![]() |
Giếng phường 11, quận 6 đang hoạt động nhưng chất lượng nước không ổn định -Ảnh: P.P.H. |
Trước đó, Waco từng cung cấp vật tư, thiết bị và thi công nhiều giếng ngầm cho Sawaco nhưng các giếng này đều hư hỏng hoặc đang hoạt động cầm chừng.
Nợ cũ chưa đòi
Trong hai năm 2002, 2003 ngành cấp nước TP.HCM đã xây dựng nhiều giếng khoan nước ngầm. Trong đó có giếng Gò Vấp (quận Gò Vấp) công suất 10.000m3/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 60 tỉ đồng; giếng phường 10 và phường 11 (quận 6), từ 50-60m3/giờ, tương đương vốn đầu tư là 3,2 tỉ đồng và 3,1 tỉ đồng; giếng phường 14,18 (quận Tân Bình) công suất 50m3/giờ, vốn đầu tư hơn 2,2 tỉ đồng và 2,3 tỉ đồng.
Tổng vốn đầu tư các dự án trên là hơn 71 tỉ đồng nhưng có đến bốn trong năm công trình là giếng phường 10, 11 (quận 6), phường 14, 18 (quận Tân Bình) do Waco trúng thầu thiết kế, cung cấp phụ tùng và thi công xây lắp, theo hình thức “chìa khóa trao tay”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc Sawaco Võ Dũng cho biết thời điểm 101 đồng hồ tổng hư vẫn còn trong thời gian bảo hành. Sawaco ra thời hạn với phía Waco là đến ngày 15-11-2005 phải giải quyết xong vụ việc. “Trường hợp không giải quyết chúng tôi sẽ kiện ra tòa”, ông Dũng nói. |
Sau khi vận hành chất lượng giếng còn trục trặc nên cuối tháng 7-2003 Waco mới bàn giao cho Xí nghiệp Khai thác nước ngầm (thuộc Sawaco) quản lý. Theo thiết kế, mỗi giếng có công suất 50-60m3/giờ nhưng thực tế chỉ đạt hơn 40m3/giờ.
Theo Xí nghiệp Khai thác nước ngầm, thời gian đầu sử dụng các thiết bị thường xuyên hư hỏng, chỉ tiêu về sắt, mangan và clo dư trong nước không ổn định. Chu kỳ lọc giếng chỉ còn 8 giờ, thậm chí như giếng phường 11 chu kỳ lọc chỉ có 4 giờ trong khi thiết kế là 24 giờ. Giếng không vận hành được chế độ tự động, phải dùng tay để điều chỉnh chất lượng nước.
Cuối năm 2003, Waco đề nghị thay vật liệu lọc. Nhưng đây là loại vật liệu đã bị hư hỏng và được tái chế nên xí nghiệp không đồng ý. Chưa kể nền phòng bơm hóa chất bị lún, đế bơm bị nứt và một số hư hỏng khác ở hệ thống đường ống hóa chất, các gối đỡ bồn lọc, sân trạm... Sau một thời gian cầm cự, đến nay giếng phường 10 đã đóng cửa.
Đề xuất đổ biển 60 tỉ đồng! Công trình trạm xử lý nước ngầm Gò Vấp trị giá 60 tỉ đồng nhưng từ lúc bắt đầu hoạt động đã trục trặc, lượng nước phát ra chỉ bằng một nửa công suất thiết kế và có khả năng phải đóng cửa. Trong số các giếng đã nêu, trạm giếng có công suất và vốn đầu tư lớn nhất là giếng Gò Vấp. Dự án chia làm năm gói thầu. Gói thầu XL1 là công trình thu nước ngầm do Công ty Xây dựng số 8 trúng thầu, giá trị hơn 1,9 tỉ đồng, đưa vào sử dụng ngày 21-8-2003. Ngay khi vận hành đã có 4/8 giếng bị sự cố. Gói thầu XL2 là trạm xử lý nước do Công ty Dương Nhật trúng thầu với trị giá hơn 11,8 tỉ đồng, sử dụng từ tháng 9-2003. Ngay từ đầu hệ thống thu nước rửa và lắng bùn không hoạt động được do kém chất lượng. Công ty Dương Nhật cũng điều chỉnh năm bồn lọc nhưng các chỉ tiêu về sắt, mangan không ổn định, hàm lượng sắt có xu hướng tăng cao. Xí nghiệp Khai thác nước ngầm liên tục có văn bản báo cáo và đề nghị ngưng hoạt động do chất lượng không đạt yêu cầu. Thế nhưng Công ty Dương Nhật tiếp tục cho sửa chữa và hoạt động đến nay. Sawaco cho biết theo kế hoạch trạm giếng này cung cấp nước cho khoảng 17.000 hộ dân tại các phường 10, 11, 12, 17... của quận Gò Vấp. Trước đây thiết kế hai máy bơm nhưng đến nay chỉ còn một máy bơm hoạt động, sản lượng nước còn 5.000-6.000m3/ngày, bằng phân nửa công suất thiết kế. Có ý kiến đề xuất tách mạng riêng để chuyển tải nước từ giếng này, tránh tình trạng nguồn nước lây lan, ảnh hưởng đến chất lượng nước các khu vực khác. Cũng có ý kiến nên đóng hẳn giếng này để dùng nước từ Nhà máy Tân Hiệp. Nếu đề xuất này được thực hiện thì tương lai 60 tỉ đồng lại... đổ biển. |
Công suất mỗi giếng là 50-60m3/giờ, nhưng khi Waco bàn giao giếng vào tháng 7-2003 sản lượng chỉ còn hơn 40m3. Đến đầu năm 2004, sản lượng lại giảm còn dưới 20m3 nên đã ngưng hoạt động. Theo một cán bộ Sawaco, nguyên nhân do tầng nước ngầm khu vực sụt giảm nhanh mà quá trình khảo sát đã không lưu ý tính toán.Với thiết bị hai trạm giếng hiện đang “trùm mền”, Sawaco cho biết sẽ thương thảo với Waco tìm đơn vị có nhu cầu bán lại.
Tạm ứng quá nhiều
Đến nay, chỉ có 2 trong 5 giếng còn hoạt động là các giếng Gò Vấp và giếng phường 11 (quận 6). Nhưng chưa thể nói các giếng này sẽ sử dụng được bao lâu vì chất lượng cũng đang phập phù. Các hợp đồng ký kết không có điều khoản tạm ứng vốn trong quá trình thi công. Nhưng bốn trạm giếng phường 10, 11 (quận 6), 14, 18 (quận Tân Bình) đều được tạm ứng 1-2 tỉ đồng cho mỗi hợp đồng. Riêng trạm giếng Gò Vấp, gói thầu xây lắp cụm xử lý nước chưa nghiệm thu chính thức nhưng đã tạm ứng đến 90% giá trị hợp đồng.
Sawaco cho biết đã đề nghị nhà thầu khắc phục thiếu sót. Trường hợp quá thời hạn xác định mà nhà thầu vẫn chưa khắc phục sẽ xử lý theo hợp đồng. Cũng theo Sawaco, đối với các trạm giếng đưa vào hoạt động nhưng vẫn chưa đạt các điều kiện liên quan, chất lượng nước theo tiêu chuẩn cam kết thì sẽ khấu trừ phần thiệt hại vào giá trị hợp đồng.
Nhưng liệu số tiền còn lại chưa quyết toán có đủ để “gánh” hậu quả các dự án mà kinh phí lên đến hàng chục tỉ đồng? Chưa kể một quá trình thi công dài như vậy, trách nhiệm của người giám sát, nghiệm thu ra sao, ai tạm ứng vốn cho các đơn vị thi công? Còn nữa, một thời gian dài chất lượng nguồn nước không ổn định nhưng vẫn hòa mạng bán cho người dân sử dụng, ai chịu trách nhiệm về sức khỏe của họ?
Nợ mới phát sinh
Trong khi các “món nợ” cũ chưa giải quyết xong, ngày 23-2-2004 Sawaco ký với Công ty Waco hợp đồng số 1229 mua đồng hồ tổng và các vật tư liên quan. Tổng giá trị hợp đồng hơn 12,3 tỉ đồng. Riêng lô hàng số 2 có 90 đồng hồ tổng, loại Aquaprobe và sau đó mua thêm 11 cái nữa, tổng cộng là 101 cái với tổng số tiền mua là 7,9 tỉ đồng. Các đồng hồ này lắp đặt trên các tuyến ống chính, đo đếm lượng nước sạch cung cấp cho các chi nhánh, để kiểm soát lượng nước thất thoát. Loại đồng hồ này do Hãng ABB (Anh) sản xuất.
Đầu năm 2005, các chi nhánh cấp nước phát hiện các đồng hồ đã gắn có biểu hiện hư hỏng như cho chỉ số bất thường, khóa van đường ống không cho nước chảy qua mà vẫn chạy, không xác định chiều dòng chảy…Thay vì ngưng gắn, cho kiểm tra lại chất lượng đồng hồ, Sawaco tiếp tục cho gắn các đồng hồ còn lại.
Thời điểm này các đồng hồ còn trong thời gian bảo hành. Hãng ABB cho rằng thao tác lắp đặt sai làm cho các đồng hồ hư hỏng. Ngược lại phía Sawaco cho biết các đồng hồ được lắp theo hướng dẫn kỹ thuật của Waco.
Dù Waco không thừa nhận là cung cấp hàng kém chất lượng hay hướng dẫn thao tác lắp đặt sai nhưng Waco cho biết đã cho thay đầu đọc số của ba đồng hồ. Giá ba đầu đọc số khoảng 30 triệu đồng. Như vậy, để thay 101 đầu đọc số mất khoảng 3 tỉ đồng nữa. Nhưng liệu sau khi thay đầu sensor, đồng hồ có chạy hay không là chuyện khác. Bởi ngay từ đầu chất lượng đồng hồ mua về đã không được kiểm định do trong nước hiện nay chưa có thiết bị.
Những “món nợ” đã kéo dài từ nhiều năm qua có được giải quyết hay tiếp tục kéo dài, cho qua rồi lại phát sinh thêm những món nợ mới nữa?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận