Một số thành viên dự buổi khảo sát - Ảnh: TUYẾT MAI
Xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe
Theo ông Thanh, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thời gian tạm giữ hành chính không quá 24 giờ. Tuy nhiên, có nhiều đối tượng có dấu hiệu tàng trữ ma túy, chất cấm, không khai báo nhân thân, lai lịch nên việc tạm giữ 24 giờ không đảm bảo việc xác minh, củng cố hồ sơ liên quan đến giám định. Trong khi đó, luật không quy định trách nhiệm của cơ quan giám định, người giám định.
Từ đó, ông Thanh đề xuất kéo dài thời giam tạm giữ người đến 72 giờ mới đủ thời gian xử lý, và cần phải quy định trách nhiệm của cơ quan giám định, người giám định.
Hiện nay, nhiều người vi phạm không có tài sản đảm bảo, không nghề nghiệp, vi phạm trong lĩnh vực giao thông nhiều gây ra áp lực về kho bãi tạm giữ, xác minh phương tiện cho cơ quan chức năng.
Ngoài ra, pháp luật quy định thời hạn ra quyết định xử phạt trong vòng 7 ngày. Nhưng nhiều vi phạm cấp phường, xã được lập biên bản nhưng ra quyết định xử phạt là cấp trên. Do đó, thời hạn 7 ngày không đủ để thẩm định. Lãnh đạo Công an quận Thủ Đức đề xuất đối với vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của phường, xã thì thời hạn là 7 ngày, còn cấp thành phố cần phải kéo dài thành 10 ngày.
Trung tá Nguyễn Văn Thanh - Ảnh: TUYẾT MAI
Ông Thanh cũng chỉ ra nhiều điểm bất cập trong Luật xử lý vi phạm hành chính với Bộ luật hình sự. Cụ thể, đối với các tội trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu đối tượng vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tại điều 90, 92, 94 của Luật xử lý vi phạm hành chính lại quy định những đối tượng trên nếu bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần trong 6 tháng, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật hình sự chưa có sự thống nhất, đồng bộ.
Thực tế việc kiểm tra xử lý vi phạm cũng gặp khó khăn, do người dân không hợp tác, không mở cửa thì lực lượng công an không làm gì được. Đến hôm sau, mời họ lên xử phạt theo nghị định 167 do không chấp hành kiểm tra hành chính, kiểm tra nhân khẩu, lưu trú.
Ông Thanh cho rằng mức xử phạt không chấp hành hiệu lệnh đối với vi phạm giao thông hiện nay rất nặng, còn việc không chấp hành hiệu lệnh khi lực lượng chức năng kiểm tra hành chính chỉ bị phạt 100-300.000 đồng. Mức xử phạt trong lĩnh vực trật tự xã hội như vậy quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
"Vi phạm xây dựng: chỉ giải quyết phần ngọn"
Đó là ý kiến chất vấn của ông Dương Ngọc Hải - trưởng Ban nội chính Thành ủy TP.HCM - về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng tại quận Thủ Đức. Ông Hải cho rằng khiếu nại, khởi kiện trong lĩnh vực xây dựng tăng do việc xử lý vi phạm mới ở phần ngọn. Bởi phần lớn lập biên bản công trình vắng chủ không có người ký, chủ yếu xử lý người ở trong công trình vi phạm mà không xử lý người xây dẫn đến người dân khiếu nại, khiếu kiện.
Ông Lưu Trọng Nghĩa - phó Phòng quản lý đô thị UBND quận Thủ Đức - Ảnh: TUYẾT MAI
Về vấn đề này, ông Lưu Trọng Nghĩa - phó Phòng quản lý đô thị UBND quận Thủ Đức - cho rằng trên địa bàn quận vừa qua có nhiều vụ vi phạm về xây dựng, đất đai. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm đối với chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, như khó khăn trong việc xác minh lương, thu nhập do các tổ chức tín dụng từ chối cung cấp thông tin.
Hoặc nhiều chủ đầu tư không chấp hành, khóa cửa, không cho lực lượng chức năng vào công trình kiểm tra. Việc cưỡng chế công trình xây dựng phần lớn không thu được tiền, chỉ có thể bỏ tiền nhà nước ra làm.
Ông Nghĩa lý giải thêm: đối với trường hợp công trình vắng chủ, cơ quan chức năng sẽ mời người đang ở trong công trình này lên để xác minh chủ đầu tư. Nếu vẫn không xác minh được thì sẽ niêm yết tại công trình vi phạm.
Ông Phan Bá Thọ - phó Phòng tài nguyên môi trường - cho biết việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai gặp nhiều vướng mắc do không xác định được đối tượng vi phạm. Phần lớn xử lý vi phạm do sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất.
Điển hình, người dân tới chiếm đất, lập nhà tạm, địa phương xuống xử lý thì không xác minh được đối tượng, nên kê biên, tham mưu ủy ban áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục tình trạng ban đầu. Nhưng khi xuống hiện trường, trên đất có công trình nên phải ban hành quyết định xử lý vi phạm về xây dựng, sau đó mới xử lý vi phạm về đất đai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận