29/06/2012 07:31 GMT+7

Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

ThS NGÔ HỮU PHƯỚC (trưởng bộ môn công pháp quốc tế, Đại học Luật TP.HCM)
ThS NGÔ HỮU PHƯỚC (trưởng bộ môn công pháp quốc tế, Đại học Luật TP.HCM)

TT - Hành vi mời thầu của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ngày 4-11-2002 và vi phạm luật pháp của Việt Nam.

Sơ đồ các vùng biển theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982

XowgvEqL.jpg

Theo quy định tại điều 76 Công ước 1982, nếu thềm lục địa không rộng (nhỏ hơn hoặc bằng 200 hải lý) thì các quốc gia có quyền tuyên bố chiều rộng tối đa của thềm lục địa quốc gia mình là 200 hải lý (trong trường hợp này chiều rộng của thềm lục địa sẽ bằng chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế); nếu thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý thì có thể xác định ranh giới phía ngoài của thềm lục địa bằng hai cách hoặc tuyên bố chiều rộng tối đa của thềm lục địa là 350 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để đo chiều rộng của lãnh hải.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng với giải pháp công bằng, Công ước 1982 đã ưu tiên cho những quốc gia có thềm lục địa hẹp (nhỏ hơn 200 hải lý) sẽ được kéo dài thềm lục địa của mình bằng 200 hải lý. Đối với những quốc gia có thềm lục địa rộng (lớn hơn 200 hải lý) thì thềm lục địa của quốc gia đó rộng bao nhiêu sẽ được tuyên bố bấy nhiêu nhưng tối đa không được vượt quá 350 hải lý hoặc không được vượt quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m.

Theo điều 77 Công ước 1982, trong vùng thềm lục địa quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền sau đây:

“1. Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình.

2. Các quyền nói ở khoản 1 có tính chất đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của các quốc gia đó.

3. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào...”.

Như vậy, các quyền chủ quyền mà quốc gia ven biển có được trên thềm lục địa của mình xuất phát từ chủ quyền trên lãnh thổ đất liền. Bởi lẽ, thềm lục địa chính là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền. Mặt khác, các quyền chủ quyền này mang tính “đặc quyền”, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò, khai thác tài nguyên sinh vật, vi sinh vật trên thềm lục địa của mình thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động đó. Và cuối cùng, các quyền này tồn tại đương nhiên và ngay từ đầu, là quyền không thể chuyển nhượng và không thể mất hiệu lực đối với quốc gia ven biển.

Mặt khác, hành vi của CNOOC cũng đã vi phạm cam kết của các nước ASEAN và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại tuyên bố DOC. Theo DOC, các bên khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC), Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của Trung Quốc) và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước.

ThS NGÔ HỮU PHƯỚC (trưởng bộ môn công pháp quốc tế, Đại học Luật TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên