02/10/2018 11:06 GMT+7

Vì sao sóng thần ở Indonesia gây họa lớn?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Các nhà khoa học địa chất ngạc nhiên khi sức tàn phá của thảm họa sóng thần tại thành phố Palu, Indonesia lớn bất thường so với logic khoa học khi căn cứ vào độ mạnh của cơn địa chấn gây ra nó.

Vì sao sóng thần ở Indonesia  gây họa lớn? - Ảnh 1.

Các nhân viên cứu hộ Indonesia đưa thi thể một nạn nhân ra khỏi đống đổ nát ở phía nam thành phố Palu - Ảnh: Reuters

Giữa cảnh tang thương tại thành phố Palu, khi số người thiệt mạng vì thảm họa kép động đất - sóng thần tiếp tục tăng, dư luận Indonesia cũng như thế giới đặt câu hỏi vì sao cảnh báo sóng thần tại Palu đã được bật lên rồi lại tắt đi khoảng nửa giờ sau động đất, trong khi cột sóng "thần chết" này vẫn lao rất nhanh vào bờ. 

Trục trặc chết người này bắt nguồn từ đâu?

Cơn địa chấn bất thường

"Chúng tôi đã biết nó (trận động đất) có thể gây ra sóng thần, nhưng không phải lớn tới mức đó... Khi những sự kiện như thế này xảy ra, chắc chắn chúng ta sẽ khám phá những điều chưa từng quan sát thấy trước đây" - ông Jason Patton, nhà địa vật lý làm việc tại Hãng tư vấn Temblor đồng thời là giảng viên tại Đại học bang Humboldt ở California, nói.

Trận động đất mạnh 7,5 độ Richter xảy ra chiều tối 28-9 tàn phá khu vực dọc bờ biển đảo Sulawesi, cách thành phố Palu khoảng 50 dặm về phía bắc. 

Theo một số nhân chứng, trong vòng 30 phút sau đó, những cột sóng cao tới 5,48m ập vào thành phố, phá tan các tòa nhà, xe cộ và cướp đi sinh mạng hàng trăm người. 

Cho tới giờ, ngoài số thương vong và thiệt hại đã biết ở Palu, những cộng đồng khác trên đảo Sulawesi, trong đó có thành phố Donggala, vẫn chưa có những thông tin cụ thể do bị cô lập, đứt liên lạc sau thảm họa kép.

Những cơn sóng thần gây thảm họa lớn như ở Palu vừa rồi thường là kết quả của những trận siêu động đất (megathrust), xảy ra khi các mảng kiến tạo của vỏ Trái đất bị biến dạng, di chuyển theo phương thẳng đứng dọc theo điểm đứt gãy. 

Hiện tượng này bất ngờ làm dịch chuyển vị trí một lượng nước khổng lồ, tạo ra các con sóng có thể di chuyển với tốc độ cao và tàn phá khủng khiếp tới khu vực cách nơi xảy ra động đất tới hàng ngàn dặm.

Tuy nhiên theo báo New York Times, loại động đất xảy ra ở Sulawesi là loại đứt gãy trượt bằng (strike-slip fault), trong đó chuyển động các mảng kiến tạo địa tầng phần lớn theo phương ngang. Và loại chuyển động này nhìn chung sẽ không gây ra sóng thần.

Có lẽ có một phần vì suy luận này chăng mà khoảng 34 phút sau khi động đất xảy ra, cơ quan chức năng Indonesia đã tắt cảnh báo sóng thần. 

Và điều mà họ không thể ngờ, trong lúc nhiều người thở phào thì cột sóng cao gần 5,5m bắt đầu ập vào Palu với sức mạnh hủy diệt. Có lẽ, tư duy logic khoa học trong trường hợp này đã sai.

Mọi chuyện đều có thể xảy ra

Theo tiến sĩ Patton, về lý thuyết, các loại đứt gãy trượt bằng trong động đất đúng là không tạo ra sóng thần, song trong một số tình huống cụ thể chuyện này vẫn xảy ra. Cụ thể, loại đứt gãy này vẫn tạo ra một sự chuyển động theo chiều dọc nào đó làm dịch chuyển vị trí nước biển.

Một khả năng khác nữa là sóng thần được tạo ra theo cách gián tiếp khi sự rung lắc lớn xảy ra trong cơn địa chấn rất có thể gây ra tình trạng sụt lở dưới đáy biển, từ đó gây sóng lớn. 

Những hiện tượng như vậy không phải hi hữu, như từng xảy ra trong trận động đất mạnh 9,2 độ Richter năm 1964 ở Alaska.

Vì có nhiều yếu tố kết hợp trong quá trình gây ra sóng thần, nên theo chuyên gia này, muốn hiểu rõ nguyên nhân sẽ phải nghiên cứu về tình trạng đáy biển tại Sulawesi.

Giới khoa học địa chất cũng cho rằng cường độ lớn của sóng thần có thể còn vì vị trí ở cuối một con vịnh hẹp của thành phố Palu. Đặc điểm bờ biển và các khúc quanh uốn lượn phía cuối vịnh đã vô tình khiến sức tàn phá của cột sóng bị đẩy lên cao và mạnh hơn khi ập vào bờ.

Ngoài nguyên nhân có thể này, theo các chuyên gia về sóng thần như bà Louise Comfort - giáo sư Trường đại học Pittsburgh, số người chết lớn cũng phần nào cho thấy các hệ thống phát hiện và cảnh báo sóng thần của Indonesia thiếu hiệu quả, có lẽ do chưa được cập nhật công nghệ tiên tiến nhất. 

Theo bà Louise, hiện tại Indonesia đang chỉ sử dụng máy ghi địa chấn, các thiết bị hệ thống định vị toàn cầu và máy đo thủy triều để phát hiện sóng thần, tuy nhiên tất cả chúng chỉ có hiệu quả hạn chế.

Tại Mỹ, Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia có mạng lưới hiện đại gồm 39 cảm biến đặt dưới đáy biển để phát hiện sớm những thay đổi áp suất nhỏ nhất báo hiệu đường đi của sóng thần. 

Dữ liệu được truyền về qua vệ tinh và sau khi chuyên gia phân tích, họ sẽ quyết định phát cảnh báo hay không. Indonesia cũng có mạng lưới tương tự với 22 cảm biến nhưng chúng hiện không được sử dụng vì không được bảo trì hoặc đã bị hỏng.

Mộ tập thể

Tới chiều 1-10 đã có 844 người chết trong thảm họa kép động đất, sóng thần xảy ra tại thành phố Palu trên đảo Sulawesi. Khoảng 600 người đã được nhập viện và hơn 48.000 người được sơ tán.

Theo báo Guardian, điện vẫn mất tại một số khu vực bị ảnh hưởng thiên tai, gây khó khăn cho công tác cứu hộ và thiếu nhiên liệu trầm trọng.

Các nhóm công tác bắt đầu mai táng các thi thể nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể lớn ở Palu để phòng lây lan bệnh tật. Một ngôi mộ dài 100m đã được đào để chuẩn bị mai táng khoảng 1.300 người.

Thảm họa kép: Indonesia  tan hoang Thảm họa kép: Indonesia tan hoang

TTO - Số người chết vì thảm họa kép động đất - sóng thần tại Indonesia đã lên tới con số gần 400 và chưa có dấu hiệu dừng lại.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên