06/06/2016 10:20 GMT+7

VFS và câu chuyện thương hiệu

TTO - Từng từ chối trả lời Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện VN (VFS), đạo diễn Đặng Nhật Minh lại bất ngờ gửi đến một bài viết. Thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ trích đăng:

Chiếc tàu điện trong kho đạo cụ của Hãng Phim truyện VN được họa sĩ Phạm Quốc Trung phục chế theo đúng nguyên mẫu tàu điện thật Ảnh: Đ.N.M.
Chiếc tàu điện trong kho đạo cụ của Hãng Phim truyện VN được họa sĩ Phạm Quốc Trung phục chế theo đúng nguyên mẫu tàu điện thật - Ảnh: Đ.N.M.
“Thương hiệu không phải là cái gì vĩnh viễn nếu ta không giữ được nó bằng chất lượng sản phẩm của mình

 

Trước khi vào làm việc tại Hãng Phim truyện VN (trước đây gọi là Xưởng phim truyện Hà Nội), tôi làm phiên dịch tiếng Nga, chuyên dịch thoại trong các phim Liên Xô tại Phát hành phim trung ương.

Đến năm 1963, tôi được điều về Trường điện ảnh để dịch cho chuyên gia Liên Xô đang giảng dạy tại đây.

Cảm ơn mảnh đất số 4 Thụy Khuê

Đến bây giờ nhiều người vẫn thường đặt dấu hỏi: Tôi học nghề làm phim ở đâu? Bởi vì trong ngành ai cũng biết tôi không tốt nghiệp qua trường lớp đào tạo chính quy nào ở trong nước lẫn ngoài nước (ngoại trừ hai lần được đi thực tập ngắn ngày ở nước ngoài sau khi đã làm đạo diễn rồi).

Có người cho rằng sở dĩ tôi biết làm phim là do học lỏm được cái nghề này ở ông chuyên gia Liên Xô mà tôi làm phiên dịch trong sáu tháng?

Thực ra câu trả lời rất đơn giản: Tôi tự học. Do tự học nên tôi có rất nhiều thầy và có quyền chọn thầy cho mình.

Đó là những đạo diễn trong và ngoài nước, những nhà văn trong và ngoài nước, những nhạc sĩ, họa sĩ mà tôi yêu thích... Là các tác giả khuyết danh của ca dao tục ngữ, của kho tàng văn hóa dân gian... Tất cả họ đều là thầy tôi.

Với cái vốn liếng tự học đó, tôi đã hành nghề đạo diễn tại Hãng phim truyện số 4 Thụy Khuê trong vòng 20 năm trước khi chuyển về công tác tại Hội Điện ảnh VN.

Những phim tôi làm sau đó với Hãng phim Hội Điện ảnh, Hãng phim truyện 1 thì cũng lại làm việc với anh chị em từ cái lò số 4 Thụy Khuê mà ra cả.

Cho nên mỗi lần nghĩ về Hãng Phim truyện VN, trước tiên tôi nghĩ về họ, những người đã cùng kề vai sát cánh với tôi trong các đoàn làm phim.

Người ta từng gắn cho hãng phim này những danh từ thật mỹ miều như: con chim đầu đàn, anh cả đỏ của điện ảnh VN, một hãng phim có thương hiệu của điện ảnh VN... Tôi chẳng bao giờ cảm thấy hãnh diện với những danh hiệu trên.

Nhưng nếu ai đó hỏi tôi có những kỷ niệm gì với cái hãng phim này tôi sẽ nói rằng đó là nơi để lại cho tôi nhiều kỷ niệm vui và cũng không ít kỷ niệm không vui. Nhưng dầu sao tôi vẫn cảm ơn cái mảnh đất này: số 4 Thụy Khuê - nơi khai sinh ra con người điện ảnh của tôi.

Xin đừng hủy chiếc tàu điện

Đọc trên các báo, tôi được biết Hãng Phim truyện VN đã được cổ phần hóa và người nắm đa số cổ phiếu là Tổng công ty Vận tải thủy.

Gần đây lại có cả thư kiến nghị của một số nghệ sĩ gửi tới các cấp cao của Đảng và Chính phủ đề nghị đình chỉ việc cổ phần hóa cho dù nó đã được tiến hành đến 90% rồi.

Một tờ báo có uy tín tại TP.HCM gọi điện ra hỏi tôi có ý kiến gì khi nghe tin Hãng Phim truyện VN được cổ phần hóa mà giá trị thương hiệu được tính bằng 0.

Chưa bao giờ hai từ thương hiệu trong điện ảnh được nhắc đến nhiều như trong những ngày này. Có lẽ vì cái giá bằng 0 kia đã chạm đến lòng tự ái của mọi người chăng?

Tôi nghĩ các sản phẩm có chất lượng tạo ra thương hiệu chứ không phải thương hiệu làm ra chất lượng của sản phẩm.

Vậy thương hiệu của một hãng phim là những bộ phim có chất lượng mà hãng đó làm ra, và một khi không có những bộ phim có chất lượng thì thương hiệu đó ắt cũng không còn.

Thử hỏi trong 325 bộ phim hãng đã làm trong 55 năm qua có bao nhiêu phim góp phần làm nên cái thương hiệu “made in Hãng Phim truyện VN”? Tôi chắc không nhiều bằng những phim làm lu mờ cái thương hiệu đó.

Thương hiệu không phải là cái gì vĩnh viễn nếu ta không giữ được nó bằng chất lượng sản phẩm của mình.

Tôi rời khỏi Hãng Phim truyện VN đã hơn 20 năm nay nên không biết gì về chuyện cổ phần hóa ngoài những thông tin được đọc trên mạng như mọi người.

Do vậy tôi không có kiến nghị gì. Chỉ biết đấy là một chủ trương của Đảng và Chính phủ áp dụng cho tất cả doanh nghiệp nhà nước mà Hãng Phim truyện VN không phải là ngoại lệ.

Tôi chỉ có một đề nghị nho nhỏ gửi tới ông chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thủy - “ông chủ” mới của hãng phim: Xin đừng hủy chiếc tàu điện trong kho đạo cụ của hãng.

Đó là chiếc tàu điện đã được họa sĩ Phạm Quốc Trung phục chế theo đúng nguyên mẫu tàu điện thật để phục vụ một số cảnh quay trong phim Hà Nội - Mùa đông 1946.

Chiếc tàu điện gắn với ký ức một thời của người Hà Nội trước và sau tiếp quản thủ đô năm 1954. Ở Hà Nội, ngay tại xưởng đóng tàu điện trên phố Thụy Khuê trước đây không còn lưu giữ một chiếc nào.

Tôi cũng đề nghị công ty tặng nó lại cho Bảo tàng Hà Nội như một hiện vật để các thế hệ mai sau biết được hình thù chiếc tàu điện của một thời từng chạy từ chợ Mơ, qua bờ hồ lên chợ Bưởi với tiếng chuông leng keng như một hoài niệm của tuổi thơ.

Không biết lá thư thỉnh cầu của tôi có được đáp ứng không? Đó là điều quan tâm nhất của tôi nhân việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện VN.

Đạo diễn ĐẶNG NHẬT MINH

Các nghệ sĩ yêu cầu cổ phần hóa đúng giá trị VFS

Ngày 2-6, NSƯT Đức Lưu cung cấp cho Tuổi Trẻ bản kiến nghị về giải pháp chấn hưng Hãng Phim truyện VN (VFS) của chín nghệ sĩ tâm huyết gửi Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và thư thỉnh cầu gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện của 50 nghệ sĩ lão thành phía Nam.

 

Trong hai văn bản trên, gần 60 nghệ sĩ không hoàn toàn phản đối việc cổ phần hóa nhưng bày tỏ yêu cầu và mong mỏi tha thiết phải cổ phần hóa đúng giá trị của VFS.

Mở đầu bản kiến nghị về giải pháp chấn hưng VFS, các nghệ sĩ bày tỏ vô cùng bức xúc trước thông tin cổ phần hóa VFS và kiến nghị cần ngay lập tức chấn chỉnh, thậm chí dừng hẳn việc cổ phần hóa đơn vị này.

Các nghệ sĩ cho rằng việc cổ phần hóa VFS hiện nay diễn ra không minh bạch và vội vã, chưa được bàn thảo với các cán bộ công nhân viên của hãng. Các nghệ sĩ cũng bày tỏ bất bình trước việc định giá thương hiệu và định giá đất đai của VFS đều bằng 0.

Vì thế các nghệ sĩ kiến nghị cần phải dừng ngay việc cổ phần hóa VFS với đối tác chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso, đồng thời thay giám đốc VFS hiện nay... rồi mới tính tiếp câu chuyện cổ phần hóa minh bạch, công khai giá trị của VFS.

NSƯT Đức Lưu cũng cho biết hiện các nghệ sĩ tâm huyết với VFS đã mời luật sư tư vấn về pháp lý để kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc cổ phần hóa VFS.

V.V.TUÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên