi dã ngoại, rèn luyện, đi thực tế cuộc sống, tiếp xúc với thiên nhiên, cộng đồng. Điều này trước kia có làm nhưng không được duy trì”. Như vậy, chúng ta nên xem giáo dục kỹ năng sống là một biện pháp thường xuyên trong công tác phòng chống tội phạm vị thành niên. Và trước đó, những người lớn chúng ta cũng phải biết quan tâm, chăm sóc và động viên tinh thần cho các em, uốn nắn và khuyên răn các em về những điều hay lẽ phải.
Điều này đúng như đại tá Lê Đăng Khoa, phó chánh văn phòng thường trực phòng chống tội phạm và ma túy Bộ Công an, đã nhận định: “Để đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên, ngoài việc phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý giáo dục người vị thành niên cũng cần bài trừ văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy, góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh trong việc giáo dục người chưa thành niên. Bên cạnh đó phải kịp thời phát hiện và giúp đỡ các đối tượng vị thành niên có biểu hiện hư, vi phạm pháp luật...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận