02/08/2015 11:18 GMT+7

​Vết xe đổ

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TT - Năm 15 tuổi, H. bị bắt về tội cướp giật tài sản. TAND Q.3 (TP.HCM) xử H. 1 năm 8 tháng tù. Ra tù hai tháng, H. lại trở về con đường cũ.

Lần này, 17 tuổi, H. lại ra tòa.

Trước vành móng ngựa là bảy thanh niên trạc tuổi H.. Chúng phải ngồi sát vào nhau mới vừa đủ một băng ghế. Nhìn những gương mặt trắng trẻo, dáng dấp thanh mảnh, chẳng ai nghĩ rằng chúng từng là một băng cướp gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhiều người đi đường. Giữa chốn pháp đình uy nghiêm, chúng vẫn thản nhiên tươi cười nói chuyện với nhau...

Trái với khung cảnh nhộn nhịp ở trên, phía dưới phòng xử là đông đảo các bậc phụ huynh, trên gương mặt đen đúa hằn lên những vẻ nhọc nhằn. Họ khoác lên mình những bộ quần áo đã cũ mèm, nơi gấu và cổ áo đã sờn, bạc thếch. Phần lớn trong số họ là những người lao động vất vả như xe ôm, phụ hồ... Họ phấp phỏng chờ đợi phiên tòa.

“Thật xót xa khi chúng tôi phải xử những bị cáo với tuổi đời còn quá trẻ như thế này” - vị chủ tọa không kìm được xúc động thốt lên.

Cứ mỗi bị cáo bước lên vành móng ngựa trả lời thẩm vấn, hội đồng xét xử lại dành thời gian để nhắc đi nhắc lại những lời giáo huấn, những câu hỏi: “Các bị cáo có biết dùng xe đi cướp giật là nguy hiểm cho cả người đi đường và cả bản thân bị cáo không?”, “Chẳng lẽ các bị cáo định sống bằng việc cướp giật hay sao?”, “Bị cáo không sợ pháp luật trừng phạt?”...

Có lẽ họ đều muốn khơi dậy trong sâu thẳm những đứa trẻ ấy chút lương tri, sự thành khẩn hối lỗi dẫu muộn màng. Nhưng câu trả lời nhận được chỉ là những sự im lặng hoặc giả là ậm ừ cho qua của bị cáo.

Trong số đó, H. là đứa ít tuổi nhất. Tòa hỏi bị cáo H.: “Bị cáo có biết thương mẹ không, có biết mẹ đã vất vả như thế nào không?”, H. chỉ đáp trổng: “Biết”. Cho đến ngày ra tòa, H. vẫn chưa tròn 18 tuổi. 

Bà Hạnh, mẹ bị cáo, được triệu tập đến tòa với vai trò là người giám hộ. Nói về con, bà bật khóc: “Tôi chỉ có một mình, chồng tôi chết từ khi H. còn nhỏ, một mình gồng gánh nuôi năm, sáu đứa con, mấy đứa đã lớn nhưng chẳng đứa nào chịu đi làm. Nó không chịu đi làm thì chẳng lẽ lại để nó đói, tôi làm sao nỡ”. 

Hằng ngày bà cho H. 20.000 - 30.000 đồng để chi tiêu, rồi lại lao vào vòng quay cơm áo gạo tiền hối hả. “Cứ khách gọi cạo gió, giác hơi là đi, không kể buổi đêm khuya hay ban ngày. Ngày cao lắm cũng tầm 200.000 đồng, bữa no bù bữa đói thôi” - bà kể. 

Hỏi bà tại sao không cho H. đi học để bây giờ bị cáo không biết chữ, bà thở dài cám cảnh: “Tôi nghèo nhưng cũng lo cho con đi học đầy đủ, nhưng nó ham chơi, cứ chở đến trường, đợi nó vào lớp rồi mới về nhưng khi mình về thì nó lại trốn đi chơi điện tử, còn công việc, tôi không thể đi theo con cả ngày được”. Nhìn đôi bàn tay với những ngón to bè của bà bỗng thấy thương cảm. 

Dẫu vậy, ở cương vị, trách nhiệm của người làm cha làm mẹ như bà, tòa vẫn phải nhắc nhở: “Tòa hiểu bà nuôi cơm bị cáo thôi đã là vất vả lắm, nhưng sinh con thì phải giáo dục con, không thể bỏ đó như cây cỏ tự nhiên mà sống được”.

Kết thúc phiên tòa, bà nghẹn ngào vừa chạy vừa gọi với theo con. Cho đến khi chiếc xe bít bùng chở bị cáo khuất dạng trong dòng người xe hối hả, bà Hạnh vẫn còn tần ngần đứng nhìn theo. Cái nắng oi ả buổi ban trưa chiếu xuống làm thành một chiếc bóng tròn lẻ loi, trơ trọi trên mật sân tòa.

Theo cáo trạng, L.V.L., N.V.T., T.V.Q., V.T.H., L.H.H., D.H.S., N.V.C. đều không có nghề nghiệp ổn định, đã có tiền án về tội cướp giật tài sản. Sau khi ra tù, các đối tượng đã tụ tập thành băng cướp chuyên dùng xe máy chạy quanh các tuyến đường khu vực Q.10, Q.3 (TP.HCM) để cướp giật. Từ tháng 12-2013 đến tháng 7-2014, băng cướp này đã thực hiện trót lọt bảy vụ.

Khi phạm tội, các bị cáo này mới chỉ 18 - 22 tuổi, riêng bị cáo H. chưa thành niên.

Sáng 23-6, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên phạt các bị cáo trên mức án từ 1 năm đến 7 năm tù.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên