28/01/2011 07:27 GMT+7

Vì sao xịt thuốc suyễn xong vợ tôi khó thở?

L.TH.H. ghi
L.TH.H. ghi

TT - Vợ tôi tên H.K.T. (35 tuổi), có thai con so 37 tuần. Ngày 15-10-2010, tôi đưa vợ đến phòng mạch của bác sĩ L.T.D. khám bệnh ho. Bác sĩ D. cho thuốc trị ho, nhưng sau hai ngày uống thuốc vợ tôi vẫn ho nhiều. Ngày 17-10, thấy sức khỏe của vợ không ổn nên tôi đưa cô ấy đến Bệnh viện Từ Dũ. Khi vào phòng cấp cứu, bác sĩ khám nói vợ tôi bị suyễn và thiếu nước ối.

Dù vợ tôi nói không bị suyễn nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu xịt thuốc trị suyễn Ventolin... Khi xịt xong vợ tôi bị khó thở, tôi yêu cầu bác sĩ D. mời bác sĩ từng điều trị bệnh phổi cho vợ tôi trước đây ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch qua hội chẩn nhưng không được chấp nhận. Khoảng 23g ngày 17-10, tôi được yêu cầu ký giấy mổ bắt em bé ra trước. 7g30 ngày 18-10, tôi được gọi vào thăm vợ tại phòng hồi sức. Khi đó vợ tôi đang hôn mê. Đến trưa vào thăm vợ lần nữa, vợ tôi vẫn hôn mê... Đến 12g30 ngày 19-10, bác sĩ mời gia đình vào chứng kiến bác sĩ hô hấp, nhồi tim cho vợ tôi và sau đó ký cam kết đưa vợ tôi về nhà. Vợ tôi đã mất sau đó.

Tôi thắc mắc liệu bác sĩ cấp cứu xịt thuốc suyễn cho vợ tôi có đúng không? Vì sao xịt thuốc xong vợ tôi bị khó thở hơn?

Huỳnh Đoàn Thành (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Bác sĩ Lê Quang Thanh (trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ) trả lời:

Chị H.K.T. có tiền sử bị bệnh lao phổi, xẹp phổi bên phải. 18g35 ngày 17-10-2010, chị T. vào cấp cứu trong tình trạng ho, khó thở do co thắt khí phế quản nặng. Bệnh cảnh lại xảy ra trên cơ địa chị T. đã bị xẹp phổi bên phải nên chức năng thông khí hô hấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời vào tháng cuối thai kỳ cơ thể cũng có rất nhiều thay đổi theo sinh lý, ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan, đặc biệt là tim mạch và hô hấp của thai phụ. Tình trạng tăng nhu cầu trao đổi khí và tử cung to lên khi mang thai sẽ đẩy cơ hoành lên cao hơn, gây giảm trao đổi khí, có thể làm bệnh nhân khó thở, thậm chí suy hô hấp ở người thể trạng yếu. Tình trạng suy hô hấp cấp tính của chị T. đã ảnh hưởng nghiêm trọng và cấp tính đến sức khỏe của thai nhi.

Việc khó thở của chị T. là do co thắt khí phế quản, về chuyên môn dùng Ventolin là ưu tiên hàng đầu vì có tác dụng nhanh trong năm phút để làm giãn phế quản. Sau xịt thuốc, tình trạng khó thở không cải thiện thì có thể xem đây là cơn co thắt khí phế quản ác tính trên cơ địa có tổn thương phổi trước đó nên không đáp ứng với thuốc. Kíp trực cấp cứu đã hội chẩn rộng với sự tham gia của các bác sĩ lãnh đạo, chuyên sản khoa và chuyên khoa hồi sức tích cực nhiều kinh nghiệm để quyết định biện pháp điều trị kịp thời cho chị T.. Sau khi cùng cân nhắc cả bệnh cảnh của chị T. và sức khỏe của thai nhi mới quyết định mổ lấy thai để cứu con (bé gái cân nặng 2,6kg) và hỗ trợ điều trị cho mẹ. Sau mổ lấy thai, chị T. lại lên cơn co thắt khí phế quản nặng, phải đặt nội khí quản cho thở máy nhưng tình trạng suy hô hấp vẫn không cải thiện. Tình trạng thiếu oxy do không thở được dẫn đến tình trạng nhiễm toan trầm trọng, xuất hiện suy gan, suy thận, rối loạn đông máu.

Chiều 19-10, thân nhân xin được đưa chị T. về nhà. Trong quá trình điều trị và sau đó, bệnh viện luôn tư vấn đầy đủ cho gia đình về tình trạng sức khỏe của sản phụ và nỗ lực hết sức để cứu chữa nhưng không thành.

L.TH.H. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên