19/08/2014 10:12 GMT+7

Bảo vệ bàn chân bệnh nhân tiểu đường

PGS TS NGUYỄN HOÀI NAM
PGS TS NGUYỄN HOÀI NAM

Khi bị nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường, cần nhập viện để điều trị để tránh phải cắt cụt chân đúng không?

Tiểu đường là một bệnh mạn tính có các yếu tố di truyền. Nguyên nhân thường là hậu quả của tình trạng thiếu hụt một loại nội tiết tố là Insulin. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng tăng hàm lượng đường trong máu và xuất hiện đường trong nước tiểu, cùng với các rối loạn trầm trọng trong chuyển hoá các chất: mỡ, đạm, khoáng chất v.v….Các rối loạn này có thể đưa đến các biến chứng và tổn thương tại các cơ quan của cơ thể: thần kinh, mạch máu, mắt kèm với tình trạng dễ bị nhiễm trùng của cơ thể.

Bệnh tiểu đường đã được mô tả trong y văn từ thời cổ Hy Lạp. Từ năm 1875, các bác sĩ  đã có ý niệm về việc phân chia bệnh tiểu đường ra làm hai nhóm: nhóm tiểu đường gầy và nhóm tiểu đường mập mà cho đến nay người ta vẫn gọi là tiểu đường Type 1 và tiểu đường Type 2.

Từ đầu thế kỷ 20, vẫn chưa có loại thuốc và phương pháp điều trị nào đặc hiệu khả dĩ. Cho đến năm 1921, hai tác giả Best và Banting đã phát hiện ra Insulin và đưa nó vào trong điều trị bệnh tiểu đường và năm 1950 các loại thuốc tiểu đường dạng uống cũng đã được đưa vào trong điều trị cho những bệnh nhân tiểu đường Type 2.  Đây là một cuộc cách mạng lớn trong y học. Từ những năm 1970, các bác sĩ cũng nhận thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa hàm lượng đường trong máu với mức độ nặng của các biến chứng trong những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.

Tại Mỹ, năm 1993 có tới 7,8 triệu người mắc bệnh tiểu đường tăng gấp 3 lần so với năm 1958.

Ở Việt Nam,theo số liệu điều tra năm 1991 tại Hà Nội là 1,1%, Huế là 0,96% và một số quận nội thành của TP.HCM năm 1992 là 2,5% bệnh nhân mắc bệnh.

Các loại biến chứng

Có nhiều loại biến chứng trong bệnh tiểu đường, chủ yếu là biến chứng trên các mạch máu lớn gây nên bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại vi và các biến chứng trên các mạch máu nhỏ: bệnh võng mạc, bệnh thận, bệnh thần kinh.

Nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường là một biến chứng thường hay gặp ở những bệnh nhân tiểu đường Type 2 và là một nguyên nhân gây tàn phế nặng nề cho bệnh nhân. Có tới 50% , các trường hợp cắt cụt chân không do chấn thương là cắt cụt chân ở những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.

Chi phí cho điều trị biến chứng này rất cao ở các nước: ở Mỹ, người ta ước tính hàng năm lượng tiền dùng để điều trị nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường lên tới 1,5 tỷ USD. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã thấy những bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, chi phí điều trị lên tới cả triệu đồng một ngày chủ yếu là thuốc kháng sinh mà vẫn không giữ nổi chân.

Các điều trị chủ yếu trong nhiễm trùng bàn chân tiểu đường là: điều trị nội khoa nhằm giảm đường huyết, các loại thuốc giãn mạch, thuốc tăng cường mức độ di chuyển của ôxy vào trong mô, thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu trong lòng mạch, thuốc điều trị cao huyết áp, bỏ thuốc lá, chống béo phì v.v…và điều trị ngoại khoa: làm cầu nối động mạch, tạo hình động mạch bằng phương pháp can thiệp nội mạch, cắt lọc mô nhiễm trùng, cắt thần kinh giao cảm và cuối cùng là cắt cụt chân cho bệnh nhân nếu các phương pháp điều trị thất bại.

Trong đó việc điều trị bằng cắt lọc mô nhiễm trùng là bước đầu tiên và rất quan trọng cho những điều trị kế tiếp sau.  Một số tác giả có đề cập đến vai trò của việc điều trị bằng Oxy cao áp cho kết quả cũng khá tốt.

Tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, nhờ cải tiến công tác cắt lọc mô nhiễm trùng, các bác sĩ  ở khoa Phẫu thuật lồng ngực và Tim mạch đã giảm tỷ lệ cắt cụt chân từ 20% trước đây xuống còn 2-3% trong giai đoạn hiện nay. Đó là một bước tiến bộ đáng kể trong điều trị.

Câu hỏi đúng - sai:

1.     Khi bị nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường, cần nhập viện để điều trị để tránh phải cắt cụt chân:

Đúng: vì chỉ trong bệnh viện việc điều trị ngoại khoa và kiểm soát đường huyết mới triệt để và có kêt qủa tốt.

2.     Khi bị nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường, nên ngâm chân vào dung dịch thuốc sát trùng trước khi thay băng:

Sai: không nên làm như vậy vì sẽ làm nhiễm trùng lan rộng lên trên và không kiểm soát được.

3.     Tất cả các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường đều bị nhiễm trùng bàn chân và đều phải cắt cụt chân:

Sai: Phần lớn những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường bị nhiễm trùng bàn chân, đó là những người không làm tốt công tác phòng và bảo vệ bàn chân: đi chân đất, đi giày dép cứng, cắt móng hay bị vấp ngã gây chảy máu v.v…và tỷ lệ cắt cụt chân nếu được điều trị tốt chỉ còn 2-3% chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân nhập viện trễ, tổn thương lâu ngày mà không được điều trị tốt cả về phương diện ngoại khoa, săn sóc vết thương và sử dụng thuốc tiểu đường.

PGS TS NGUYỄN HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên