(Kính tặng cô Nguyễn Thị Hương, THPT Kim Bảng, Hà Nam)
![]() |
Minh họa: Nguyễn Thanh |
Việc kiểm tra miệng không còn cứng nhắc và nhiều lo âu nữa bởi cô không bắt chúng tôi phải học thuộc lòng mà chịu khó lắng nghe những cảm nhận, những ý kiến đôi khi rất ngộ nghĩnh của học trò chúng tôi. Cô muốn chúng tôi học theo những bài văn mẫu cũng như có thể bắt chước một điều gì đó nhưng “đừng bao giờ là một bản sao cứng nhắc” mà hãy thoải mái thể hiện cá tính, suy nghĩ của mình. Giờ lên lớp của cô, lũ học trò chúng tôi có thể “nói leo”, có thể tranh luận về tác phẩm và cô sẽ là người giải đáp mọi thắc mắc nếu có.
Với cô, chúng tôi không chỉ là những đứa học trò mà còn là những người bạn, những đứa em thân thiết. Cô có thể vô tư nhận thanh kẹo khi thắng cược với lớp và sẵn sàng mua quẩy khao cả lớp khi thua cược. Nhiều khi cô ngồi cả giờ ra chơi để “buôn dưa lê” về tất cả những chuyện của cái tuổi” ẩm ương” mà chúng tôi đang trải qua còn cô thì đã trải qua, về tình yêu, về ước mơ, về sự nghiệp sau này. Cô cũng không ngại ngần tâm sự với chúng tôi những trăn trở thường nhật và sẵn sàng lắng nghe lời góp ý ngô nghê nhất. Với cô, sự trưởng thành, sự kính trọng của học trò mới chính là thước đo giá trị của một nhà giáo và để có được điều đó thì trước hết “nhà giáo phải là một tấm gương”.
May mắn nhất của cuộc đời tôi là được cô dạy những năm cấp III trước khi bước vào ngã rẽ quan trọng của cuộc đời mình. Có lẽ tôi cũng là một trong những đứa học trò cô nhớ nhất. Bởi tôi chính là đứa đã lấy từ cô điểm mười trong một lần thách đố để đòi lại “danh dự” từ cái vụ mất thanh kẹo sôcôla của lớp. Tôi cũng là đứa con trai thường xuyên “đấu khẩu” và cũng hay tâm sự với cô nhất, ngay cả khi đã lên đại học hay ra đi làm như bây giờ..
Cô từng nói với tôi rằng: “Cứ đi đi, đường ở dưới chân mình ấy”. Và tôi đã quyết chọn cho mình những bước đi như thế. Tôi, cậu học trò mê Toán đã khám phá ra môn văn rất nhiều điều thú vị, học văn còn là học làm người, để rồi đậu vào đại học khối C. Tôi từ khi còn là một anh lính - một sinh viên trong quân ngũ đã từng đi phát tờ rơi, đi làm cửu vạn, đi nhập dữ liệu thuê... Rồi sau này, khi tôi đã là cán bộ ở một cơ quan nhà nước nhưng vẫn đi làm gia sư, tập tành viết báo kiếm tiền, tham gia công tác xã hội. Và cô luôn là người cổ vũ tôi nhiều nhất. Cô thường bảo: “Đi nhiều chỉ làm đôi chân mình rắn rỏi hơn thôi”. Tôi đã vững vàng hơn từ những câu nói đơn giản như thế.
Ngày nhận quyết định đi làm, tôi gọi điện ngay cho cô. Cô nghiêm nghị nói: “Đi làm, lương cao thấp cô không biết, ăn chơi gì cô không biết nhưng mỗi tháng phải dành vài trăm nghìn biếu bố mẹ, nghe không?”. Khi tôi còn đang bối rối, cô lại bảo: “Tiền có thể là điều kiện sống nhưng đừng bao giờ coi nó là mục đích sống”. Đó là bài học sâu sắc nhất cô tặng tôi khi chuẩn bị bước vào cuộc sống tự lập hoàn toàn. Để đến giờ phút này, sau bao nhiêu va vấp, giữa cám dỗ phù du vật chất , tôi vẫn gắng giữ cho lòng mình luôn thanh sạch.
Có lần, cô thỏ thẻ gọi điện nhờ tôi tìm nguồn giúp đỡ cho một em học trò khó khăn lớp cô đang dạy. Tôi lại thêm một lần bất ngờ về cô. Sau đó không lâu, em học trò ấy đã được báo Tuổi Trẻ trao một suất học bổng. Cô còn tâm sự với tôi rằng muốn lập một quỹ học bổng cho các em học sinh khó khăn của trường. Dù giá trị vật chất không lớn nhưng đó sẽ là sự ghi nhận, là động lực để các em vươn lên. Cái dự định ấy của cô đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Nhưng tôi tin, với tâm huyết của cô thì vào một ngày không xa điều đó sẽ trở thành hiện thực.
Lần khác, cô xin email và gửi cho tôi một bài chính luận cô viết. Còn cô cười xòa bảo: “Góp ý cho cô nhé”. Tôi ngạc nhiên vô cùng: “Em sao dám góp ý chứ?”. Cô nói như đùa: “Ngày xưa cô dạy em, giờ em dạy lại cô. Cuộc đời là vậy, “nửa chữ cũng là thầy” có phải không em?”. Câu trả lời của cô khiến tôi không khỏi bất ngờ. Điều khiến tôi khâm phục và càng kính trọng cô không phải ở những lời khen mà bởi sự thẳng thắn, dám thừa nhận những khiếm khuyết của bản thân để vươn lên ở cô. Cũng như ngày xưa cô hay nói: “Trên đời này không có ai là hoàn hảo cả, phải biết cảm thông, bao dung và yêu cả những tật xấu của người khác”. Chính đức tính ấy đã bao lần khiến lũ học trò chúng tôi cảm phục cô và thấy mình tự tin hơn trong cuộc sống.
Tôi và lứa học trò của cô năm nào giờ đã lớn khôn, nhiều đứa giờ còn là đồng nghiệp của cô nữa. Thế nhưng với chúng tôi, cô mãi là một tấm gương sáng để noi theo. Cảm ơn cô đã làm cho môn văn không còn “chán ngấy” mà trở nên hấp dẫn và đầy cảm xúc. Cảm ơn cô những bài học sâu sắc mà rất đời thường.
Áo Trắng số 21 ra ngày 15/11/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận