Đau bàn chân, chuyện tưởng nhỏ nhưng không nhỏ vì bệnh nhân gần như bị đơ, không đi được khi bị đau buốt.
Có nhiều căn bệnh gây đau bàn chân như viêm cân gan chân, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp, hội chứng ống cổ chân.
Trong những bệnh kể trên, có một số bệnh sẽ tác động lên xương và khớp, số còn lại sẽ tác động chủ yếu lên hệ gân, dây chằng hoặc thần kinh.
Cách điều trị khác nhau, cần chẩn đúng bệnh
Phương án điều trị những bệnh gây đau bàn chân có thể trải dài từ tập vật lý trị liệu, mang đế giày chỉnh hình cho đến điều trị thuốc và cuối cùng là phẫu thuật.
Do các bệnh lý liên quan đến cổ - bàn chân khá phức tạp nên người bệnh không nên đọc các thông tin trên mạng xã hội và tự điều trị mà cần đến khám tại bệnh viện.
Mỗi bệnh lý sẽ gây đau ở những vị trí khác nhau trên bàn chân. Vì thế, xác định được vị trí đau là bước đầu tiên cũng là quan trọng nhất để chẩn đoán bệnh.
Viêm cân gan chân
Viêm cân gan chân là một trong những bệnh phổ biến gây đau ở bàn chân. Cân gan chân là một dải sợi cân căng dài nằm ở dưới lòng bàn chân. Cân này đóng vai trò như là cầu nối giữa xương gót và các ngón chân ở mặt lòng.
Bệnh viêm cân gan chân sẽ gây đau ở mặt lòng khu vực gót chân. Người bệnh sẽ bị khó chịu nhất vào sáng sớm khi mới thức dậy, đi những bước đầu tiên ra khỏi giường hoặc đau khi di chuyển nhiều. Vào giai đoạn nặng, nhiều người thấy đau ngay cả khi đi bộ nhẹ nhàng.
Thoái hóa khớp bàn chân
Bệnh phổ biến đứng thứ hai gây đau ở bàn chân chính là thoái hóa khớp bàn chân. Thoái hóa khớp xảy ra khi bề mặt sụn khớp nơi các xương tiếp xúc nhau bị mài mòn đi. Vì vậy, thoái hóa khớp là bệnh có diễn biến từ từ và bất kỳ một khớp chịu trọng lượng nào cũng có khả năng bị thoái hóa.
Ở khu vực bàn chân, khớp dễ bị thoái hóa nhất là khớp giữa xương bàn chân và ngón cái - nằm gần gốc ngón chân cái.
Ngoài ra, các khớp khác cũng có thể bị bệnh như khớp cổ chân, khớp dưới xương sên. Về lâu dài, theo diễn biến của bệnh, bề mặt khớp ở những khu vực nêu trên sẽ bị mòn đi, gây biến dạng khớp, hình thành các gai xương và vận động bị hạn chế.
Dấu hiệu đau và hạn chế vận động sẽ rõ nhất vào buổi sáng hoặc sau một khoảng thời gian dài ngồi bất động.
Viêm gân chày sau
Gân chày sau là gân trải dài từ dưới cẳng chân, luồn ra phía sau mắt cá trong và bám vào xương ở mặt lòng bàn chân. Vì vậy, khi bị viêm gân cơ chày sau, người bệnh có thể bị đau rát dọc theo đường đi của sợi gân này.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm gân chày sau là do gân bị chịu lực tải bất thường trong thời gian dài, ví dụ như trường hợp phụ nữ đi giày cao gót. Theo diễn biến của bệnh, nếu không điều trị trong thời gian dài, gân chày sau bị viêm sẽ đứt và dẫn đến bàn chân bị biến dạng.
Hội chứng ống cổ chân
Hội chứng ống cổ chân xảy ra khi dây thần kinh nằm ở phía sau mắt cá trong bị chèn ép do xương hoặc u phần mềm. Bệnh này cũng tương tự như bệnh hội chứng ống cổ tay, nhưng ít phổ biến hơn.
Đa số nguyên nhân đến từ việc bàn chân bị chịu lực tải lớn, lặp đi lặp lại nhiều lần. Khác với các bệnh đã đề cập ở trên, điểm đau của bệnh sẽ phụ thuộc vào vị trí mà dây thần kinh chi phối. Dấu hiệu cho biết mắc bệnh bao gồm cảm thấy bỏng rát, tê bì và đau đột ngột như bị điện giật ở lòng bàn chân và khu vực mắt cá trong.
U dây thần kinh Morton
U dây thần kinh Morton sẽ gây ra tình trạng đau như bị điện giật đột ngột tại bàn chân, ở khu vực gần các ngón chân. Người bệnh bị đau buốt nhiều nhất khi đứng hoặc đi lại.
Đa số những người đến khám tại bệnh viện đều mô tả rằng bàn chân họ có cảm giác như đạp lên viên sỏi nhỏ. Tình trạng này xuất hiện là do dây thần kinh ở kẽ các ngón chân (chủ yếu là các ngón ở giữa bàn chân).
Trong một số trường hợp, u thần kinh Morton sẽ xuất hiện sau khi bị chấn thương bàn chân. Ví dụ khi đá bóng bị đối phương đạp trúng chân, bị tai nạn giao thông tác động vào bàn chân.
Những phương án xử trí ban đầu khi bị đau bàn chân
Các nghiệm pháp vật lý trị liệu luôn là lựa chọn đầu tay vì dù ít hay nhiều, các bệnh lý gây đau ở bàn chân đều được hưởng lợi ích từ những nghiệm pháp này. Vật lý trị liệu có thể trải dài từ những nghiệm pháp đơn giản cho đến phức tạp. Dễ nhất:
- Chườm đá: chườm túi đá vào vị trí đau khoảng 15 phút, sau đó nghỉ khoảng 2 tiếng rồi mới chườm tiếp nếu muốn. Chú ý là phải có một lớp khăn trải lên vị trí đau để bề mặt da không tiếp xúc trực tiếp với túi chườm.
- Tập các bài kéo giãn cơ, kéo căng cổ chân, giữ thăng bằng.
- Mang đế giày chỉnh hình trong trường hợp người bệnh bị bàn chân bẹt.
Những cách phòng tránh đau bàn chân
Dấu hiệu đau bàn chân thường ít khi gây ra bởi các yếu tố bộc phát, đột ngột mà là hệ quả của cả một quá trình đi lại và sinh hoạt không đúng cách. Hãy mang một đôi giày thoải mái, phù hợp. Tránh các loại giày cao gót hoặc giày có phần mũi chụm lại gây siết các ngón chân. Thường xuyên vận động các ngón chân, kéo giãn các ngón để bàn chân linh hoạt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận