Học sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh trong giờ học thực hành tại phòng thí nghiệm - Ảnh: Fanpage nhà trường
Thế nhưng trước đó, tháng 7-2021, HĐND tỉnh Bắc Ninh cũng đã thông qua nghị quyết 02 quy định chế độ chính sách đối với Trường THPT chuyên Bắc Ninh; tám trường THCS trọng điểm và chế độ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với cấp THCS), quốc gia, khu vực, quốc tế trên địa bàn.
"Trải thảm đỏ nhưng cũng lăn tăn"
Nếu giáo viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ nếu được tuyển chọn dạy tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh sẽ nhận được hỗ trợ 100 - 220 triệu đồng.
Mức hỗ trợ cụ thể: Thứ nhất, với hàm giáo sư là giáo viên nam, mức 200 triệu đồng/người và 220 triệu đồng/người nếu giáo viên nữ. Thứ hai, nếu có học hàm phó giáo sư, giáo viên nam được hỗ trợ 140 triệu đồng/người, nữ là 160 triệu đồng/người. Thứ ba, nếu có học vị tiến sĩ, giáo viên nam được hỗ trợ 100 triệu đồng/người và nữ là 120 triệu đồng/người.
Bên cạnh đó, nếu giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh trong điều kiện cam kết ít nhất 10 năm sẽ được hỗ trợ nhà ở trị giá 1 tỉ đồng.
Con số này tương đương một căn nhà ở xã hội tại TP Bắc Ninh có diện tích khoảng 70m2. Nghị quyết có hiệu lực từ 1-8-2021. Đến nay tỉnh Bắc Ninh tuyển được hai tiến sĩ dạy tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh.
Ngày 14-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Phú - trưởng phòng tổ chức - hành chính Sở GD-ĐT Bắc Ninh - cho biết: "Tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm đến giáo dục. Từ khi nghị quyết 02 ra đời đã giải quyết chế độ chính sách cho hai tiến sĩ đã về trước chứ không phải sau khi nghị quyết được thông qua.
Đến nay, chưa thu hút thêm được. Cũng có một số trường hợp liên lạc hỏi. Chúng tôi cũng trải thảm đỏ nhưng họ cũng lăn tăn về việc nơi công tác, gia đình nên cũng chưa thu hút được nhiều".
Cũng theo ông Phú, hai tiến sĩ về dạy tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh thuộc chuyên môn toán và hóa. Một tiến sĩ tại tỉnh và một tiến sĩ ngoài tỉnh. Ba tiến sĩ khác liên hệ nhưng theo ông Phú, qua trao đổi, giải thích phải tham gia giảng dạy học sinh THPT chuyên thì họ tự rút lui.
Cần thêm thời gian để đánh giá
Ông Nguyễn Nho Hòa - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Ninh - thông tin nghị quyết 02 tiếp thu nghị quyết 63 có điều chỉnh bổ sung một số vấn đề liên quan tài chính.
Ông Hòa cho biết: "Trường THPT chuyên Bắc Ninh có thu hút hai tiến sĩ từ Pháp và Nga về. Tiến sĩ từ Pháp dạy môn toán, tiến sĩ từ Nga về dạy môn hóa. Tiến sĩ môn toán nhận được 1 tỉ đồng vì người ngoại tỉnh. Tiến sĩ môn hóa nhận được hỗ trợ 100 triệu đồng vì là người địa phương.
Cả hai tiến sĩ này đều phát huy rất tốt. Từ tháng 8-2021 khi nghị quyết có hiệu lực có 10 người liên hệ với trường nhưng vì dịch bệnh họ chưa về trực tiếp trường để xem có đáp ứng nguyện vọng cá nhân hay không. Cũng có một số người liên hệ nhưng khi trao đổi giảng dạy đứng lớp cụ thể thì họ hoãn, rút đề nghị...".
Đánh giá hiệu quả của nghị quyết 02 của tỉnh Bắc Ninh dưới góc độ đơn vị thụ hưởng, ông Hòa nói: "Tiến sĩ toán về trường được ba năm còn tiến sĩ hóa về được hai năm. Để đánh giá tổng quan hay thấy rõ sự thay đổi thì chưa thấy được rõ.
Nhưng nhìn chung, họ phát huy rất tốt làm trụ cột cho anh em chuyên môn. Cộng thêm kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi 1 - 2 năm qua có kết quả nhất định. Nhưng đánh giá ngay rất khó, cần thêm thời gian".
Ông Hòa kể thêm tiến sĩ dạy toán về trường được ba năm nhưng chủ nhiệm lớp chuyên toán gần hai năm; dịch tài liệu chuyên rất tốt. Còn tiến sĩ hóa cũng tiếp cận tốt tài liệu nước ngoài, khai thác nhiều chuyên môn sâu để giảng dạy học sinh chuyên...
* TS Trần Ngọc Điệp (giảng dạy môn toán tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh):
Về trường chuyên là một trải nghiệm hay
Trước đây tôi dạy tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau đó đi nước ngoài nghiên cứu sinh được 5 - 6 năm. Khi quay về, tôi lại tiếp tục dạy được một năm tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhìn chung về dạy THPT chuyên tại Bắc Ninh là một trải nghiệm hay.
Khi mới về trường, tôi dạy lớp chuyên và chủ nhiệm chuyên toán 1. Nói về chuyên môn, kiến thức đại học khác kiến thức THPT, sinh viên khác với học sinh...
Nhưng các phương pháp nghiên cứu khoa học cũng thấy rõ hữu hiệu cho học sinh chuyên toán. Bây giờ học sinh không những học tập mà còn nghiên cứu, tự tìm tòi.
Vì thế khi tôi giảng dạy có một sự thay đổi linh hoạt, giúp học sinh chuyên, học sinh đội tuyển nghiên cứu, tự học, tự tìm hiểu tài liệu và tiếp cận tài liệu nước ngoài. Đây là điều rất cần thiết. Minh chứng là bức thư của học trò gửi tôi vì đã tạo động lực cho các em.
4 lý do giáo sư khó dạy tốt ở trường chuyên
Học sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: Fanpage nhà trường
Việc tỉnh Hòa Bình đề xuất thu hút giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy trường chuyên với mức hỗ trợ cao đang được dư luận chú ý. Là một cán bộ tham gia quản lý trường chuyên nhiều năm, tôi thấy đề xuất trên là thiếu tính thực tế, không xuất phát từ gốc rễ, điều kiện thực tế vì một số lý do sau đây:
1. Khi đã về trường chuyên để giảng dạy, giáo sư (và các học vị khác) phải làm tròn nhiệm vụ của một giáo viên. Không phải đơn thuần về trường là giảng dạy xong, cắp cặp ra về mà là tham gia tất cả các hoạt động giáo dục của nhà trường trong từng năm học. Điều này hoàn toàn khác, xa lạ với một giáo sư chỉ quen nghiên cứu, khảo cứu những vấn đề học thuật cao siêu...
2. Công việc, các hoạt động giảng dạy; hoạt động ngoài giờ lên lớp ở trường chuyên luôn tạo những áp lực rất lớn; đòi hỏi người thầy cũng như học trò phải có một sức khỏe tốt, một tinh thần tốt mới vượt qua được.
Đó là họp hành, tập huấn; sổ sách, hồ sơ, giáo án, kế hoạch giảng dạy; thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp tỉnh; thao giảng, họp chuyên môn, họp chi bộ, chủ nhiệm, thi văn nghệ, viết báo cáo, đăng ký thi đua, bình chọn thi đua... làm mất rất nhiều thời gian; có nhiều khi sa vào công việc sự vụ vì phải chạy đua với thời gian quy định.
3. Đã là giáo sư chắc tuổi cũng cao hơn giáo viên trong trường. Vì vậy, sự hòa đồng vào tập thể giáo viên cũng rất khó vì "chênh nhau" về tuổi tác, về trình độ... Học sinh trường chuyên năng động, hiếu động nên việc hòa nhập vào "thế giới thần tiên" này cũng rất khó.
Chắc chắn học sinh không thích một giáo sư chỉ ngồi bàn giáo viên thao thao bất tuyệt về những điều "xa xỉ". Các em luôn mong có một người thầy trẻ trung, dí dỏm, vui vẻ, mau hòa nhập cùng chúng...
Mà một khi giữa thầy và trò không có "sợi dây" liên hệ thì rất khó truyền thụ vì không có cảm hứng tích cực. Không phải như dạy ở đại học, mạnh thầy thầy nói, mạnh trò trò nghe; miễn là biết tự học, tự nghiên cứu để "trả nợ" khi làm bài kiểm tra.
4. Đối tượng dạy học của giáo sư không phải là lứa tuổi học trò phổ thông, dù đó là học trò trường chuyên. Các giáo sư rất khó nắm bắt được tâm sinh lý lứa tuổi này. Hơn nữa, các em chưa thể có những công trình nghiên cứu dài hơi, có chiều sâu được.
Những sáng kiến, sáng tạo của học sinh trường chuyên thì các giáo viên của trường hướng dẫn thực hiện tốt. Thực tế đã có những sáng tạo được tặng thưởng khi học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng các cấp...
Th.S Lê Đức Đồng
(nguyên phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng)
Thăm dò ý kiến
UBND tỉnh Hòa Bình vừa trình dự thảo thu hút giáo viên có trình độ về trường THPT chuyên với mức 1 tỉ đồng/người đối với giáo sư, phó giáo sư và 300 triệu đồng/người đối với tiến sĩ. Bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận