29/12/2008 14:50 GMT+7

Vết trợt hang vị

BS LÊ THÚY TƯƠI
BS LÊ THÚY TƯƠI

TTO - Tôi được biết chứng đầy bụng, khó tiêu ngoài các nguyên nhân khác còn có nguyên nhân do thần kinh, làm thế nào để xác định được bệnh là do nguyên nhân này và dùng thuốc gì để chữa?

Tôi bị chứng này đã hai tháng nay, đã xét nghiệm, nội soi, xác định có viêm trợt hang vị, thân vị, bác sĩ đã cho các loại thuốc dạ dày kết hợp với kháng sinh nhưng uống một tuần nay bệnh không hề giảm mà còn rất khó chịu, choáng váng. Kính mong được tư vấn.

Phạm Khắc Toàn

- Trả lời của phòng mạch online:

Dạ dày ví như một "nhà kho", bạn ăn bất cứ thứ gì vào nó cũng rơi xuống nhà kho trước. Nơi đây có một loại dịch gọi là "dịch vị" làm nhiệm vụ giống như "cày vỡ" thức ăn. Mỗi ngày dạ dày tiết ra chừng 1,5 đến 2 lít dịch vị.

Dịch vị bao gồm: acid clohydric với độ pH vào khoảng 1,5 tác dụng trực tiếp lên thức ăn làm chúng rắn cũng phải mềm, các thớ thịt nếu ta nuốt vội cũng bị mềm ra. Men pepsin có nhiệm vụ như một lưỡi dao sắc bén cắt các mối nối gọi là peptid để thịt nhuyễn ra giống như bạn cho vào máy xay.

Cùng lúc ấy thì dạ dày chuyển động, co bóp để dịch vị thấm đều, tác dụng hết vào các phần thức ăn. Nếu vậy bạn sẽ hỏi: vậy thì dạ dày cũng là cơ, sao không bị dịch vị "tiêu" luôn? Đúng vậy, bởi dạ dày có một lớp niêm mạc lót bên trong, lớp này tiết ra chất nhầy mucin có tác dụng bảo vệ, chống lại acid. Nếu vì lý do nào đó dạ dày tăng tiết acid, giảm tiết chất nhầy thì thành dạ dày bị tổn thương từ viêm sung huyết, vết trợt và vết loét. Câu chuyện thường là như vậy.

Các nguyên nhân gây tổn thương dạ dày:

- Vi khuẩn Helicobacter pylori: đây là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương dạ dày dẫn đến đầy bụng, khó tiêu là dấu hiệu bạn cảm thấy. Tuy nhiên nếu lấy dịch vị đem soi thì kẻ "nội gián" nằm ngay dưới niêm mạc dạ dày tha hồ đục khoét, tạo ra nhiều tổn thương và là nguyên nhân gây ung thư dạ dày kể cả ở người trẻ.

- Nhiễm độc dạ dày do hóa chất tẩm ướp trong thực phẩm, do rượu bia triền miên, hút thuốc lá làm chất nhầy giảm hẳn, mất khả năng bảo vệ.

- Ăn uống vô tội vạ, giờ giấc linh tinh, bữa no căng rốn, bữa nhịn đói khiến sự bài tiết dịch vị hỗn loạn, mất cân bằng thường tăng tiết acid tạo ra loét.

- Căng thẳng thần kinh làm thần kinh phế vị (đi vào dạ dày) bị kích thích làm tăng tiết dịch vị gây ra tổn thương viêm loét.

- Một số thuốc như aspirin, corticoid, ibuprofen có thể gây ra kích ứng gây viêm dạ dày cấp.

Trở lại vấn đề của bạn. Nếu bác sĩ soi dạ dày thông báo có vết trợt ở vùng hang vị thì cần thêm một bước xác định có vi khuẩn không. Khi tìm ra thủ phạm là vi khuẩn thì kháng sinh điều trị sẽ hữu hiệu. Trong y học việc tìm nguyên nhân hay ta gọi là thủ phạm đích thực mới giúp bác sĩ điều trị đúng.

Trong những điều tôi liệt kê ở trên bạn nên rà soát xem mình vướng vào nguyên nhân nào để từ bỏ (rượu, bia, thuốc lá, cách ăn uống..). Chỉ có như vậy mới mong điều trị có kết quả.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

BS LÊ THÚY TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên