24/01/2014 10:20 GMT+7

Vì sao bà Yingluck quyết bầu cử?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Bất chấp sức ép trên đường phố Bangkok đòi hủy bỏ cuộc bầu cử quốc hội ngày 2-2, bà Yingluck Shinawatra vẫn dứt khoát tổ chức bầu cử vì tự tin sẽ chiến thắng như ông anh Thaksin từng giải tán quốc hội rồi bầu lại và đắc thắng vào năm 2006.

nEmbztza.jpgPhóng to
Bà Yingluck Shinawatra vẫn dứt khoát tổ chức bầu cử

Những màu áo "nhạy cảm" ở Thái LanPhe biểu tình Thái Lan thách thức “khẩn cấp”

Ở Thái Lan cũng như ở các xã hội có kiểu bầu cử tranh chấp thật sự, yếu tố “địa lý cử tri” đóng vai trò rất quan trọng. Ở Mỹ, trên bản đồ bầu cử, màu xanh là Đảng Dân chủ, màu đỏ là Đảng Cộng hòa.

Từ cuộc bầu cử năm 2001, Thái Lan càng phân cực với hai màu đỏ (ủng hộ ông Thaksin), vàng (bảo hoàng, lực lượng chính trị “cổ truyền”).

Ông Thaksin đã thu hút đông đảo cử tri Thái và đã để lại cho cô em Yingluck một di sản thành tích mà theo Jacques Ivanoff - nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu về Đông Nam Á đương đại (IRASEC) - là đã trả lại sự hãnh diện cho đất nước Thái.

Ông Thaksin đã trả nợ được cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); đã chứng tỏ mình là người có quyền thế và giàu có, song cũng là người nói và làm, nhất là giúp người nghèo qua việc trợ giúp nông dân, cho tiền người dân nông thôn. Đây là một đặc tính rất “Thái”: người có quyền thế nhất thiết phải giàu có, để có thể giúp người khác. Vấn đề là đừng có quá quyền thế, kẻo rơi vào cái bẫy tự cho rằng mình là bất khả chiến bại, rồi làm càn, để rồi bị lật đổ, như bản thân ông Thaksin cũng là một ví dụ.

Ông Thaksin đã khôn khéo tỏ ra “Thai Rak Thai” (người Thái yêu người Thái, tên gọi đảng mà ông thành lập năm 1998) trong bối cảnh một xã hội mà đối với dân nghèo, các chính khách lớn nhỏ ăn trên ngồi trốc, đang kin muang (ăn sạch đất nước), trong đó phrai (người nông dân) nín thinh trước các amataya (giới quyền quý) để được yên thân và xã hội cứ thế mà ổn định! Với Thaksin, các phrai đã từ quê ra tỉnh, xuống đường cất lên tiếng nói cho mình!

Jacques Ivanoff cho rằng Thaksin đã vô hình trung mở toang cánh cổng cho bạo lực thoát ra trong bối cảnh một xã hội có nhiều dị biệt giữa các vùng miền, không chỉ đơn thuần về kinh tế (như miền bắc và tây bắc thì nghèo) mà còn về nguồn gốc dân tộc trong một đất nước đa sắc tộc.

Khi người Isans (Lào-Thái) chiếm đến 31% dân số và sống ở khu vực đông bắc, người Muang chiếm 10% dân số và sống ở miền bắc, thì khi nói về cơ sở chính trị của ông Thaksin chính là nói đến 41% dân số đó đã bỏ phiếu sẵn cho ông nhờ chính sách “người Thái yêu người Thái”. Đó là chưa tính đến số người nghèo trong các thành phố, mà lớp nghèo thành phố mới là nông dân lên tỉnh!

Qua cách đầu tư cho các khu vực hẻo lánh, ông Thaksin đã khôn khéo trút bực tức qua các đối thủ “cổ truyền” vì theo Ngân hàng Thế giới (WB), 72% chi tiêu công của Chính phủ Thái tập trung cho thủ đô Bangkok - nơi chỉ tập hợp được 27% dân số và góp 26% GDP, trong khi khu vực đông bắc - nơi chiếm đến 34% dân số lại chỉ được dành cho 6% chi tiêu công!

Năm 2011, bà Yingluck và Đảng Pheu Thai kế thừa di sản đó đã chiếm 48,41% số phiếu, giành được 265 ghế Hạ viện đánh bại Đảng Dân chủ đang cầm quyền (chỉ được 35,15% số phiếu, 159 ghế Hạ viện). Thành ra, cho dù nay có một số nông dân đang thất vọng vì trợ giá gạo, bà Yingluck vẫn có thể yên trí rằng về số học mà nói, vẫn đang cầm chắc đa số phiếu!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên