25/05/2017 09:32 GMT+7

Vì sao khủng bố ở Manchester gây nhiều thương vong?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Vụ đánh bom tự sát ở Manchester đã đặt lại vấn đề bảo vệ an ninh tại các địa điểm công cộng tập trung đông người. Đây là bài học cho mọi quốc gia.

Hai phụ nữ Anh không cầm được nước mắt khi đến tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Manchester vào ngày 24-5 - Ảnh: Reuters
Hai phụ nữ Anh không cầm được nước mắt khi đến tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Manchester vào ngày 24-5 - Ảnh: Reuters

Vụ đánh bom tự sát trong khu vực nhà thi đấu Manchester Arena tối 22-5 có số thương vong nhiều nhất trong 12 năm gần đây ở Anh với 22 người thiệt mạng, 59 người bị thương.

Vụ đánh bom có chuẩn bị kỹ lưỡng

Vụ đánh bom xảy ra tại hành lang nối liền các cửa ra vào của phòng biểu diễn với nhà ga Victoria. Khu vực này ở bên ngoài phòng biểu diễn, nơi bố trí nhiều điểm bán nước uống và vật dụng.  

Chuyên gia Otso Iho ở Trung tâm Chống khủng bố và nổi dậy (Công ty tư vấn IHS Jane’s ở Anh) ghi nhận rằng các biện pháp an ninh chỉ được thiết lập trong khu vực biểu diễn dù có hơn 21.000 người đến nghe ca sĩ Mỹ trình diễn.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ đánh bom được chuẩn bị rất công phu. Vị trí đứng của thủ phạm lúc bom nổ là khu vực đông người, kín, tránh được hàng rào an ninh. Đây là vị trí lý tưởng để gây sát thương cao.

Rõ ràng thủ phạm muốn chất nổ gây thiệt hại nhân mạng cao nhất vì thời điểm nổ bom được chọn lúc các khán giả ra về ngay sau buổi biểu diễn. Đây là lúc an ninh lơi lỏng hơn so với lúc bắt đầu buổi biểu diễn.

Cách chọn vị trí đánh bom chứng tỏ bọn khủng bố đã có điều nghiên hiện trường.

Hiện trường vụ đánh bom ngày 22-5 - Ảnh: PA
Hiện trường vụ đánh bom ngày 22-5 - Ảnh: PA

Thời điểm đánh bom cũng đáng lưu ý vì xảy ra đúng vào ngày hai tháng trước đó (ngày 22-3), tên Khalid Masood đã lao ô tô tông vào đám đông trên cầu Westminster ở London rồi dùng dao đâm cảnh sát trước tòa nhà Quốc hội (5 người chết, 49 người bị thương).

Thiết bị nổ tự tạo còn cho thấy mức độ sử dụng chất nổ cao hơn các vụ tấn công trước đó mặc dù Anh đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn mua bán vật liệu chế tạo bom từ sau vụ tấn công ở London năm 2005 (4 vụ đánh bom tự sát xảy ra cùng lúc ở 3 toa tàu điện và xe buýt làm 56 người chết, 700 người bị thương).

Từ các dấu hiệu kể trên, nhà phân tích Kit Nicholl ở IHS Jane’s khẳng định phải có đường dây khủng bố tổ chức vụ đánh bom.

Chuyên gia Claude Sarrazin ở Công ty an ninh Sirco (Canada) đánh giá chất nổ được sử dụng đúng liều, kích nổ đúng vị trí, như vậy bọn khủng bố ắt phải có tay chân đủ trình độ kỹ thuật.

Theo ông, kiểu tấn công như thế rất khó dự báo và ngăn chặn. Đã có nhiều tranh luận trong giới an ninh Anh về vấn đề này nhưng ít có biện pháp cụ thể nào được áp dụng.

IS khó tấn công nước Anh?

Chủ tịch Trung tâm Phân tích khủng bố (Pháp) Jean-Charles Brisard nhận xét thật ra khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS)rất khó tấn công nước Anh.

Cũng như Pháp, Anh là mục tiêu của IS vì Anh đã tham gia liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu. Trong hàng ngũ IS có 57 tên là công dân Anh.

Nhưng cho dù ban lãnh đạo IS hô hào tấn công Anh, các thành viên của chúng vẫn chưa thể ra tay hành động cho đến khi xảy ra vụ đâm xe trên cầu ở Westminster.

Nguyên nhân vì cơ quan tình báo Anh hoạt động rất có hiệu quả và chống khủng bố có bài bản bởi đã tích lũy kinh nghiệm từ thời còn đối phó với Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA). Các cơ quan an ninh ở Anh cũng phối hợp với nhau thường xuyên và có hệ thống.

Chúng ta có lực lượng cảnh sát và các cơ quan tình báo giỏi nhất thế giới”

Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd từng khoe trước Quốc hội sau vụ tấn công ở Westminster ngày 22-3-2017

Người hâm mộ đội bóng Manchester United với tấm biển
Người hâm mộ đội bóng Manchester United với tấm biển "Tiến lên United, chiến đấu vì (thành phố) Manchester" trong trận chung kết Europa League tối 24-5 - Ảnh: Reuters

Về địa lý, Anh là đảo quốc nên bọn khủng bố khó sử dụng giấy tờ giả để vượt biên giới xâm nhập như ở khu vực Tây Âu.

Bọn tấn công nước Pháp ngày 13-11-2015 đã từng có mặt tại Birmingham để điều nghiên nhưng cuối cùng chúng chọn tấn công Pháp.

Từ tháng 6-2013, Anh đã phá 13 âm mưu tấn công khủng bố. Song như ông Jean-Charles Brisard ghi nhận, không có cơ quan tình báo nào không có kẽ hở. 

Báo Le Monde đưa tin từ nhiều tháng trước, Anh đã đoán sẽ xảy ra tấn công.

Vào tháng 2-2017, trao đổi với báo chí nước ngoài trước lúc nghỉ hưu, ông Bernard Hogan-Howe giám đốc Sở Cảnh sát London xác nhận vấn đề bây giờ là chưa biết tấn công khủng bố sẽ xảy ra lúc nào.

Tháng 8-2014, Anh đã nâng mức báo động khủng bố từ “quan trọng” lên mức “nghiêm trọng”. Đây là mức bốn trên thang báo động năm cấp, đồng nghĩa với “một vụ tấn công có khả năng cao sẽ xảy ra”.

Sau vụ tấn công ngày 13-11-2015 ở Pháp, cảnh sát Anh đã tăng cường thêm 600 quân ở London, nâng quân số lên 2.800 người. Có thể bọn khủng bố chọn Manchester để tấn công vì hàng rào an ninh ở đây ít chặt chẽ hơn ở London.

Khác với Pháp, gần đây Anh mới tăng cường kiểm soát ở lối vào các địa điểm công cộng.

Chuyên gia Alain Rodier ở Trung tâm Pháp về nghiên cứu tình báo phân tích không có nguy cơ khủng bố ở Anh là điều bao giờ tồn tại vì có quá nhiều mục tiêu cần bảo vệ và Anh đang củng cố tình báo con người, lĩnh vực vốn bị xem nhẹ mấy năm nay.

Trả lời báo 24 heures (Thụy Sĩ), giáo sư David Galbreath ở Đại học Bath (Anh) nhận xét dân Anh không muốn xã hội bị “quân sự hóa”. Pháp áp dụng “phương pháp mở”, tức bố trí cảnh sát khắp các thành phố để phát tín hiệu dằn mặt bọn khủng bố. Còn Anh thích “phương pháp cô lập”, nghĩa là kín đáo triển khai cảnh sát. Lý do vì công tác đấu tranh chống khủng bố ở Anh do quân đội và cơ quan tình báo đảm nhiệm chứ không phải cảnh sát. Lâu nay hầu hết cảnh sát Anh đều không mang súng.
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên