30/09/2018 09:36 GMT+7

Thảm họa kép: Indonesia tan hoang

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Số người chết vì thảm họa kép động đất - sóng thần tại Indonesia đã lên tới con số gần 400 và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thảm họa kép: Indonesia  tan hoang - Ảnh 1.

Một phụ nữ ở Palu không kiềm chế được cảm xúc trước các thiệt hại do thảm họa kép gây ra - Ảnh: AFP

TP Palu trên đảo Sulawesi, nơi cách tâm chấn trận động đất mạnh 7,5 độ Richter ngày 28-9 khoảng 100km, đang là nơi chịu thiệt hại nặng nhất vì sóng thần. Trong một đoạn mô tả rùng rợn, Hãng tin Reuters kể lại "xác người nằm la liệt trên đường phố Palu sau khi sóng thần ập vào".

Không kịp chạy

Khi hàng trăm người đang tụ tập trên bờ biển Palu ngày 28-9 cho một lễ hội, họ hốt hoảng nhận ra đang đối mặt với một trong những sức mạnh dữ dội của mẹ thiên nhiên: sóng thần. Với tốc độ di chuyển lên tới 800 km/h, những cơn sóng cao tới 6m ập vào bờ biển kéo theo tất cả từ xe cộ đến tàu thuyền và dìm tất cả những người có mặt trên đường đi của nó.

"Người ta vẫn mải mê làm công việc của họ đến nỗi không kịp chạy khi sóng thần ập vào. Sóng thần không chỉ có một mình, nó còn kéo theo tàu thuyền, xe cộ và tất cả những gì có trên bờ biển" - ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia, cho biết trong cuộc họp báo ngày 29-9 ở thủ đô Jakarta.

Thảm họa kép: Indonesia  tan hoang - Ảnh 2.

Các nhân viên y tế sơ cứu người bị thương bên ngoài một bệnh viện ở Palu ngày 29-9 - Ảnh AFP

Số phận của hàng trăm người đó cho đến nay vẫn chưa rõ. Người ta nói họ có thể là những thi thể được tìm thấy trên đường phố Palu sáng 29-9. Chỉ tính riêng ở TP Palu, số người thiệt mạng đã lên tới con số 384. Chưa có số liệu thương vong từ Donggala, nơi cũng hứng chịu một đợt sóng thần cao 3m.

Một số người đã phải leo lên những cây cao hơn 6m để tránh sóng thần. Họ là những người ở gần bờ biển Palu may mắn sống sót.

Về nguyên nhân của động đất, sóng thần, ông Sutopo Purwo Nugroho cho biết cơn địa chấn thứ nhất là do đứt gãy Palu-Koro kéo dài từ Palu tới Teluk Bone gây ra. Trong một đoạn tweet sáng 29-9, ông Sutopo giải thích đứt gãy Palu-Koro hoạt động trở lại và sự chuyển dịch của nó gây ra tình trạng lở đất ngầm, dẫn tới sóng thần. Theo ông Sutopo, cần tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học để xác định chính xác nguyên nhân.

Thảm họa kép: Indonesia  tan hoang - Ảnh 3.

Một trung tâm mua sắm bị hư hại nặng sau trận động đất ở Palu, Trung Sulawesi, Indonesia - Ảnh: Reuters

Dỡ cảnh báo "đúng quy trình"

Sáng 29-9, sau lệnh của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, các máy bay của quân đội Indonesia đã bắt đầu chiến dịch không vận lực lượng cứu hộ, chuyên gia y tế và các thiết bị khác đến vùng thảm họa.

Do sân bay chính ở Palu đã bị đóng cửa, hàng hóa và nhân lực chỉ có thể được vận chuyển khẩn cấp bằng trực thăng. Trong chiều 29-9, các hàng cứu trợ khẩn cấp đã được gửi đến bao gồm hàng nghìn hộp thức ăn nhanh, 2.000 giường gấp, 25 lều đa năng, 3.000 lều bạt, lều cuộn, 100 gói quần áo, các thiết bị nhà bếp công cộng và hơn 2.500 nệm ngủ.

Trong lúc các nỗ lực cứu chữa người bị thương và tìm kiếm người sống sót vẫn đang được tiến hành, những chỉ trích đã bắt đầu xuất hiện. Tiêu điểm lúc này đang dồn vào hệ thống cảnh báo sóng thần của Indonesia với câu hỏi tại sao Cơ quan khí tượng và địa vật lý Indonesia (BMKG) quyết định dỡ bỏ cảnh báo sóng thần chỉ sau hơn 30 phút trong khi thực tế sóng thần đã tấn công Palu và Donggala? Thậm chí kể cả khi đã nhận được báo cáo từ một nhân chứng ở hiện trường rằng anh ta nhìn thấy một bức tường trắng cao hơn 1m, BKMG vẫn quyết định dỡ bỏ cảnh báo sóng thần.

Đại diện BMKG khẳng định họ "có nhận thấy" sóng thần, song cảnh báo được bỏ khi họ nhận thấy đợt tấn công đã chấm dứt. Dữ liệu thu thập được cũng cho thấy chiều cao sóng thần giảm nên BKMG quyết định dỡ bỏ cảnh báo hẳn lúc 17h36 ngày 28-9.

Thảm họa kép: Indonesia  tan hoang - Ảnh 4.

Nhà và xe bị thiệt hại sau trận động đất ở Palu, Indonesia - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, lý do ban đầu được BKMG đưa ra lại hoàn toàn khác: "Quyết định của BKMG được đưa ra dựa trên quan sát trực quan và các cảm biến dưới biển. BKMG không thấy có bất kỳ sự thay đổi nào về mực nước biển. Do vậy họ đã dỡ bỏ cảnh báo". Như vậy, BKMG có thể đã không biết được sóng thần đã xảy ra và nghĩ rằng không có sóng thần nên đã bỏ cảnh báo.

Người đứng đầu bộ phận động đất và sóng thần của BKMG cho biết việc phát đi cảnh báo sóng thần và dỡ bỏ được thực hiện đúng theo quy trình chuẩn. Theo đó, dựa trên các cảm biến mực nước biển đặt cách Palu gần... 200km, BKMG quyết định dỡ bỏ cảnh báo sóng thần sau khi ghi nhận chỉ xuất hiện một đợt sóng "không đáng kể" cao... 6cm.

"Chúng tôi không có dữ liệu thực tế tại Palu. Chúng tôi phải sử dụng tất cả những dữ liệu chúng tôi có thể có và đã đưa ra quyết định dỡ bỏ cảnh báo dựa trên đó. Nếu chúng tôi có cảm biến thích hợp ở Palu, mọi chuyện chắc chắn khác. Đây là điều chúng tôi cần phải suy xét trong tương lai" - ông Rahmat Triyono, người chịu trách nhiệm cho các trận động đất và sóng thần tại BMKG, thừa nhận.

Thảm họa kép: Indonesia  tan hoang - Ảnh 5.

Người dân khiêng thi thể một nạn nhân ở Palu sáng 29-9 - Ảnh: AFP

Tổng thống Indonesia trực tiếp chỉ đạo cứu hộ

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố ông sẽ hành động nhanh nhất có thể, đồng thời trực tiếp tham gia chỉ đạo các hoạt động cứu hộ, cứu trợ các nạn nhân đang bị ảnh hưởng bởi trận động đất tại Donggala và Palu, Trung Sulawesi. Động đất và sóng thần đã làm hư hại mạng lưới dẫn điện chính của khu vực, gây ảnh hưởng tới việc liên lạc và chất chồng thêm khó khăn cho công tác cứu hộ.

Điện thăm hỏi

Được tin trận động đất và sóng thần xảy ra ngày 28-9 tại TP Palu, tỉnh Trung Sulawesi, Indonesia, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, ngày 29-9, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi điện thăm hỏi đến Chủ tịch Hội đồng Đại biểu nhân dân Indonesia Bambang Soesatyo.

Cho đến sáng 29-9, những đợt dư chấn mạnh vẫn làm rung chuyển đảo Sulawesi, đẩy hàng ngàn người sợ hãi chạy ra khỏi nhà. Người phát ngôn của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia mô tả thiệt hại do thảm họa kép lần này là “cực lớn” với hàng ngàn căn nhà, bệnh viện, trung tâm thương mại đổ sập. Cầu dây văng Ponulele - biểu tượng và điểm hút khách du lịch của TP Palu - bị sóng thần cuốn trôi. Tuyến đường cao tốc chính nối Palu với các khu vực khác bị đóng cửa do lở núi.

Thảm họa kép: Indonesia  tan hoang - Ảnh 9.

Một tòa nhà kiên cố ở Palu đổ sập sau thảm họa kép - Ảnh AFP

10 sinh viên Việt Nam thoát hiểm

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, ngay sau khi trận động đất sóng thần xảy ra ngày 28-9 tại TP Palu, Đại sứ quán đã khẩn trương tìm hiểu tình hình người Việt Nam tại khu vực bị ảnh hưởng và triển khai các biện pháp hỗ trợ cần thiết. Cho đến chiều 29-9, chưa có thông tin về người Việt Nam bị chết hoặc bị thương trong trận động đất sóng thần. 10 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đại học Tadulako, TP Palu, đều an toàn.

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã thông báo cho gia đình các sinh viên và đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia hỗ trợ các sinh viên Việt Nam ổn định chỗ ở cho đến khi tình hình trở lại bình thường và quay trở lại học tiếp.

DIỆU AN

Thiệt mạng để chuyến bay an toàn

Anh Anthonius Gunawan Agung, 21 tuổi, nhân viên đài kiểm soát không lưu tại sân bay Palu ở tỉnh Trung Sulawesi, đã thiệt mạng do bị thương quá nặng vì phải nhảy ra khỏi tòa tháp kiểm soát không lưu nơi anh làm việc sau khi trận động đất xảy ra chiều 28-9.

Theo báo Jakarta Post, nhà chức trách Indonesia cho biết anh Agung là nhân viên của Trung tâm hướng dẫn không lưu Indonesia (AirNav Indonesia), qua đời trong bệnh viện sáng 29-9 do bị chấn thương quá nặng, chân tay và xương sườn của anh đã bị gãy. Vào thời điểm trận động đất xảy ra, anh Agung đang trong ca trực tại tầng 4 tòa tháp kiểm soát không lưu tại sân bay Mutiara Sis Al Jufri ở Palu.

Anh vừa thu xếp xong đường bay khởi hành cho một chuyến bay của Hãng Batik Air và đang chờ máy bay cất cánh. Cơn địa chấn 7,4 độ Richter ập tới, song Agung vẫn bám trụ trong tòa tháp. Cho tới khi máy bay đi rồi, anh mới nhảy ra khỏi tòa tháp vì mái nhà đã sập.

Didiet KS Radityo, người phát ngôn của AirNav Indonesia, cho biết AirNav Indonesia đã chuẩn bị điều trực thăng tới đưa Agung đến Balikpapan cứu chữa trong sáng 29-9, tuy nhiên anh đã qua đời 20 phút trước khi trực thăng đến.

"Agung đã tận hiến cuộc đời mình cho công việc tới giây phút cuối cùng và không chịu rời đài kiểm soát không lưu cho tới khi máy bay cất cánh, ngay cả khi trận động đất đã làm rung chuyển nơi anh làm việc"- ông Didiet nói.

Trạm kiểm soát không lưu tại sân bay Mutiara Sis Al Jufri bị hư hỏng nặng trong trận động đất. Hệ thống điều hướng của sân bay cùng khoảng 500m đường băng bị hỏng nặng.

D.KIM THOA

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên